Theo Trường Đại học Luật Hà Nội, tổng thời gian đào tạo của ông Thích Chân Quang kể từ khi được công nhận nghiên cứu sinh đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ là 2 năm 3 tháng, đáp ứng và tuân thủ tất cả các quy định.

Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến quá trình đào tạo và cấp bằng tiến sĩ luật cho nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Trong đó, nhiều ý kijến thắc mắc không hiểu làm thế nào mà vị này có thể bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 12-2021, trong khi mới nhận bằng cử nhân luật tại chức vào tháng 1-2019.

Về vấn đề này, chiều nay 25-6, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có báo cáo thông tin chính thức.

Học viên Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) sinh năm 1959, trước khi dự tuyển nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội).

Năm 2017, ông Thích Chân Quang trúng tuyển Văn bằng 2 Khoá 1 trình độ đại học Luật, hình thức vừa làm vừa học của Trường Đại học Luật Hà Nội mở tại Trường Cao đẳng Bách Việt,

Tháng 1-2019, ông Thích Chân Quang được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng Cử nhân ngành Luật văn bằng 2 hệ vừa làm vừa học theo Quyết định 140/QĐ-ĐHLHN ngày 15-01-2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội, xếp hạng tốt nghiệp loại Giỏi.

Tháng 11-2019, vị này trúng tuyển nghiên cứu sinh khoá 25B (niên khoá 2019-2023) theo Quyết định 4567/QĐ-ĐHLHN ngày 26-11-2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ngày 26-12-2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh theo Quyết định 5114/QĐ-ĐHLHN của Trường đại học Luật Hà Nội, ngành Luật Hiến pháp – Hành chính.

Ngày 9-12-2021, nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ cấp Trường tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ngày 17-3-2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ luật ngành luật Hiến pháp – Hành chính theo Quyết định 1141/QĐ- ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội.

thích chân quang 2.jpg

Quá trình dự tuyển, được tiếp nhận và đào tạo theo đúng quy định

Liên quan đến quá trình đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, căn cứ trên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018; Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ngày 4-4-2017; và Quyết định số 261/QĐ-ĐHLHN ngày 24-1-2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội quy định chi tiết về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, ngày 7-6-2019 nhà trường ra thông báo tuyển sinh số 2190/TBTS-ĐHLHN về việc tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019.

Theo đó, người dự xét tuyển nghiên cứu sinh phải có một trong các văn bằng sau đây:

– Bằng thạc sĩ luật học đúng ngành hoặc khác ngành đăng ký dự tuyển. Trường hợp thí sinh có bằng thạc sĩ luật học khác ngành đăng ký dự tuyển thì sau khi trúng tuyển, thí sinh phải học bổ sung kiến thức ở trình độ thạc sĩ của ngành đào tạo tiến sĩ đã trúng tuyển.

– Bằng cử nhân luật hệ chính quy loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước (được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân ngành luật, luật kinh tế, luật quốc tế, luật thương mại quốc tế) cấp.

Ngày 30-9-2019, trường có thêm thông báo số 3679/TB-ĐHLHN về việc đính chính thông tin về điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh trong Thông báo tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019 để phù hợp với Quyết định số 261/QĐ-ĐHLHN.

Theo Trường Đại học Luật Hà Nội, khoản 1 Điều 5 Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT quy định người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ.

Điều 6 Quyết định số 261/QĐ-ĐHLHN cũng quy định người dự xét tuyển nghiên cứu sinh phải có bằng tốt nghiệp đại học các ngành luật loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ luật.

Như vậy, áp dụng với trường hợp của ông Thích Chân Quang (học viên Vương Tấn Việt) là đủ điều kiện được dự tuyển chương trình đào tạo tiến sĩ của Trường Đại học Luật Hà Nội.

thích chân quang 8.jpg
Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: TT

Cùng với đó, Điều 5 Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT và Điều 6 Quyết định 261/QĐ-ĐHLHN cũng quy định những điều kiện khác đối với người dự xét tuyển nghiên cứu sinh.

Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết ngoài việc có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật, loại giỏi, ông Thích Chân Quang là tác giả 1 báo cáo khoa học in trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có phản biện năm 2017, có năng lực ngoại ngữ (bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh).

Sau đó, từ tháng 12-2019 đến 6-2021, ông Thích Chân Quang đã hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (gồm 43 tín chỉ các học phần thuộc ngành/chuyên ngành trên tổng số 60 tín (được miễn luận văn 12 TC và ngoại ngữ 5 TC theo quy định của điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư 08/2017).

Năm 2020 đến năm 2021, nghiên cứu sinh hoàn thành 7 học phần của chương trình đào tạo tiến sĩ.

Đồng thời, ông Thích Chân Quang đã hoàn thành các học phần bổ sung, các học phần ở trình độ tiến sĩ; công bố 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện; được tập thể hoặc người hướng dẫn nghiên cứu sinh đồng ý cho đăng ký đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn.

Ông Thích Chân Quang cũng đã hoàn thành bảo vệ chuyên đề tổng quan, 3 chuyên đề luận án. Ngày 15-6-2021, đã hoàn thành góp ý Luận án tiến sĩ ở bộ môn.

Ngày 20, 24-1-2022, nghiên cứu sinh nộp luận án vào thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội và Thư viện quốc gia. Ngày 17-3-2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ theo Quyết định 1141/QĐ- ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội.

thích chân quang 1.png
Thượng tọa Thích Chân Quang được trao bằng tiến sĩ tháng 4-2022. Ảnh: Website GHPG Việt Nam.

Như vậy, tổng thời gian đào tạo của ông Thích Chân Quang kể từ khi được công nhận nghiên cứu sinh (tháng 12-2019) đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ (tháng 3-2022) là 2 năm 3 tháng, là đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và Quyết định 261/QĐ-ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Không có quy định về việc rút ngắn thời gian đào tạo

Trước đó, PLO đã đăng tải ý kiến của các chuyên gia luật về quy định của pháp luật đối với việc rút ngắn thời gian đào tạo.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: “Về thời gian đào tạo thì điểm d khoản 4, Điều 2 Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ tiếp nhận người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ hoặc người tốt nghiệp trình độ đại học nếu đáp ứng được các yêu cầu của chương trình đào tạo. Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ tương đương 3 đến 4 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo và trình độ đầu vào của người học.

Đồng thời, tại điểm c, khoản 7, Điều 9 của Thông tư số 08/2017 có nêu rõ: Trong trường hợp đặc biệt thì thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét, quyết định cho phép nghiên cứu sinh được rút ngắn thời gian học tập”.

Về sau này, Thông tư 18/2021 (có hiệu lực từ ngày 15-8-2021) thay thế Thông tư 08/2017 thì có quy định rõ hơn về thời gian rút ngắn. Cụ thể: Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo.

Việc tổ chức đào tạo đối với những khóa đã tuyển sinh trước ngày 15-8-2021 thì thực hiện theo Thông tư số 08/2017.

“Như vậy, những trường hợp đào tạo trước ngày 15-8-2021 thì sẽ áp dụng theo Thông tư số 08/2017. Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện tương đương 3 đến 4 năm học tập trung. Trường hợp đặc biệt thì được rút ngắn thời gian đào tạo. Việc rút ngắn trong thời gian bao lâu thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ sở đào tạo và không có quy định định lượng cụ thể.

Những khóa học từ ngày 15-8-2021 trở đi, nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo” – LS Hoan cho hay.