Cát Thịnh là vùng đất nuôi ba ba nổi tiếng của huyện Văn Chấn (Yên Bái), bất kể ai ở đây cũng biết một tỷ phú mới nổi, đó là ông Nguyễn Văn Nghị…

Nhà ông Nghị ở thôn Văn Hưng nằm bên kia Ngòi Phà, con đường đến nhà ông loắt ngoắt khó đi, nhưng thật bất ngờ khi gặp ngôi nhà xây theo kiểu vi-la nổi lên giữa vùng quê thanh bình, xung quanh là những dãy ao xây phủ toàn bèo tây xanh ngắt. Với dáng vẻ thư sinh, nếu lần đầu gặp thì thật khó tin ông là nông dân chính hiệu, một tỷ phú ba ba nổi tiếng ở vùng đất Cát Thịnh.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở nuôi ba ba giống, ông kể, gia đình bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2005, với diện tích hơn 2.000m2, muộn hơn nhiều hộ đã nuôi ba ba ở đây từ năm 1995.

Mới đầu ông cải tạo cái ao thả cá trước cửa nhà, sau đến những ruộng chằm lầy thụt cấy lúa sang nuôi ba ba, mỗi năm làm một ít, kiếm được đồng nào bỏ vào xây ao nuôi ba ba bấy nhiêu. Mãi đến năm 2010 mới có ba ba bán, chưa nhiều nhặn gì…

Không giống những gia đình nuôi ba ba thương phẩm, ông tự tìm hướng đi riêng: Nuôi ba ba sinh sản.

Ngày ấy ông phải đi khắp nơi tìm mua ba ba giống, loài ba ba gai nên rất hiếm, có thể nói khó hơn là mua vàng. Nghe ở đâu có ba ba là ông đến, lùng mua bằng được, đắt mấy cũng mua. Đến giờ thì nhà ông có khoảng 300 cặp ba ba bố mẹ, cứ 3 con cái và 1 con đực thành một cặp, tính ra có chừng 800 con ba ba bố mẹ tất cả.

Chỉ tính thức ăn cho ba ba mỗi ngày bình quân hết 80- 85kg cá tép, một tháng trên 2,4 tấn. Chúng chỉ ăn trong 10 tháng, 2 tháng ngủ đông, một năm nuôi ba ba cần 24 tấn cá, chi phí trên 300 triệu đồng. Điều đó đủ thấy nuôi ba ba tốn kém biết chừng nào.

Ba ba đẻ mỗi năm 3 lứa, lứa một vào tháng 6 âm lịch, lứa hai vào tháng 7 âm lịch, lứa ba vào tháng 8 âm lịch. Chúng đẻ liền tù tì trong ba tháng mùa hạ, sau đó thì đi vào ngủ đông. Đó là những ngày tháng bận rộn nhất trong năm của vợ chồng ông, họ phải thức đêm mang trứng vào hai nhà cát để ấp.

Mỗi ao ông làm một bãi cát nhân tạo cho chúng lên đẻ, cả 300 cặp đẻ liền trong một tháng, chúng lên bãi đẻ nhung nhúc, nếu không đưa trứng của con đẻ trước vào nhà ấp thì con đẻ sau sẽ làm vỡ trứng của con đẻ trước.

Mùa ba ba đẻ, vợ chồng ông gần như thức suốt đêm, nghe tiếng ba ba đánh nủ vào nhau lốp cốp đủ biết chúng đang trang nhau chỗ đẻ, cũng giống như mùa giao hoan, những con đực tranh giành con cái chúng cũng đánh nhau dữ dội. Ông Nghị cho biết, ba ba sinh sản tốt nhất là những con trưởng thành từ 7-8 kg, con lớn trên 10kg lượng trứng cũng ít, tỷ lệ nở cũng không cao.

Sau khi ba ba con nở, ông đưa ra những bể con ươm, thức ăn của chúng cũng là cá, tôm băm nhỏ, cứ 7- 10 ngày là xuất bán. Giá ba ba lứa một 220.000đ/con, lứa hai 200.000đ/con, lứa ba 160.000- 180.000đ/con. Ông giải thích vì sao giá ba ba mỗi lứa lại khác nhau như vậy, là vì lứa một ba ba con đẻ ra khỏe, lớn nhanh hơn hai lứa sau, vì thế khách hàng thích mua ba ba lứa một, giá đắt hơn là thế.

Mỗi năm gia đình ông sản xuất trên 10.000 con ba giống, ngoài ra ông còn tiêu thụ cho các hộ gia đình xung quanh khoảng 30.000 con. Tính ra mỗi năm ông tiêu thụ trên 4 vạn con ba ba giống. Ông bảo: Việc tiêu thụ cho bà con, lờ lãi không đáng bao nhiêu, chủ yếu giúp bà con và làm đối ngoại.

Thu nhập chủ yếu của gia đình tôi là hơn một vạn con ba ba giống, trừ hết chi phí mỗi năm thu khoảng 1,5 tỷ. Nói rồi ông cười lớn: Ngôi nhà này tôi xây cũng bằng tiền bán ba ba giống đấy…