Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
641 lượt xem

Quảng Trị: Lấy phụ phẩm nông nghiệp về ngâm ủ vi sinh cho lợn, gà ăn con nào con nấy khỏe mạnh, thịt thơm ngon, săn chắc

Anh nông dân ở tỉnh Quảng Trị đã về quê, lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, tạo ra thực phẩm sạch, lãi 200 triệu đồng/năm. Nghe có vẻ lạ nhưng đang là xu hướng của thời đại nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Anh Nguyễn Đăng Vương (SN 1983, trú thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là chủ của mô hình tuần hoàn khép kín, tận dụng rác phế phẩm để chăn nuôi.

Giữa năm 2015, trong một chuyến tham quan ở Nhật Bản kéo dài 12 ngày, anh vô cùng tâm đắc với câu nói của người dân xứ sở mặt trời mọc: “Rác là tài nguyên, là tài sản quốc gia” và được tận mắt thấy người Nhật Bản phân loại rác, tái chế, tận dụng tài nguyên rác rất khoa học, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường, lại tiết kiệm và mang lại lợi ích kinh tế.

Đến cuối năm anh Vương quyết định trở lại Nhật Bản học làm phân bón vi sinh từ rác thải phế phẩm. “Mất 3 chuyến đi, tổng cộng 9 tháng, hết 200 triệu đồng chi phí tôi mới học được cách làm phân bón vi sinh và các sản phẩm chăn nuôi từ rác” – anh Vương nói.

Năm 2018, anh Vương quyết định mở nhà máy sản xuất phân bón vi sinh từ rác. Sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng nhưng vì người dân chưa quen dùng nên khó tiêu thụ. Vậy là sau 2 năm, nhà máy phải đóng cửa. Dù thất bại nhưng quyết tâm làm giàu từ rác trong tâm trí vẫn còn cháy bỏng. Vì vậy, năm 2020, anh Vương mở trang trại chăn nuôi thực phẩm sạch.

Anh Vương đầu tư chuồng trại, chăn nuôi lợn, gà, vịt với nguồn vốn có sẵn cùng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh Hội Nông dân. Từ vài chục con heo, vài trăm con gà, vịt, đến nay anh Vương đã mở rộng trang trại, mỗi năm nuôi 30 lợn nái sinh sản, hơn 300 heo thịt, hàng ngàn con vịt, gà và còn 5ha lúa hữu cơ.

Ở trang trại anh Vương đó là nguồn thức ăn do anh tự làm ra, từ rác thải, phế phẩm. Anh Vương đến các chợ, khu vực sản xuất trên địa bàn thu gom phế phẩm như đầu, ruột của cá, ếch, đầu tôm, bã đậu, thân cây ngô, lạc, hoa quả, rau củ bị hỏng… Những phế phẩm là rác này được anh Vương mang về trang trại chế biến, ngâm ủ vi sinh, tạo ra thức ăn có hàm lượng đạm cao. Sau đó đem trộn với bã bia, tạo ra loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho lợn, gà, vịt, bò.

Còn phân lợn, anh Vương dùng làm Biogas cung cấp chất đốt và dùng để nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho gà, vịt. Anh nuôi vịt trên sàn, bên dưới xây dựng hệ thống khay đựng phân để nuôi giun quế, cung cấp thức ăn ngược lại cho gà, vịt. Phân của giun quế, ruồi lính đen anh Vương mang đi bón để trồng lúa hữu cơ và cây ăn quả. Chính vì cách chăn nuôi khoa học, tuần hoàn, sử dụng thức ăn sạch đã tạo ra thực phẩm sạch, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

“Trong 2 năm đầu mở trang trại, vì tình hình dịch bệnh, yếu tố thị trường và phải hoàn lại chi phí đầu tư ban đầu nên mức lãi thấp. Nhưng năm nay tôi đã có lãi khoảng 200 triệu đồng. Với đà tăng trưởng này, tôi tin thời gian tới trang trại sẽ có mức lãi ổn định, khá cao” – anh Vương chia sẻ.

Anh Vương chia sẻ, chăn nuôi sử dụng thức ăn vi sinh tiết kiệm khoảng 40% chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, vật nuôi ít đau ốm nên không cần dùng kháng sinh trị bệnh. Tuy tốc độ tăng trưởng của vật nuôi không thể bằng chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. Dù vẫn, anh Vương vẫn quyết tâm làm với mong muốn tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho cộng đồng.

Thấy mô hình chăn nuôi của anh Vương mang lại lợi ích, nhiều người có chung chí hướng đã tìm đến học hỏi. Đến năm 2021, họ đã cùng nhau thành lập hợp tác xã nông nghiệp sạch Tây Sơn, do anh Vương làm giám đốc. Đến nay, hợp tác xã đã có 11 thành viên trên toàn tỉnh.

Hai sản phẩm thịt gà và lợn của hợp tác xã đã được công nhận Vietgap, khẳng định thương hiệu, uy tín để khách hàng yên tâm sử dụng.

Theo Dân Việt

Bài viết cùng chủ đề: