Nơi khởi nguồn của nghề bắt cào cào tại TPHCM có lẽ chính là ở Xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, có thể kiếm cả triệu đồng nếu trúng mánh mỗi đêm.
Hàng chục hộ gia đình ở xã Xuân Thới Thượng sẽ chuẩn bị vợt lưới to, đèn pin và ủng vào mỗi buổi chiều, bỏ vài bó chổi bỏ vào thùng đựng, họ rong ruổi khắp các đồng ruộng ở Củ Chi, Tây Ninh, Long An… đi bắt cào cào.
“Một buổi tệ lắm cũng được 400.000 đồng. Nghề này thoải mái vì không ràng buộc thời gian. Làm đêm nên không phải đi nắng nôi như nhiều nghề khác. Cứ giao hàng là có tiền, không phải chờ đợi đến tháng lãnh lương”, anh Nguyễn Thành Trung ở ấp 4, xã Xuân Thới Thượng liệt kê một loạt ưu điểm của nghề.
Vài chục năm trước, nghề này chưa được nhiều người biết đến. Cào cào được bắt bằng tay, không cần tuyển chọn từng loại. Số lượng nhiều nên việc có thể đi vợt vào sáng sớm hoặc chiều tối. Bởi, đây là thời điểm chúng ra ổ kiếm ăn.
Anh Đào Văn Ty (38 tuổi, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) theo nghề từ thuở nhỏ cho biết mình “ngủ ngày cày đêm”. Khoảng 16h, anh bắt đầu hành nghề. Các điểm gần nhà nhiều người cạnh tranh nên anh thường phải đi hơn 100km, xuống tận Tiền Giang để bắt. Anh cùng một người bạn vượt qua nhiều cánh đồng để đến nơi vợt cào cào trong đêm.
Khoảng 30 phút, anh Ty sẽ cho số cào cào bắt được vào một chiếc thùng thiết kế trên xe.
Thời điểm hiện tại là lúc cào cào sinh sôi phát triển. Người bắt đỡ phải đi xa. Nếu có kinh nghiệm và vợt được đúng ổ thì chỉ cần vài tiếng họ đã kiếm được hơn 1.000.000 đồng.
Mỗi đêm, những người vợt cào cào bắt được hàng nghìn con. Điểm đến là những bãi cỏ lớn, đồng ruộng… Vì thế, họ phải thiết kế một chiếc thùng đặt sẵn những bó chổi như thế này để chúng bám, không chồng lên nhau dẫn đến ngộp thở rồi chết. Khi về đến nhà việc bắt và phân loại sẽ dễ hơn.
Người bán phải liên tục phân loại cào cào đến 3-4 giờ sáng. Với những con già đã mọc cánh có giá 500-1.000 đồng. Những con non có giá từ 2.000 đến 3.000 đồng. Mỗi một túi ni lông sẽ có 10 con, được đục lỗ thoáng khí.
Cào cào vợt về được bà Phạm Thị Tơi, ở xã Xuân Thới Thượng thu mua. Mỗi ngày, tiền mua hàng dao động khoảng 25 triệu đồng.
“Cứ 4 giờ sáng, tôi đem lên khu chợ côn trùng ở quận 5 bán lại cho các tiểu thương. Ngoài ra còn đóng thùng phân phối khắp cả nước. Cái nghề làm mà như chơi, ban đầu không mấy ai biết tới vậy mà gia đình tôi đã có hơn nửa thế kỷ làm nghề này”, bà Tơi chia sẻ.
Các thương lái đều cho biết hiếm khi nào ế khách. Một số con quá to và già khó bán nếu còn tồn thì mang về phơi khô, xay nhuyễn thành cám bán cho cửa hàng thức ăn chim. Lời ít nhưng không sợ lỗ.
Tờ mờ sáng, khu vực chợ côn trùng ở khu Thuận Kiều (quận 5) tấp nập người ra kẻ vào, chủ yếu là cánh nam giới. Người mua kẻ bán ai ai cũng tranh thủ thật sớm để chọn lựa những con cào cào non. Chưa đến 9 giờ sáng, tiểu thương ai cũng mừng vì hàng đã hết sạch.
“Bây giờ người chơi chim nhiều hơn trước và chuộng đồ tươi hơn thức ăn có sẵn. Khi cho chim ăn cào cào sống lông chim sẽ mượt, béo tốt và hót hay hơn”, một người chơi chim cảnh cho hay.
Dân trí
- Toàn cảnh tuyến đường gần 3.000 tỷ sắp hoàn thành, kết nối hàng loạt khu công nghiệp, khu đô thị lớn
- Quảng Nam: Kỳ công nghề “xoi” trầm, trật tay là mất tiền… chục triệu như chơi
- Yên Bái: Trồng nghệ, thu vàng
- Đất ở không thiếu nhưng giá "trên trời": "Người đẻ chứ đất không đẻ" chỉ là lý luận của giới "cò" đất mà thôi.
- Ôm "mộng làm giàu", 2 năm mua 3 mảnh đất, cặp vợ chồng phải bán nhà trả nợ mỗi tháng 38 triệu