Trong mắt nhiều phụ huynh, trẻ 6 tháng tuổi vẫn rất non nớt nên cần được bế ẳm bảo vệ hơn là nghĩ đến chuyện “dạy gì đó” cho con yêu. Tuy nhiên, tất cả các em bé sinh ra đều có tiềm năng và để tiềm năng ấy trở thành trí thông minh và phát triển tốt thì rất cần sự dạy bảo của ba mẹ.
6 tháng tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng khi các bé bắt đầu chuyển sang thời kỳ ăn dặm, đồng thời não bộ của các em đã đạt 50% trọng lượng não của người lớn. Đây là thời điểm đánh dấu những bước tiến vượt bậc của trẻ cả về khả năng ăn uống, hành vi, nhận thức và cảm xúc. Chính vì vậy bố mẹ cũng cần có sự hướng dẫn và uốn nắn trẻ kịp để trẻ có thể ngoan khỏe lớn lên và phát triển toàn tiện, lành mạnh.
Vậy bố mẹ nên dạy trẻ 6 tháng tuổi những gì và dạy như thế nào để bé có điểm tựa phát triển tốt nhất?
Giúp trẻ rèn luyện kỹ năng vận động
Trẻ 6 tháng tuổi đã có thể thực hiện động tác lật một cách thuần thục và có thể lật ở mọi hướng. Khi kéo tay bé ngồi dậy, bé có thể giữ được thăng bằng và tự do hoạt động, bé cũng có thể dùng hai tay thuần thục hơn, ví dụ như dùng hai tay cầm bình sữa, vươn tay đến chỗ những món đồ ở gần, lắc lư cổ tay khi cầm đồ chơi,…. Hơn nữa, nếu mẹ đỡ bé, bé có thể tự nảy người lên xuống khi ở tư thế đứng.
Trong ngày, bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định để trẻ chơi trên sàn. Lúc này, trẻ có thể ngồi, nằm hoặc trườn, lật khắp sàn nhà và nghịch với các món đồ chơi hoặc với mẹ. Lưu ý nên trang bị tấm lót sàn dành cho trẻ nhỏ để đảm bảo an toàn. Chẳng hạn bạn đặt một món đồ chơi yêu thích hơi cách xa tầm với của trẻ một chút khi bé đang nằm sấp trên sàn. Trẻ sẽ có động lực để lật hoặc thậm chí trườn đến để với lấy. Bạn cũng thử đặt đồ chơi trước mặt khi trẻ ngồi trong tư thế kiềng ba chân hoặc tự ngồi một mình. Bài tập này sẽ khuyến khích trẻ với lấy món đồ chơi bằng một tay, giúp tăng sự thăng bằng. Nên đặt thêm vài chiếc gối xung quanh, phòng khi con ngã.
Tập cho trẻ ăn dặm
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, trẻ nên bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Bạn hãy lưu ý rằng trẻ 6 tháng tuổi sẽ mất dần lượng sắt vốn có sẵn trong cơ thể từ khi còn trong bụng mẹ, và cần phải bổ sung thêm thông qua ăn dặm.
Bên cạnh đó, sữa mẹ lại không chứa nhiều chất sắt. Do đó, một trong những món ăn dặm đầu tiên của bé có thể là món bột ngũ cốc, có thể cung cấp lượng sắt dồi dào. Nhưng một số bé sẽ không thích vị này, nên bạn hãy thử cho bé ăn món trái cây nghiền để thay thế, như là táo không đường hay lê xay nhuyễn. Vitamin C có trong trái cây sẽ giúp chuyển hóa chất sắt trong cơ thể, món trái cây nghiền này có vị hấp dẫn, lại mềm mịn nên các bé sẽ rất thích. Xong thời điểm này sữa vẫn là thức ăn chính trong chế độ dinh dưỡng của bé, nên trong bữa ăn, bạn hãy cho bé bú sữa trước, rồi mới bắt đầu ăn thức ăn dặm.
Có thể nói, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não tối ưu và ăn dặm như thế nào còn đặt nền tảng cho thói quen ăn uống lành mạnh về sau này của trẻ. Đây còn là giai đoạn bé phát triển môi lưỡi, bàn tay, các cơ nhỏ ở ngón tay và ăn dặm cũng là cách bé khám phá thế giới xung quanh bằng tất cả các giác quan mà nhờ đó, trí não hoạt động và phát triển.
Giúp trẻ phát triển về nhận thức
Nếu bạn vẫn chưa có thói quen đọc sách cho bé mỗi tối, hãy bắt đầu từ bây giờ. Hãy quan sát khuôn mặt bé khi bạn chỉ cho bé những hình ảnh sống động hay những cảnh quen thuộc. Mỗi khi giao tiếp với con, bạn đừng nhận xét hay phê phán điều gì, bởi vì em bé của bạn chắc chắn không làm như vậy đâu.
Khi bạn cười với bé, bé sẽ cười đáp lại. Bé sẽ tỏ ra thích thú một số trò chơi nhỏ và gần như đoán trước được trò đó sẽ diễn ra tiếp theo như thế nào. Nhưng đừng kéo dài trò chơi quá lâu với bé, em bé của bạn chưa đủ sức chơi hay trò chuyện với bạn lâu, và bé sẽ tỏ thái độ cho bạn biết điều này. Bé có thể sẽ không chăm chú nhìn bạn nữa mà nhìn đi chỗ khác, trở nên cáu kỉnh, và có thể khóc. Như thế nghĩa là bạn hãy ngưng trò chơi lại và chuyển bé sang hoạt động khác. Bạn cần phải để ý kỹ những phản ứng hay tâm trạng của bé. Chính cách ứng xử của bạn dành cho bé sẽ là bài học đầu đời để bé biết chia sẻ và thấu hiểu khi giao tiếp với mọi người.
Dạy bé 6 tháng thông minh thông qua việc chơi đùa cùng bé
Theo nghiên cứu khoa học, bố mẹ cùng chơi đùa với bé mỗi ngày sẽ giúp bé thông minh hơn và thành công trong cuộc sống khi trưởng thành. 6 tháng là giai đoạn thùy trán đóng vai trò điều chỉnh suy nghĩ, hành vi, giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc bắt đầu phát triển. Chơi đem lại cơ hội thực hành các kỹ năng xã hội – cảm xúc, giao tiếp và nhận thức quan trọng để khuyến khích thùy trán phát triển. Chơi cùng con càng nhiều càng tốt còn là cách dễ dàng và tự nhiên nhất để xây dựng tình cảm giữa ba mẹ và con, tạo nền tảng cho các mối quan hệ khác.
Bố mẹ chơi đùa với bé giúp bé tăng vốn từ vựng, phát triển về mặt ngôn ngữ – bé sẽ có khả năng giao tiếp tốt trong tương lai. Thường xuyên vui chơi với bé sẽ giúp tình cảm giữa bố mẹ và bé gắn kết với nhau hơn, bố mẹ hiểu bé nhiều hơn và bé sẽ có chỉ số IQ cao hơn… Chẳng hạn, bố mẹ có thể cùng bé chơi các trò chơi vận động như trò chơi lăn bóng, bắt đồ vật, bò qua con đường nhỏ, cùng con nghe nhạc và nhún nhảy theo điệu nhạc…
Dạy bé 6 tháng “ngủ”
Giấc ngủ rất quan trọng ở mọi lứa tuổi, đóng vai trò củng cố ký ức, giúp chúng ta tích hợp kinh nghiệm và thu thập thêm kiến thức. Giấc ngủ đủ và chất lượng đặc biệt cần thiết đối với trẻ sơ sinh bởi não của trẻ không ngừng phát triển và xử lý thông tin. Bé 6 tháng tuổi cần ngủ đủ 15 tiếng mỗi ngày, trong đó giấc ngủ sinh lý cần thiết mỗi đêm là 11-12 tiếng (giống như người lớn cần 7-8 tiếng mỗi đêm).
6 tháng tuổi còn là giai đoạn có nhiều biến chuyển trong quá trình phát triển và môi trường của bé như mọc răng, ăn dặm, mẹ đi làm trở lại… Những rấm rứt khó chịu cùng nỗi lo sợ chia cắt với mẹ bắt đầu hình thành khiến bé khó ngủ hơn. Mẹ càng cần quan tâm đến giấc ngủ của bé nhiều hơn nữa.
Giúp trẻ phát triển các giác quan
Ba mẹ chú ý cung cấp đồ chơi phù hợp với sự phát triển của bé. Luyện tập các cách chơi khác nhau với đồ chơi giúp bé tự tin, định hình về không gian và phát triển nhận thức. Bé đang học hỏi về cuộc sống thực, do đó không cần quá cầu kỳ, mẹ có thể tận dụng những món đồ đa hình dạng, đa chất liệu và an toàn cho bé ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Bé 6 tháng đang phát triển trí não dựa trên những trải nghiệm khi được tập cầm nắm, cảm nhận bằng các giác quan. Các dây thần kinh trong miệng của trẻ 6 tháng nhạy cảm hơn nhiều so với đầu ngón tay. Bé ở tháng tuổi này có xu hướng khám phá đồ vật bằng cách đưa vào miệng. Mút tay còn là liệu pháp tinh thần, trẻ có thể mút ngón tay và thậm chí cả ngón chân để tự xoa dịu mình, đặc biệt là khi đói hoặc mệt.
Tuy nhiên ở nhiều gia đình, ba mẹ vẫn lo lắng bé mút tay lâu dần trở thành thói quen xấu hoặc quá nhiều vi khuẩn trên đồ đạc. Khi đó hãy thay đổi suy nghĩ, vệ sinh sạch sẽ sàn nhà, đồ đạ xung quanh bé là ba mẹ đã giúp bé phát triển trí thông minh rồi.
Phát triển ngôn ngữ và tình cảm
Em bé 6 tháng tuổi có thể bắt đầu bập bẹ “ma-ma”, “ba-ba”. Bé được củng cố vốn từ vựng một cách tự nhiên thông qua việc được nghe mẹ nói chuyện hàng ngày. Nói chuyện với bé chỉ đơn giản là mô tả lại việc mẹ đang làm hoặc kể về dự định cuối tuần. Trong khi nói chuyện, mẹ có thể đặt câu hỏi và ngừng lại một chút để khuyến khích bé bập bẹ “trả lời”. Đó chính là lúc bé hiểu giao tiếp là như thế nào.
Ngoài ra, âm nhạc cũng được xem một hình thức ngôn ngữ rất có lợi cho não bộ. Mẹ có thể cùng bé nghe nhạc hoặc hát cho bé nghe những giai điệu vui vẻ. Để giúp con phát triển ngôn ngữ, ba mẹ đừng quên tạo thói quen đọc truyện cùng nhau vào một khung giờ cố định trong ngày, chẳng hạn trước giờ đi ngủ mỗi tối. Trong đó, sự tương tác giữa ba mẹ và bé đóng vai trò quyết định trong việc khơi dậy niềm yêu thích với sách cho bé. Ba mẹ đừng quên đọc sách cùng giọng điệu cử chỉ yêu thương và những khoảng lặng khi cần để giúp bé phát triển khả năng tưởng tượng.
Ở 6 tháng tuổi, bé có thể nhận ra ai là người lạ và không theo bố hoặc bà nếu không muốn hoặc chỉ theo mẹ. Vậy nên nếu Bé 6 tháng chưa biết theo mẹ thì đó là bởi mẹ chưa thật sự có thời gian chất lượng cho con mà thôi. Mỗi ngày một chút, chơi cùng ba mẹ không chỉ giúp bé thông minh hơn và còn củng cố tình cảm gia đình bền chặt.
- Nếu cứ giữ 8 lối tư duy này, bạn chắc chắn sẽ trễ hẹn với thành công
- "Kiệt sức" vì trả 70 triệu nợ xây nhà mỗi tháng và bài học dành cho những người đến sau
- Đứa trẻ có nốt ruồi ở 3 vị trí này, tài lộc giàu sang ùn ùn đến
- 5 kiểu ‘tiểu tam’ phổ biến trong cuộc sống: Kiểu đầu tiên nguy hiểm nhất, kiểu cuối cùng cao thủ nhất
- Thông xe tuyến đường gần 200 tỉ đồng kết nối Hà Nội với Bắc Giang