Trường Đại học An Giang – Đại học Quốc gia TPHCM vừa công bố trồng thành công cây giọt băng trong khu thực nghiệm của trường. Loại cây có giá bán tại Nhật Bản từ 1-7 triệu đồng đã có mặt tại Việt Nam.

Hơn 10 năm kiên trì

Ông Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang – cho biết sau rất nhiều lần thất bại, trường vừa trồng thành công cây giọt băng với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản.

“Cây giọt băng có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể dùng làm thực phẩm vì dễ ăn, giòn, có vị chua chua ngọt ngọt hoặc làm mỹ phẩm rất đẹp cho da”, ông Thắng cho hay.

Đặc biệt, cây có khả năng chịu mặn và hút mặn trong đất rất phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long.

“Cây này rất có lợi trong điều kiện nhiễm mặn và biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trồng cây này có hai cái lợi ích. Thứ nhất, cây sẽ hút mặn với những đất nhiễm mặn. Thứ hai là cây cho dinh dưỡng cao. Đó là lý do chúng tôi chọn loại cây này để nghiên cứu trồng thực nghiệm” – ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, loài cây này nằm trong dự án nghiên cứu giữa trường và Đại học Saga (Nhật Bản). Phía Nhật Bản đã chuyển giao giống, hỗ trợ chuyên gia để Trường Đại học An Giang nghiên cứu, trồng thực nghiệm. Thành công này là cả quá trình nỗ lực của cả hai bên, đặc biệt là sự kiên trì của nhà trường.

“Từ khi chúng tôi đến Đại học Saga và hợp tác chuyển giao giống đến nay đã hơn 10 năm. Ở bên Nhật, trồng loài này tương đối dễ dàng nhưng tại Việt Nam thì khó hơn. Việc trồng trước đây liên tục thất bại, cây có khi cɦết hoặc không lớn, ra rất èo ọt. Chúng tôi đã dùng những nghiệm thức khác nhau và hiện đang làm với hình thức bán thủy canh”, vị hiệu trưởng chia sẻ.

Nói về khó khăn, ông cho hay ngoài yếu tố kỹ thuật, kinh phí cũng là vấn đề lo ngại. Số tiền được tài trợ khá ít, chủ yếu để chi phí việc chuyên gia Nhật sang Việt Nam thực địa, khảo sát. Nhà trường phải đối ứng, ban đầu triển khai thực hiện đề tài cấp trường nhưng kinh phí nhỏ và thất bại. Dù vậy, đội ngũ nhà khoa học vẫn kiên quyết, kiên trì và xin đề tài loại C của Đại học Quốc gia TPHCM để nghiên cứu thử nghiệm tiếp.

“Chúng tôi nghiên cứu, điều chỉnh các thành phần trồng cây sau mỗi lần thất bại. Cây đang phát triển rất tốt trong điều kiện nhà lưới của trường” – ông Thắng kể về những khó khăn.

Chờ doanh nghiệp đầu tư

Loại thực vật này có khả năng thích nghi với vùng đất nhiễm mặn, thậm chí sử dụng muối NaCl để thúc đẩy sinh trưởng.

Vì đặc tính chịu mặn cao nên từ một loài thực vật ít được chú ý, giọt băng đã dần trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế ở nhiều quốc gia và có tiềm năng rất lớn để trở thành cây trồng có giá trị trong sản xuất nông nghiệp mặn.

Đưa giống cây này về Việt Nam nằm trong kế hoạch hợp tác về nông nghiệp giữa Đại học Saga và Trường Đại học An Giang nhằm giúp nông dân Việt Nam tiếp cận tiến bộ kỹ thuật và các loại giống cây mới, góp phần nâng cao thu nhập trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

Hai đơn vị đã thực hiện hợp tác và chuyển giao giống cách đây 10 năm 

Nói về chiến lược lâu dài, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho hay việc trồng thực nghiệm thành công trong nhà lưới mới chỉ là bước đầu. Sắp tới trường sẽ mở rộng quy mô trồng trong nhà lưới để kiểm tra tính phù hợp của cây.

Việc nhân rộng, trồng bên ngoài phải chờ quá trình thực nghiệm quy mô rộng thành công cũng như phải có doanh nghiệp đầu tư hoặc hợp tác. Nhà trường xác định trồng bên ngoài nhiều rủi ro và chi phí lớn nên trường không có khả năng.

“Việc chuyển giao ra sản xuất đại trà thì không dễ, chúng tôi xác định phải quyết liệt, kiên trì” – đại diện nhà trường thể hiện quyết tâm.

Trước câu hỏi lo ngại giá thành cao có phù hợp với người Việt Nam, ông Thắng cho biết nhà trường có 2 hướng phát triển: Một là nghiên cứu làm sao để giá thành thấp nhất và người dân có thể tiêu thụ. Rộng ra là xuất khẩu, bởi hiện nay loại này rất nhiều quốc gia yêu thích.

Trước đó cũng có một đơn vị công lập trồng thực nghiệm loại cây này nhưng không thành công.

Giá bán tại Nhật Bản từ 1 đến 7 triệu đồng

Khảo sát thị trường Nhật Bản, giọt băng được bán với nhiều mức giá khác nhau. Chị Nguyễn Hiền – công tác trong một mạng lưới học thuật tại Nhật Bản – chia sẻ thông tin, giống cây này có giá dao động khoảng 1 đến 7 triệu đồng tùy vào kích thước, trọng lượng, tiêu chuẩn và nơi sản xuất.

“Giá cây giọt băng đắt và nhiều mức khác nhau vì mỗi một nơi nuôi trồng trong điều kiện sạch và thanh trùng hay nguồn nước khác nhau. Độ đồng đều hay chọn lựa sản phẩm đẹp nhất, tinh khiết nhất thì giá nó cũng tương đương theo”, chị Hiền cung cấp thông tin.

Tại một nhà máy của Nhật Bản, cây giọt băng được giới thiệu trồng theo phương pháp thủy canh trong phòng sạch. Bên trong nhà xưởng được giữ sạch sẽ triệt để, lượng bụi ít hơn 1/40 so với môi trường bên ngoài, môi trường trong lành, hầu như không có côn trùng nên không cần sử dụng tɦuốc trừ sâu. Điều này khiến cây đủ an toàn để ăn mà không cần rửa.

Lá của cây giọt băng mọc theo hình tròn. Nếu trồng phát triển tốt thì khoảng một tháng sau có thể thu hoạch sớm. Điều cần lưu ý là lá của cây giọt băng phát triển quá lớn, hương vị sẽ giảm. Hoa nở khi đầu lá hơi chuyển sang màu đỏ. Nếu muốn thu hoạch lâu dài, cần hái các nụ hoa và thu hoạch tuần tự. Sau khi hoa nở, cũng có thể thu thập hạt giống.

Theo chị Hiền, cây giọt băng trở nên phổ biến ở Nhật Bản là do Khoa Nông nghiệp, Đại học Saga đã đưa chúng từ nước ngoài về để giúp ngăn chặn thiệt hại do muối dọc theo bờ biển Ariake. Đơn vị này sau đó đã nghiên cứu trồng trọt, nâng cao để phát triển nó thành sản phẩm đặc biệt tận dụng được đặc điểm lớn nhất của nó là vị mặn khi ăn sống.

“Loại cây này không phải có nguồn gốc tại Nhật nhưng các nhà chuyên gia Nhật Bản đã ứng dụng thành công trong sản xuất”, chị Nguyễn Hiền thông tin.

Dân trí