Đã 20 năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, ông Sáu Viễn lại bày đất ruộng ra trồng hoa vạn thọ Tết để đút túi 400 triệu đồng ngon ơ.
Tết Nguyên đán 2023 này, trên 6 công đất ruộng, ông Sáu Viễn trồng hoa vạn thọ với 14.000 chậu. Ngoài ra, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023, ông Sáu Viễn còn trồng thêm 500 chậu mồng gà, 500 chậu phượng vỹ, 150 chậu hướng dương, 1.200 chậu sống đời xanh, 4.000 chậu sống đời đỏ, 150 chậu bắp Mỹ.
“Vua” trồng hoa vạn thọ Tết đất Sài Gòn
Hôm chúng tôi đến, 1.400 chậu hoa vạn thọ Tết của ông Sáu Viễn mới chỉ cao lấp xấp. Ông Sáu Viễn bảo, tầm này những cây hoa vạn thọ bắt đầu chịu “ăn” phân để ra hoa đúng dịp Tết.
Giới trồng hoa nền ở đất Sài Gòn cho rằng, nếu trồng hoa vạn thọ Tết khó ai bì được Sáu Viễn. Sản phẩm hoa vạn thọ Tết của ông Sáu Viễn trình làng thị trường Tết đúng chuẩn đẹp: Cây đứng ngay ngắn trên chậu. Tàng cây tròn đều. Lá xanh mướt. Bông to, vàng bóng.
“Thương lái mua hoa vạn thọ Tết của tôi không cần xem mặt hoa xấu, đẹp. Cứ tới thời điểm, tôi gởi hàng đến tận cơ sở, khỏi chê”, ông Sáu Viễn xác nhận “trình” trồng vạn thọ Tết của mình.
Theo ông Sáu Viễn, ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa vạn thọ Tết. Trước đó, ông trồng lúa và rau màu. Thấy 2 loại cây trồng này khó đổi đời, ông Sáu Viễn mon men đi học nghề trồng hoa Tết. Và cây khởi nghiệp mới của ông là cây hoa vạn thọ.
“Ngó trước, trông sau tôi chỉ thấy cây hoa vạn thọ là dễ trồng, dễ bán, dễ kiếm lời nhất. Ba ngày Tết, bà con mình rất thích mua vài chậu hoa vạn thọ chưng trong nhà để lấy may, mong muốn sự trường tồn, sung túc như tên của loại hoa”, ông Sáu Viễn thổ lộ.
Tuy nhiên, khi khởi nghiệp trồng hoa vạn thọ Tết không dễ đối với ông Sáu Viễn. Ngay vụ đầu, ông trồng 200 chậu hoa vạn thọ. Đến lúc bán, thấy cây cho hoa quá xấu ông bỏ luôn trong vườn, không bán được 1 cây.
“Tôi không nản. Tết năm sau tôi trồng 400 cây vạn thọ, rồi 800 cây… Mất 3 vụ Tết, chất lượng hoa vạn thọ tôi trồng mới đạt khoảng 90%”, ông Sáu Viễn bộc bạch.
Theo ông Sáu Viễn, kỹ thuật trồng hoa vạn thọ Tết không khó, chủ yếu là dùng kinh nghiệm. Nông dân trồng hoa vạn thọ phải đúc kết kinh nghiệm trồng qua từng năm để cho sản phẩm đẹp nhất.
Ông Sáu Viễn cho biết, cách chăm sóc rất quan trọng trong quá trình trồng hoa vạn thọ Tết. Các khâu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” phải hoàn chỉnh. Người trồng có kinh nghiệm chỉ cần nhìn màu lá của cây hoa vạn thọ là biết cây đủ dinh dưỡng hay thiếu. Nếu cây thiếu dinh dưỡng phải rải phân ngay cho cây chứ không chờ đến ngày mai. Tùy theo “cơ địa” của cây vạn thọ mà người trồng có cách xử lý.
“Trước đây, trồng hoa vạn thọ mất 100 ngày, giờ chỉ mất 60 ngày là thu hoạch. Cây hoa vạn thọ có thời gian thu hoạch rất ngắn nên khi thấy cây thiếu phân là phải cho “ăn” ngay, nếu để cây “đói” không thể có sản phẩm đẹp. Để làm điều này người trồng phải có kinh nghiệm chứ không chỉ là quy trình trồng”, ông Sáu Viễn chia sẻ.
Ngoài ra, ông Sáu Viễn cũng cho biết, trồng hoa vạn thọ Tết rất cực. Trong vụ trồng, nông dân phải thức khuya, dậy sớm để chăm lo cho cây hoa. Bởi một năm chỉ có một vụ, nên nếu sai sót sẽ không có cơ hội sửa sai.
“Muốn vụ hoa thành công, thu được lời tốt nông dân trồng hoa vạn thọ Tết phải cần mẫn, chịu thương, chịu khó, không cách nào khác”, ông Sáu Viễn kết luận.
Tết không đủ bán
Theo ông Sáu Viễn, chưa năm nào ông trồng hoa vạn thọ Tết đủ cung cho thị trường. Những vụ Tết trước, ông trồng 20.000 chậu hoa vạn thọ Tết cũng chẳng bõ bèn gì với thương lái. Năm nay, ông Sáu Viễn mở trại nuôi dê, do phải lấy đất trồng cỏ cho dê ăn, nên số lượng hoa vạn thọ Tết bị thu hẹp lại. Thường ngay từ đầu tháng Chạp, thương lái đã đặt hết hàng. Đến 26 tết vườn đã không còn hoa. Nhà vườn khóa sổ mua bán.
“Khách hàng rất ưu ái cho tôi vì hoa đẹp bán nhanh hết hàng. Giá mỗi chậu hoa vạn thọ khá thấp nên đồng lời không nhiều. Nhưng do số lượng hoa nhiều nên tính chung lời rất tốt”, ông Sáu Viễn chia sẻ.
Ông Sáu Viễn tính, vụ Tết năm nay, ông có thể thu vào khoảng 400 triệu đồng. Thị trường hoa Tết của ông không chỉ ở TP.HCM mà còn các tỉnh lân cận, như Long An. Tuy nhiên, ông cũng đang lo ngại do kinh tế đang gặp khó khăn, sức tiêu thụ hoa Tết sẽ bị ảnh hưởng.
“Tôi nghe nói, công nhân ở thành phố đang mất việc, bỏ về quê nhiều. Nếu công nhân không ăn Tết ở thành phố, nhà vườn trồng hoa sẽ mất một lượng lớn khách hàng”, ông Sáu Viễn lo lắng.
Ông Sáu Viễn cũng dự báo, mặc dù giá phân, thuốc tăng cao, nhưng giá hoa Tết năm nay vẫn “giậm chân tại chỗ” do tình hình tình tế vẫn còn khó khăn. Sức mua hoa Tết vẫn chưa tốt.
- Nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu lãi đậm nhờ chong đèn làm nhãn trái vụ, có người ước tính lợi nhuận hơn 50 triệu
- Diện mạo công viên CV1 gần 750 tỷ đồng sắp vận hành ở Hà Nội
- Vấn nạn mua bán biển số giả: Cục CSGT lên tiếng, có thể bị xử lý hình sự
- Bình Phước: Choáng ngợp với trại nuôi dế cung cấp 100 tấn/tháng, cả thân và phân dế đều ra tiền
- Hà Nội: Vỉa hè được lát đá có độ bền 70 năm nhưng lại đang xuống cấp nhanh chóng chỉ sau vài năm sử dụng