Dù chưa thể phụ giúp mẹ một ngày nào nhưng bà Cúc cảm nhận được tình thương của anh Thanh dành cho mình.

Con còn nợ cây đinh trên đôi vai gầy của mẹ

Nhiều tháng qua, mọi người tại bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM không còn xa lạ với hình ảnh một người mẹ già còng lưng, cứ chiều chiều lại dìu đứa con trai út to lớn của mình trên đôi vai gầy yếu để đi tập vật lý trị liệu. Dù đã ở cái tuổi xế chiều nhưng cuộc sống của bà Phạm Thị Cúc chưa một ngày nhàn hạ khi đứa con trai út Lê Văn Thanh (33 tuổi) bị khuyết xương hộp sọ sau đợt tai nạn giao thông hồi đầu năm 2016.

Ngồi một góc lặng lẽ trước dãy hành lang của bệnh viện, bà Cúc cố nheo đôi mắt mờ của mình, vỗ vỗ đôi bàn tay động viên. Cách đó vài bước chân, anh Thanh cố chập chững bước đi, vừa ê a gọi mẹ rồi cười tít mắt. Dù đã 33 tuổi nhưng anh Thanh chẳng khác gì một đứa con nít, nhưng với bà Cúc, việc được nhìn thấy con trai hồi phục mỗi ngày đã là điều hạnh phúc nhất đối với bà.

“Như vậy là mừng lắm rồi, mừng lắm rồi, út ngoan của mẹ giỏi lắm”, bà Cúc nghẹn ngào.

Theo bà Cúc, sau tai nạn giao thông đầu năm 2016, qua 5 lần phẫu thuật, anh Thanh may mắn giữ được mạng sống nhưng di chứng để lại rất nặng nề. Anh Thanh bị khuyết xương hộp sọ vùng trán đỉnh, thái dương, liệt tứ chi và đôi mắt cũng không còn nhìn thấy rõ.

Bất lực nhìn đứa con trai sống cuộc đời thực vật, trong khi số tiền để tiếp tục chữa trị cho con lại quá lớn, bà Cúc đành gởi lại mảnh sọ để nuôi tại TP.HCM, đưa anh Thanh về quê để chăm sóc. Suốt 2 năm ròng rã, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của người mẹ già. Dành dụm, gom góp mãi vẫn không đủ để đưa anh Thanh một lần nữa vào TP.HCM để phẫu thuật ráp hộp sọ, bà Cúc chỉ biết ôm lấy anh Thanh mà khóc.

May mắn thay, đầu tháng 5/2018, hoàn cảnh của anh Thanh được một số anh chị mạnh thường quân vận động hỗ trợ kinh phí để tiến hành phẫu thuật ráp hộp sọ. Sau khi được điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, ca phẫu thuật được tiến hành thành công. Ôm choàng lấy anh Thanh, bà Cúc nấc nghẹn: “Nó được như vậy cũng nhờ trời thương, các anh chị thương tình giúp đỡ. Giờ Thanh của mẹ đã biết nói rồi, giỏi lắm út ơi”.

Khẽ đưa đôi bàn tay thô ráp của mình đặt lên đôi vai gầy của mẹ, dù chưa thể nói rõ từng chữ nhưng trong sâu thẳm ký ức của mình, anh Thanh vẫn còn nhớ vết thương trên vai của mẹ.

“Đau, mẹ đau, đau lắm… Út đi làm, cho mẹ chữa bệnh”, nghe thấy tiếng đứa con trai bập bẹ phát ra, bà Cúc bật khóc. Bà vẫn còn nhớ như in lời hứa của anh Thanh 2 năm về trước. “Nó bảo sẽ đi làm, dành dụm tiền cho bà mổ lấy cây đinh trong vai ra. Giờ nó nhớ được rồi, nó nhớ được rồi”, bà xúc động nói.

Út ngoan của mẹ, về nhà thôi con…

Sau khi được phẫu thuật ráp hộp sọ tại bệnh viện Chợ Rẫy, anh Thanh được chuyển sang Khoa Phục hồi chức năng – Vật lý trị liệu (BV Phục hồi chức năng TP.HCM) để tiếp tục điều trị.

Từ việc bị liệt cả người, không nhận thức được mọi việc, đầu bị móp một bên, anh Thanh nay có thể tự chập chững đi lại, i a học nói. Rót ly nước để cho anh Thanh uống thuốc, bà Cúc nhẹ nhàng, năn nỉ: “Út ngoan uống thuốc nào, chiều mẹ mua đồ chơi cho út, đồ chơi đẹp, đẹp lắm”. Nhoẻn miệng cười ngượng ngào, anh Thanh làm nũng với mẹ, chốc chốc lại đưa đôi mắt hiền hậu nhìn lén mẹ.

Dù chưa thể phụ giúp mẹ một ngày nào nhưng bà Cúc cảm nhận được tình thương của anh Thanh dành cho mình. “Nó khờ vậy chứ thương mẹ lắm, có hôm bà buồn, nó cũng không dám làm nũng. Bác sĩ bảo não của nó không còn nhiều, nhận thức được vậy là tốt lắm rồi”, bà Cúc tâm sự.

Việc tắm rửa vệ sinh cho anh Thanh vô cùng vất vả vì bà Cúc yếu mà con trai nặng, lại không gồng gượng được tí nào. Nhiều khi mất thế, hai mẹ con té nhào, bà phải cố bò dậy để chăm sóc cho con trai. Hơn 3 tháng rời quê vào TP.HCM để chữa bệnh cho con, chưa một đêm nào bà Cúc có thể ngủ ngon giấc. Bà lo sợ một ngày không còn đủ sức nữa, anh Thanh lại trở về như xưa.

Bà cho biết, để có tiền đóng viện phí cho anh Thanh, chồng bà Cúc (77 tuổi) ở quê phải đi làm mướn cho người ta. Số tiền ít ỏi từ nhà gởi vào cộng với số tiền được mọi người giúp đỡ phẫu thuật cho anh Thanh còn lại, bà dùng vào việc đóng viện phí tập trị liệu cho anh Thanh đến nay cũng đã hết. Không tiền, bà Cúc buộc phải đưa anh Thanh về quê.

“Giờ đâu thể nào vay mượn ai được nữa, lúc trước khi Thanh nó bị tai nạn, bà đã vay nhà nước, họ hàng trên 100 triệu rồi. Thấy nó khỏe như vậy, bà mừng lắm, bà tính ở hết tháng này xong sẽ về quê, chứ tiền đâu mà đóng để điều trị nữa”, bà Cúc nói.

Chi phí mỗi tháng tập vật lý trị liệu, nằm bệnh viện, ăn uống của anh Thanh khoảng hơn 15 triệu đồng. Các bác sĩ cho biết với khả năng phục hồi tốt như anh Thanh, cần phải ở lại bệnh viện vài tháng nữa để khỏi hẳn. Biết là vậy, nhưng nghĩ đến căn nhà ở quê không còn gì để bán, nhìn lại đứa con khờ đang chờ thêm cơ hội để sống tiếp, bà Cúc chỉ biết nuốt nước mắt.

“Bà thương thằng Thanh lắm. Sao lại có thể bỏ nó được, phải chi bà có tiền để lo tiếp cho nó điều trị. Giờ thì được ngày nào hay ngày đó, hết tiền, mẹ con mình về quê Thanh nhỉ”, nói đoạn bà Cúc quay sang nhìn anh Thanh cười hiền hậu.

Nghe mẹ nói, anh Thanh quơ tay, chỉ vào cái đầu móp méo của mình rồi đặt bàn tay lên ngực, kê sát đầu vào vai mẹ. Với anh, chỉ cần được sống cạnh bên mẹ một ngày, được đôi bàn tay chăm sóc của mẹ dành cho mình đã là một điều may mắn.

Còn với bà Cúc, bà không biết mình còn sống được bao lâu nữa, trong khi đứa con khờ vẫn đang chiến đấu từng ngày với bệnh tật. Cánh tay yếu ớt của hai mẹ con cố gắng dìu nhau từng bước thật chậm trên hành lang bệnh viện, có lẽ đây là những ngày cuối cùng họ có đủ tiền để ở lại đây.

Trước hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con anh Thanh, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa có thể quan tâm, giúp đỡ để anh Thanh có điều kiện tiếp tục chữa bệnh tại TP.HCM.