Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
102 lượt xem

Trồng dừa “ưa mặn” trái nào cũng ra sáp, thành tỷ phú sau ít năm

Dừa sáp cấy phôi của anh Bé trồng cho năng suất rất cao, chất lượng sáp đến 97%. Nhờ cách nhân giống lạ, anh Bé kiếm thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Dừa sáp là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Bề ngoài, trái dừa sáp khá giống với dừa xiêm nhưng bên trong cơm rất dày và mềm dẻo như bột quánh, đặc sệt, chiếm gần hết không gian gáo dừa.

Phần cơm của dừa sáp rất dày, dẻo như bột quánh, có vị béo.

Tuy nhiên loại dừa này rất khó trồng và trong cùng một cây không phải trái nào cũng có sáp. Chính vì thế, giá trị trái dừa sáp rất cao, trung bình hơn 200.000 đồng/trái, chuyên để phục vụ dân sành ăn, có điều kiện.

12 năm trước anh Đặng Minh Bé (37 tuổi, ngụ tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh) bắt tay vào phát triển trồng dừa sáp cấy phôi. Nói về lý do chọn phương pháp canh tác này, anh Bé cho biết, trong một buồng dừa sáp thường chỉ có 2-3 trái có sáp, do cây dừa thụ phấn chéo.

Dừa sáp cấy phôi là cách ươm giống từ phôi của trái dừa sáp, quy trình tạo ra một cây giống mất khoảng 18 tháng.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh Bé biết đến kỹ thuật trồng dừa sáp cấy phôi, này giúp tăng năng suất gấp 5 lần so với cách truyền thống.

“Theo cách nhân giống thông thường, bà con sẽ dùng trái dừa sáp trong buồng dừa đem ươm rồi trồng. Còn với cách cấy phôi, chúng tôi sẽ lấy phôi từ trái dừa sáp rồi nuôi cấy trong môi trường dinh dưỡng cho thành mầm, sau đó mới đem ươm thành cây con”, anh Bé cho hay.

Dừa sáp cấy phôi là cách ươm giống từ phôi của trái dừa sáp, quy trình tạo ra một cây giống mất khoảng 18 tháng.

Theo anh Bé, quá trình hình thành một cây dừa sáp cấy phôi rất mất thời gian, từ lúc cấy phôi đến khi có thân, ra rễ mất khoảng 11-12 tháng. Sau đó cây tiếp tục được thuần dưỡng môi trường tự nhiên khoảng 6 tháng rồi mới đem trồng. Dừa sáp cấy phôi trồng 3 năm có lưỡi mèo, 4 năm có trái vụ đầu.

“Từ khi trồng đến nay, tôi đã sở hữu 3ha dừa sáp với 600 gốc từ 2 đến 8 năm tuổi. Kết quả cho thấy chất lượng trái có sáp trên mỗi cây đạt đến 97%, trong khi dừa sáp thông thường chỉ khoảng 20%. Mỗi tháng tôi thu hoạch dừa sáp một lần, thu nhập bình quân mỗi cây khoảng 1,5 triệu đồng”, anh Bé chia sẻ.

Dừa sáp trồng 3 năm có lưỡi mèo.

Cũng theo anh nông dân 8X, ngoài ưu điểm tăng chất lượng sáp, dừa sáp cấy phôi của anh Bé còn có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu tốt, cây có thể trồng ở các vùng cao hoặc vùng bị nhiễm mặn, chịu được độ mặn đến 15‰ và cho chất lượng sáp ổn định.

Chia sẻ về bí quyết trồng dừa sáp hiệu quả, anh Bé cho biết, loại cây này nên trồng cách nhau 7m, tránh cọ tàu. Thời gian dừa còn nhỏ, nông dân có thể tận dụng đất để trồng xen nông sản khác để khai thác hoa lợi.Quá trình trồng cần lưu ý bệnh thối đọt, chống bọ cánh cứng. Sau khi thu hoạch 3 đợt nên bón lót một lần phân hóa học, mỗi năm nên bón một lần phân hữu cơ, mùa khô nên tưới nước thường xuyên để tránh rụng trái.

Để kiểm tra trái dừa có sáp hay không anh Bé thường búng tay hoặc lắc.

Trong những năm qua, anh Bé đã liên kết với nông dân địa phương theo hình thức bán cây giống hợp đồng với giá 800.000 đồng/cây, hỗ trợ cho bà con kỹ thuật trồng trọt, sau đó bao tiêu dừa sáp thương phẩm theo giá thị trường.

Hiện sản phẩm được anh bán với giá từ 150.000 đến 250.000 đồng/trái. Và ngoài dừa sáp ăn tươi, anh còn đang xây dựng nhà xưởng để chế biến sâu các sản phẩm từ dừa sáp như kẹo, mứt, kem…

Bài viết cùng chủ đề: