Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, việc buôn bán, trao đổi biển số giả tràn lan trên thị trường, trên mạng xã hội thuộc lĩnh vực của lực lượng quản lý thị trường và lực lượng khác quản lý.
Hiện nay trên mạng xã hội và một số tuyến phố của Hà Nội tràn lan tình trạng buôn bán biển số xe giả giá vài trăm nghìn khó kiểm soát, tiếp tay vi phạm phạt nguội.
Nhiều tài xế thường xuyên vi phạm lại nghĩ ra các chiêu trò để “lách luật” như che biển số xe, dùng biển số xe giả ngày càng gia tăng. Điều này khiến những chủ xe biển số thật luôn trong tình lo lắng mỗi khi đi đăng kiểm nếu mình là “vật thế thân”.
Sẽ xử lý nghiêm biển số giả
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên (PV), đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho biết: “Việc buôn bán, trao đổi biển số giả tràn lan trên thị trường, trên mạng xã hội thuộc lĩnh vực của lực lượng quản lý thị trường và lực lượng khác quản lý”.
“Đối với những hành vi xe ô tô sử dụng biển số giả để tham gia giao thông trên đường, khi phát hiện lực lượng CSGT đều tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp này”, đại diện Cục CSGT khẳng định.
Cục CSGT nhận định, những phương tiện sử dụng biển số giả tham gia giao thông gia tăng trên các tuyến quốc lộ và các đô thị, nhất là khi CSGT các tỉnh đưa vào hệ thống giám sát “phạt nguội”.
Hành vi sử dụng biển số giả nhằm trốn tránh vi phạm, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Đây là lỗi cố ý trốn tránh trách nhiệm pháp lý, làm mất cân bằng và bình đẳng trong tham gia giao thông của người và phương tiện.
Trong thời gian qua, Cục CSGT đã có chỉ đạo CSGT các địa phương trên toàn quốc cần tăng cường xử lý các vi phạm sử dụng biển số giả. Để xử phạt đúng người, đúng hành vi, lực lượng chức năng căn cứ vào cơ sở dữ liệu điện tử về đăng ký xe (chủng loại xe, đời xe, màu sơn) có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, tra cứu đúng phương tiện vi phạm.
Cục CSGT khuyến cáo, khi nhận được thông báo “phạt nguội” mà chắc chắn phương tiện của mình không vi phạm, người dân cần liên hệ cơ quan công an để cung cấp chứng cứ, hồ sơ, giúp cơ quan chức năng phân tích, làm rõ, xác minh đúng phương tiện mới xử phạt.
Trong trường hợp tham gia giao thông trên đường khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân có thể gọi ngay đến số điện thoại 113 của công an các tỉnh, số đường dây nóng của Cục CSGT: 069.2342608 để phản ánh, đồng thời ghi hình làm bằng chứng gửi cơ quan chức năng.
Trước năm 2022, lỗi vi phạm sử dụng biển số giả được Nghị định 100/NĐ-CP xử phạt còn thấp (từ 800.000-1.000.000 đồng), từ năm 2022, Nghị định 123/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100) đã nâng mức xử phạt hành vi này lên gấp nhiều lần.
Cụ thể, xử phạt chủ phương tiện có hành vi lắp đặt thiết bị sai, sửa đổi biển số xe từ 4 – 6 triệu đồng với cá nhân và 8 – 12 triệu đồng với tổ chức, doanh nghiệp; hành vi gắn biển số giả bị phạt từ 6 – 8 triệu đồng với cá nhân và 12 – 16 triệu đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp.
Có thể bị xử lý hình sự
Theo điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định các cơ quan sau có thẩm quyền cấp biển số xe gồm có: Cục Cảnh sát giao thông; Phòng cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ – đường sắt, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; và công an cấp huyện. Như vậy ngoài các cơ quan này ra.
Việc cung cấp, sản xuất, mua bán và sử dụng biển số xe trên thị trường đều là biển giả. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất biển số trái phép sẽ bị xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền với mức phạt như sau:
Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; Đối với tổ chức: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi sản xuất biển số xe giả không chỉ bị phạt tiền mà còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu biển số xe sản xuất trái phép và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Không chỉ vậy, căn cứ theo Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì việc làm biển số xe giả để thực hiện các hành vi trái với pháp luật thì người thực hiện hành vi làm biển số xe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức: Mức phạt sẽ từ 30 triệu đồng – 100 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc sẽ bị phạt tù từ 6 tháng – 2 năm đối với hành vi người làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật; Tuỳ theo mức độ phạm tội, người phạm tội còn có thể bị xử phạt lên tới 7 năm tù giam, và bị phạt tiền từ 5 triệu đồng – 50 triệu đồng.
Theo khảo sát của PV, Chỉ cần lên Facebook gõ những từ khóa như “làm biển số giả”, “làm biển số xe theo yêu cầu”, “biển số xe giả theo yêu cầu”… sẽ hiện ra hàng loạt những fanpage, tài khoản người dùng đăng tải thông tin làm biển số xe.
Trao đổi với 1 fanpage, PV hỏi về mức giá và ngay lập tức đã nhận được câu trả lời. Theo đó, người quản lý fanpage cho biết, giá khi làm biển số xe theo yêu cầu là 400 nghìn đồng/cái, tức 1 cặp gắn trên xe sẽ có giá 800 nghìn đồng và giao hàng toàn quốc.
Lo ngại vấn đề biển này có giống biển số thật hay không thì phía làm biển cho biết: “Xe bạn giấy tờ đầy đủ thì đi lại thỏa mái không vấn đề gì cả”.
PV tìm đến tuyến phố Trần Nhật Duật, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, nơi nổi tiếng với những cửa hàng làm biển số xe san sát nhau để tìm hiểu và được một chủ cửa hàng trên phố này cho biết, làm biển số rất nhanh chỉ khoảng 1 tiếng là xong với mức giá 800 – 900 nghìn đồng.
“Nếu làm 1 biển, cô lấy 700 nghìn đồng/bộ là 2 cái biển đấy. Làm nhiều biển giá sẽ khác, chỉ 1 tiếng là xong thôi”, chủ cửa hàng làm biển nói.
Khi đề cập đến vấn đề làm cùng lúc 10 bộ biển cho 10 xe, người này ngay lập tức “đon đả” và đưa ra mức giá hữu nghị. Giá chính xác phải là 800 – 900 nghìn đồng/bộ, nhưng ở đây cháu làm tận 10 bộ thì cô lấy 600 nghìn đồng/bộ.
Đối trường hợp sử dụng biển số giả để tham gia giao thông nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý như thế nào?
Bộ Công an cho biết, ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Tại điểm d Khoản 5 Điều 16 quy định: “Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)”.
Tại điểm c Khoản 6 Điều 16 quy định: “Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi quy định tại điểm d, điểm đ Khoản 5 Điều này bị tịch thu giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng”.
Như vậy, trường hợp người điều khiển xe ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp để tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; bị tịch thu biển số không đúng quy định; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Dân Việt
- Khánh Hòa: Vị tỷ phú nông dân này nuôi cá kiểu gì mà thu 20-30 tỷ, sắm 2 ô tô, tậu nhiều bất động sản?
- Có 2 thứ mà đàn bà khôn ngoan không bao giờ giữ của đàn ông
- 5 cách khai phá tài năng thiên bẩm của con bố mẹ nên áp dụng ngay
- Lê Giang bị đàn em hỏi về tin đồn sang Mỹ sinh con thứ 4, phản ứng thế nào?
- Có 4 miếng đất nhờ không mua chung cư