Lâu nay, hễ con cái hư hỏng là đổ lỗi cho người mẹ, nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân chủ yếu là do các ông bố.

Câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” đã thành chân lý mà người ta truyền tai nhau biết bao đời, bởi lẽ người phụ nữ xưa thường an phận với việc chính là chăm lo bếp núc và nuôi dạy con cái.
Ngày nay, thời đại của thế giới phẳng, thời đại của bình đẳng nam nữ khiến chị em phải gồng mình gánh vác. Họ không chỉ phải chăm lo cho gia đình về mặt tình cảm, bếp núc và nuôi dạy con cái, mà giờ đây họ còn phải lăn ra xã hội để tham gia vào mặt trận kinh tế, thậm chí họ trở thành người có nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình.

Những năm gần đây, tôi thấy báo chí đăng tải rất nhiều trường hợp học sinh văng tục, chửi bậy, vô lễ với thầy cô giáo. Không chỉ dừng ở các nam sinh, các nữ sinh còn “tung chưởng” với cả bạn bè mình để “dằn mặt” nhau, thậm chí còn văng tục, chửi bậy, đánh bài… ngay trong lớp học. Đấy là những ví dụ cụ thể, đau đớn, đồng thời như một hồi chuông báo động các bậc làm cha mẹ biết dành thời gian nhiều hơn để quan tâm và chăm sóc con cái của mình. Đừng để khi xảy ra sự cố thì gia đình lại đổ lỗi cho nhà trường, nhà trường đổ lỗi cho gia đình,… tạo thành cái vòng luẩn quẩn mà không tìm ra nút để tháo gỡ.

Cũng là phụ huynh, cũng phải chăm sóc trẻ, chứng kiến chúng lớn lên và thay đổi, tôi nhận ra rằng người bố cực kỳ quan trọng trong sự phát triển nhân cách ngay từ khi còn nhỏ. Chính sức ảnh hưởng quá lớn ấy khiến rất nhiều ông bố là nguyên nhân gây ra sự hư hỏng của con cái. Để chia sẻ gánh nặng với phụ nữ, để cùng nhìn nhận rõ hơn về ảnh hưởng của người bố với nhân cách của trẻ, tôi xin đưa ra ý kiến của mình về những nguyên nhân của việc con cái hư hỏng có sự góp phần của người bố:

Thứ nhất – thần tượng bị đổ vỡ: Trong mỗi gia đình, người bố thường uy lực và tiếng nói có trọng lượng hơn mẹ. Chính vì vậy, ngay từ bé, trẻ thường coi bố là thần tượng, nên việc người bố không công tâm, không rõ ràng để phân biệt đúng sai, không đối xử công bằng với bé trai, gái sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến các ứng xử của con sau này.

Thứ hai – sợ con mè nheo: Người bố thường không thích con cái mè nheo khi vòi vĩnh, nên khi trẻ đòi mua cái gì thì bố thường mua cho ngay mà không hề giải thích việc mua đó có được hay không? Có tốt hay không? Việc này tạo ra tiền lệ không hay khi trẻ đi chỗ khác cũng đòi mua những thứ mình thích bằng được.

Thứ ba – phá vỡ kỷ luật: Mặc dù rất bận bịu với công việc nhưng người mẹ ở nhà vẫn chăm sóc, chỉ bảo con cái rất kỷ luật, cứ đến cuối tuần bố về là kỷ luật bị phá vỡ hoàn toàn với lý do chiều con vì cả tuần không được ở gần. Chính điều này là nguyên nhân của việc trẻ không làm, làm qua loa hoặc lẩn tránh khi phải thực hiện một yêu cầu nào đó.

Thứ tư – bỏ bê con cái: Các ông bố thường nghĩ rằng chu cấp cho con cái đầy đủ tiền là sẽ ngoan và chăm chỉ học hành, còn việc dạy con là của phụ nữ. Nhưng thực tế lại khác, trẻ sẽ tư duy và hành động dứt khoát hơn, có thể giải quyết vấn đề một các độc lập hơn nhờ sự hướng dẫn của bố.

Thứ năm – người bố bạo lực: Trẻ cần được lớn lên trong một môi trường an toàn. Nếu một gia đình mà có người bố thường xuyên say rượu và đánh vợ con thì trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Hoặc là sợ hãi, hoặc là tạo ra sự chai lì đòn roi, thậm chí tạo ra “máu” bạo lực từ khi còn bé.

Thứ sáu- bênh vực con cái không đúng lúc: Thay vì hướng dẫn con cái giải quyết vấn đề mắc phải bằng cách tìm ra nguyên nhân thì các ông bố lại dạy con là: bạn nào đánh thì bảo để bố đánh cho; nếu mẹ đánh thì chạy ra chỗ bố;… chính điều này làm cho con cái ỉ lại, dựa dẫm vào người bố ngay từ bé và hằn sâu vào cách tư duy trước khi xử lý sự việc của trẻ.

Một người đồng nghiệp của tôi kể rằng, ở nhà chị thường xuyên là người dạy con, nên việc quá bức xúc mà đánh con là điều khó tránh khỏi. Nhưng mỗi khi đánh còn mà có mặt chồng ở đó thì anh lại mắng là lần sau đừng bao giờ đánh con trước mặt anh. Chính vì biết bố hay bênh mỗi khi bị mẹ đánh mà con ra nằm gần bố thì thầm: Con muốn bố sống lâu trăm tuổi, còn mẹ chết cũng được.