Nếu không tính toán và chuyển hướng, sẽ dễ rơi vào cảnh trung niên ở phố chẳng được, về quê chẳng xong.

“Tôi biết một số trường hợp cố bám cuộc sống ở phố, không dám về quê do ngại bị dị nghị, sợ người khác nói mình thất bại, ở trên Hà Nội không kiếm được tiền nên mới phải về quê.

Chúng ta nên nới rộng khái niệm quê. Chọn nơi sống ở đâu, chủ yếu là do nhu cầu công việc của hai vợ chồng. Nếu bám trụ ở Hà Nội kiếm được nhiều tiền thì cố, còn không trụ nổi thì về quê.

‘Quê’ không nhất thiết là mảnh đất quê hương có dòng họ ở đó, có cha mẹ. Quê chỉ đơn giản là về tỉnh lẻ. Về các trung tâm thành phố thì ở cơ hội việc làm không phải không có, trong khi chi phí sinh hoạt chắc chắn rẻ hơn ở Hà Nội.

Nếu về TP Thanh Hóa chẳng hạn, với 5 triệu đồng bạn có thể thuê được một căn nhà bốn tầng trong ngõ, ôtô đỗ trước cửa, ở gần khu trung tâm. Nhưng với số tiền đó, ở Hà Nội chỉ thuê được chung cư mini, hoặc chung cư cũ xa trung tâm thôi.

Thực tế, tôi thấy nhiều người ở thành phố chỉ là làm những công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Mà thu nhập thấp quá thì bao giờ mua nổi nhà cửa, cứ phải vạ vật đi thuê mãi sao? Nói chung, ai về quê, ai ở phố cũng nên tính toán sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình.

Không ai nói về hay ở là đúng hay sai. Nhưng mỗi người nên đặt ra mục tiêu cho cuộc sống. Nếu ở phố thì mỗi năm phải tích lũy được bao nhiêu? Bao nhiêu năm thì mua được nhà? Hoặc có vốn đề làm ăn lớn, chứ sống ở phố mà vạ vật đi thuê, mỗi tháng sau khi trừ chi tiêu chỉ dư vài triệu, đến hết đời cũng không có nhà cửa ổn định thì về quê còn hơn.

Nhiều người bảo, cứ bám trụ thành phố đi, khó khăn, tích lũy dần dần sẽ qua, rồi cũng đến lúc mua được nhà, nhưng ít nhất với điều kiện họ có thu nhập ổn định, trên mức trung bình trước đã”.