Ngày rời quê lên phố, vợ chồng Đ. mang theo cô con gái 2 tuổi, cùng bố mẹ vợ và em gái vợ vào Bình Dương “làm công ty”, mong cuộc sống khấm khá hơn làm nương rẫy ở quê nhà.
Bố vợ ở nhà trông cháu, 4 người còn lại đi làm công nhân, vừa được 1 tháng 5 ngày thì dịch bùng phát. Hôm đó, Đ. vừa nhận lương tháng đầu tiên, tổng cộng được 5,7 triệu đồng.
Cứ nghĩ dịch nhanh chóng qua đi nên khi công ty đóng cửa, Đ. động viên mọi người cố gắng chờ, hết dịch thì đi làm tiếp. Nhưng chờ mãi, 1 tháng, 2 tháng, rồi 3 tháng trôi qua, công ty vẫn chưa mở cửa trở lại. “Tiền cạn dần, tôi phải vạy mượn để duy trì cuộc sống. Khoản nợ lên đến 20 triệu rồi. Nay thành phố nới lỏng hơn một chút, hai vợ chồng bàn nhau về quê thôi, ở lại thì chết đói mất”, Đ. kể.
Dọc đường, mỗi khi mệt quá, Đ. dừng xe, dựng chiếc lều lên cho vợ con nghỉ, còn mình thì chợp mắt một lát, không dám nghỉ lâu vì sợ lạc đoàn. “Chắc về anh chị cho con lợn, con gà rồi nuôi thôi”, Đ. nói về tương lai khi khoản nợ 20 triệu đồng lơ lửng trên đầu.
Gửi con cho ông bà ngoại, vợ chồng L.M.N và T.T.X (quê Hà Giang) vào Bình Dương làm thuê cho một công ty chuyên về sản xuất nhựa. “Làm 2 tháng, nghỉ dịch 3 tháng”, L.M.N “tổng kết” ngắn gọn về quãng thời gian gần nửa năm qua của mình.
Còn anh T.A.C (Sơn La) và vợ vào Bình Dương làm việc đã lâu, để 3 đứa con ở nhà nhờ ông bà trông nom. Nghỉ hè, cậu bé T.A.L được bố mẹ đón vào chơi rồi mắc kẹt ở lại do dịch Covid-19 bùng phát. Khi Bình Dương nới lỏng giãn cách, anh C. quyết định đưa con về “để cháu đi học”. Cậu bé đã muộn học một tháng so với các bạn.
Hành trình hơn 1.000 cây số khiến một chiếc dép của L. rơi đâu mất không rõ nhưng cậu vẫn nhất quyết không bỏ chiếc dép còn lại. Hỏi đi bao lâu nữa mới về đến nhà, anh C. lắc đầu: “Không biết đâu. Cứ đi đã, kiểu gì cũng về đến nhà”.
Có lẽ ngày bình thường, với người dân lao động, khoảnh khắc đưa cả gia đình cùng nhau về quê thăm lại cố hương, thăm lại ông bà cha mẹ… là quãng thời gian đầy ý nghĩa, thường là vào dịp Tết trong năm hoặc là một vài ngày nghỉ hè ngắn ngủi.
Vậy mà giờ đây, trên đoàn người kéo nhau về quê, có nước mắt và những nỗi xót xa. Ngày rời quê hương lên phố, họ mang theo một niềm hy vọng mãnh liệt, rằng sẽ có cơ hội kiếm tiền, cơ hội cho gia đình một cuộc sống ấm no sung túc.
Ngày ấy, họ xuất phát từ một nơi quá đỗi thân thuộc tới một nơi xa lạ nhưng không hề lo lắng, sợ hãi, thậm chí còn ấp ủ bao dự định, ước mơ. Vậy mà hôm nay, khi quay về nơi chôn rau cắt rốn, họ lại buồn bã và nhiều âu lo. Ngẫm cuộc sống cũng thật trái khoáy và ngược đời.
Về quê làm gì, khi mà khoản nợ ở thành phố vẫn đang còn chồng chất. Về quê thì cả gia đình sẽ sống dựa vào đâu, khi mà đất đai thì cằn cỗi, nông nghiệp thì ảm đạm. Nhưng cứ phải về trước đã, cứ tính tạm vậy đã. Vì trước mắt, họ đã không còn đường lui.
Có lẽ cuộc đời của những người lao động, khổ nhất là phải đứng giữa hai lựa chọn 50-50, và hai lựa chọn ấy chẳng có phương án nào tối ưu. Nhất là với những gia đình ngược Bắc vào Nam, ngày đi lên phố họ còn có thể ngồi máy bay, tàu hỏa… Bây giờ dắt díu nhau về quê với chiếc xe máy có thể hỏng bất cứ lúc nào, với đôi mắt đỏ ngầu vì khói bụi và với nỗi niềm nặng trĩu vì nợ nần.
Qua đây, chúng ta mới hiểu cuộc sống ở chốn phồn hoa đô hội chưa bao giờ là dễ dàng, nơi đây cho bạn nhiều cơ hội việc làm, cho bạn nhiều ấm áp nghĩa tình, cho bạn sự vui mừng khi vô tình gặp lại đồng hương. Nhưng nó cũng bắt bạn phải đánh đổi, khoảng cách về địa lý, nỗi cô đơn xót xa, sự mệt nhoài với guồng quay cuộc sống, thậm chí là nợ nần.
- Hà Nội: Bún ngan Nhàn bị tố chửi khách “một suất không bán, đốt vía”
- Đất ở không thiếu nhưng giá "trên trời": "Người đẻ chứ đất không đẻ" chỉ là lý luận của giới "cò" đất mà thôi.
- Thời “sốt” chung cư: “Mua chung cư có lợi là vừa được ở thoải mái mà giá vẫn tăng, tội gì phải ở nhà trong ngõ”
- 3 chị em góp 2 tỷ đồng, về quê xây biệt thự: Tưởng sống hòa thuận, ai ngờ được vài tháng đã phải bán vội
- 10 cách dạy con ngoan ngoãn từ các chuyên gia: Bố mẹ muốn con nghe lời đừng nên bỏ qua