Cứ tưởng giờ này khó tìm người mua, chứ khi đi mua mới biết gặp được chính chủ hay môi giới có tâm cũng rất khó…
Trong thời gian gần đây, giới đầu tư bất động sản không lạ gì các cụm từ “bán đất ship tận nhà”, “bán đất mang đi”, “nhận cọc online”… Với thời đại công nghệ hiện nay, thì đúng là “khách hàng chỉ cần quyết, việc còn lại môi giới lo”…
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, không thoải mái đi lại được, nhiều người sẵn tiền, chỉ nhìn hình ảnh, và tin lời môi giới “giá đang rẻ, phải chuyển cọc luôn không người khác mua mất” hoặc “cam đoan sau giãn cách giá sẽ tăng gấp nhiều lần”… mà đã chuyển “tiền cọc” hoặc thực hiện các bước giao dịch online. Điều này đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều, phần lớn đều cho rằng “đừng dại mà mua nhà qua mạng”.
ĐỪNG THẤY VIEW HỒ MÀ TƯỞNG ĐẸP
Khi xu hướng sở hữu ngôi nhà thứ hai cùng phong trào “bỏ phố về quê” ngày càng phổ biến, nhu cầu tìm mua đất vùng ven cũng ngày càng gia tăng. Trong đó, dường như ai cũng muốn sở hữu cho mình một mảnh đất giáp hồ đẹp như trong các bức ảnh được đăng chào bán trên mạng. Nhưng những chia sẻ thông qua tìm hiểu thực tế của anh Nguyễn Văn Thao (Thanh Xuân) cho thấy, không phải cứ đất view hồ là thơ mộng.
Có trong tay chừng 2 tỷ đồng (tiền nhàn rỗi), anh Thao muốn tìm mua một mảnh đất view hồ tại Hoà Bình, cách trung tâm Big C Trần Duy Hưng (khu vực anh đang sinh sống) tầm 1 tiếng lái xe để làm ngôi nhà thứ hai cho gia đình.
Trên các trang mạng liên quan đến mua bán bất động sản cũng như fanpage của các hội, nhóm “Bất động sản nghỉ dưỡng và nhà xưởng”; “Đất vườn”, “Bất động sản Ba Vì”, “Bất động sản Lương Sơn”… hay Marketplace, anh Thao rất dễ dàng bắt gặp những thông tin “mảnh đất duy nhất còn sót lại”; “siêu phẩm”; “mảnh đất có 1 không 2”…, kèm với đó là ảnh của các khu đất giáp hồ đẹp mê hồn, đúng như gia đình anh mong muốn. Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, anh Thao đã lưu lại khá nhiều thông tin về các mảnh đất này. Sau đó, cứ cuối tuần là gọi cho người đăng tin để hẹn đi “xem đất”.
Mảnh đất đầu tiên anh hẹn môi giới đưa đi xem là một mảnh view lòng hồ sông Đà, cách Hà Nội hơn 60 cây số. Từ mảnh đất này nhìn xuống, quanh cảnh lòng hồ quả là rất đẹp. Tuy nhiên, do nhiều hộ dân xung quanh đang nuôi lợn với quy mô lớn, chất thải từ chuồng lợn được xả thẳng xuống hồ nên tràn ngập không khí là mùi phân lợn. Trên đường về, vợ anh muốn ngắm cảnh “sơn thuỷ hữu tình” nơi đây cũng không dám hé cửa xe.
Mảnh tiếp theo gia đình anh đi xem rộng 1000m2, full thổ cư với giá 1,4 triệu đồng/m2 thuộc Thanh Sơn, Lương Sơn. Trước mảnh đất là lối vào quanh co, men theo cái hồ khá trong xanh. Xung quanh đều là đồi núi. Mặc dù rất ưng ý nhưng vợ anh lại băn khoăn rằng hơi xa Hà Nội. Bởi theo thông tin mà môi giới chào bán, mảnh đất chỉ cách trung tâm Thủ đô 55- 60km, song thực tế, đi từ Big C Trần Duy Hưng lên đây phải mất tầm 80km (hết hơn 2 tiếng).
Lối đi cũ đã bị san lấp thành mảnh đất mới và đang được chào bán trên mạng.
Vài tuần sau đó, gia đình anh đi xem lại mảnh đất một lần nữa để đưa ra quyết định chính thức thì được biết đã có người mua rồi và đang chào bán lại với giá cao hơn giá chào bán trước đây 400 triệu đồng. Lối vào cũ cũng đã được san lấp thêm để “quy hoạch” thành mảnh đất khác rộng hơn 900m2, giáp hồ và đang chào bán tầm 2,4 triệu đồng/m2 (gồm cả đất thổ cư lẫn đất vườn). Nếu chủ mảnh đất mới mà xây nhà lên thì sẽ án ngữ ngay trước mặt, che mất tầm view hồ của khu đất anh Thao định mua. Bấy giờ, vợ chồng anh nhìn nhau, thở phào: may mà lúc trước chưa xuống tiền!
Anh chị cũng đã đi xem nhiều mảnh view hồ khác, nhưng chỗ thì cái hồ chỉ ngang cái ao tù, chỗ thì nước đục, bẩn, xanh rêu; chỗ đẹp thì giá quá cao… Chưa có chỗ nào khiến gia đình anh thực sự ưng ý.
“BIỆT THỰ TRÊN CAO” VÀ “CHUNG CƯ DƯỚI ĐẤT”
Sau nhiều năm tích cóp, chị Loan (Quảng Ninh) lên kế hoạch phải mua được nhà tại Hà Nội trong năm nay. Cũng giống anh Thao, chị thường xuyên vào mạng tìm kiếm thông tin các chung cư được chào bán.
Ban đầu, chị có ý định mua căn hộ từ 1 tỷ đổ xuống nằm ở mạn Hà Đông. Chị được giới thiệu căn “penhouse” giáp mặt đường 70 với giá tầm 500 triệu. Tưởng “vớ” được căn giá rẻ do ở xa trung tâm và chủ nhà đang cần bán gấp nhưng tới nơi thì mới biết căn hộ khá chật chội, chỉ có 1 phòng ngủ, được gọi là “penhouse” do nó ở tầng cao nhất của toà nhà “ông Thản xây” (theo lời chị nói), và giá rẻ là do chưa có sổ đỏ.
“Tiết kiệm mãi mới có được chút tiền nên tôi muốn căn nhà phải thực sự thuộc sở hữu của mình, có sổ hẳn hoi để nếu cần có thể thế chấp ngân hàng, hoặc khi có điều kiện chuyển nhà thì vẫn dễ dàng bán lại”, chị Loan bày tỏ.
Quyết định “sống sang” hơn, chị tìm mua căn hộ studio tầm 1 tỷ tại dự án Green Bay Mễ Trì. Tìm trên mạng, chị thấy “chính chủ” rao bán nhiều lắm nhưng khi liên lạc, thì toàn gặp trung gian môi giới. Có điều đến nơi, môi giới mới cho biết, các căn rao tầm 1 tỷ đổ xuống thì “bán rồi” và giải thích do “tin đó đăng đã lâu, giờ trang web tự lấy đăng lại” hoặc “các bạn ở văn phòng không biết nên mới đăng tiếp”…
“Tôi đã gọi tới rất nhiều số điện thoại ghi “chính chủ”nhưng thực chất chỉ là một người hoặc cũng có người khác nhưng là cùng nguồn hàng. Họ đưa tôi đi xem các căn tương tự nhưng giá bán toàn cao hơn 1 vài trăm triệu so với thông tin về căn tôi đã đọc được trên mạng. Thực ra, các căn hộ studio ở đây rất phù hợp với những người còn độc thân như tôi nhưng do là sở hữu 50 năm nên tôi cũng đang lăn tăn”, chị Loan chia sẻ thêm.
Khác với chị Loan, chị Hà (Cầu Giấy) lại đang có nhu cầu đổi sang chỗ ở rộng rãi hơn do căn tập thể cũ gia đình chị đang ở quá bé. Chị tìm được thông tin về căn “biệt thự trên cao” với hình ảnh giàn lan mướt mắt. Song khi đến xem thực tế thì đây chỉ là căn hộ 2 phòng ngủ tại một chung cư xây đã lâu, phần logia, chủ nhà thiết kế khá đẹp để treo lan trên lưới ban công và có chỗ uống trà. Điều chị không ưng nhất là căn hộ nằm trên tầng sát mái, nên vô cùng nóng.
Từ chối mua “biệt thự trên cao”, chị quyết định sẽ vay mượn thêm tiền để mua nhà mặt đất. Nhìn dãy nhà được môi giới giới thiệu trên mạng, chị vô cùng ưng ý. Đó là dãy nhà mới, mỗi căn được xây trên diện tích đất 30m2, cao 4 tầng, lại có đường ô tô qua trước mặt, vỉa hè rộng rãi với giá 2,9 tỷ đồng. Chị Hà đang hào hứng nghĩ có thể phải vay số tiền lớn, nhưng bù lại, gia đình chị sẽ chuyển cửa hàng tạp hoá về đây, không phải mất tiền thuê chỗ nữa.
Thế nhưng đến khi “mục sở thị” thì cảm giác đầu tiên chị nhận được là “vô cùng hụt hẫng”, bởi dãy nhà này nằm sát mặt sau toà chung cư Packexim, và chỉ có ít căn với nhau nên rất khó buôn bán. Ước tính theo lượng gạch lát nền thì diện tích thông thuỷ một sàn chỉ tầm 24m2.
Hơn nữa, theo chủ nhà, mảnh đất xây dãy nhà này là được chủ đầu tư dự án Packexim dùng trả cho nhà thầu (thay vì thanh toán tiền). Sau đó, nhà thầu xây chia lô để bán lại. Bởi vậy, dãy nhà vẫn nằm trong dự án của Packexim, các chủ hộ cũng vẫn phải đóng tiền phí dịch vụ, tiền gửi xe ô tô (nếu có) hàng tháng theo quy định của Ban quản lý…
“Như thế, chẳng khác gì chung cư nhưng dưới mặt đất. Trong khi còn bất tiện hơn căn hộ chung cư do vừa mất diện tích dành cho cầu thang, vừa không thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt của gia đình vì không ở cùng một mặt bằng…” – chị Hà ngao ngán nói.
KHI MÔI GIỚI KHÔNG THẬT TÂM, KHÁCH HÀNG “NẢN TOÀN TẬP”
Từ thực tế trải qua, anh Thao, chị Loan, chị Hà đều cho rằng không nên mua nhà khi chỉ xem trên mạng. Bởi tận mắt nhìn thấy còn chưa chắc như mình nghĩ. Hơn nữa, các thông tin được chào bán tại các trang web rất hiếm khi đúng với thực tế.
Anh Thao cho hay: Trừ khi môi giới là người thân quen, đáng tin tưởng còn nếu không, chỉ nhìn hình ảnh mảnh đất mà chuyển “tiền đặt cọc” hay thanh toán hết rồi để “môi giới lo” thì có khi người mua lại lo đến mất ăn, mất ngủ. Phải cực kỳ may mắn thì khách hàng mới có thể nhận được sổ đỏ tận nhà với tất cả thông tin đúng theo cam kết. Không may thì mất cả tiền lẫn thời gian. Còn bình thường thì, mảnh đất thực tế sẽ không giống như mình tưởng tượng mà khác về vị trí, về diện tích, về đường đi… Do đó, cần phải tìm hiểu kỹ những yếu tố này, đồng thời cũng phải xem xét rõ mảnh đất đó có đang bị tranh chấp hay không, khí hậu, địa chất nơi đó thế nào.
“Hầu hết các khu đất tôi đã đi xem đều không thuộc khu vực có nước máy, phải dùng nước giếng khoan. Với những mảnh nằm ở địa thế cao, thì cũng nên cân nhắc vì việc đào giếng khoan chưa chắc đã thuận lợi. Bên cạnh đó, trong thời gian giãn cách, các nhà đầu tư Hà Nội hiếm khi gặp được chủ đất, mà thường phải qua môi giới và hay bị đẩy giá lên. Nên rất dễ mua phải mảnh đất giá cao hơn nhiều so với giá trị thực hoặc so với mảnh đất cùng loại”, anh Thao khuyến cáo.
Trong khi đó, chị Loan cho biết, thường xuyên gặp phải tình cảnh giá đăng bán trên mạng thì thấp nhưng khi hỏi đến thì môi giới đưa ra giá cao hơn rất nhiều với lý do “tin đăng lâu rồi”… Thậm chí, có người còn thẳng thừng: “đăng như thế thì mới thu hút được những người ham rẻ như chị chứ!”
“Cứ tưởng giờ này, người bán nhà mới khó tìm người mua chứ khi đi mua mới biết, gặp được chính chủ hay môi giới có tâm cũng rất khó. Nói chung là “nản toàn tập” – chị Hà thở dài.