Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
108 lượt xem

“Trẻ nhỏ, nhưng tổn thương lớn”: Những câu nói đùa “kém sang” của người lớn khiến trẻ nhỏ tổn thương

Tâm hồn của con trẻ non nớt và mỏng manh, đôi khi những lời nói đùa “kém sang” của người lớn sẽ làm tổn thương đến trẻ một cách sâu sắc và khó có thể phai nhòa.

Không chỉ được biết đến là mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp còn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi có những chia sẻ sâu sắc trong giáo dục.

Với kinh nghiệm tích lũy từ nuôi dạy con cùng chuyên môn của giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt – Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Phan Hồ Điệp đã thành lập dự án “Đậu Ngọt” nhằm chia sẻ những quan điểm giáo dục văn minh, cách thức ba mẹ có thể đồng hành cùng con hiệu quả trong hành trình nuôi dạy con khôn lớn.

Dưới đây là một vài câu chuyện được chia sẻ từ trang Fanpage của dự án Đậu Ngọt. Câu chuyện rất đời thường nhắc nhở các ba mẹ, người lớn giao tiếp với trẻ đúng cách. Bởi tâm hồn trẻ rất mong manh, có thể vì điều này mà tổn thương sâu sắc:

“Chán đời, nhà toàn Thị Nở!”

– Mẹ ơi, Thị Nở là gì?

– À… Thị Nở là một nhân vật trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, người ta thường nói ai đó như Thị Nở để hàm ý rằng người phụ nữ đó không được xinh đẹp và duyên dáng cho lắm.

– Ôi trời ơi! Con và em Bông nhìn đâu đến nỗi nào, sao cô Hoa lại bảo hai chị em con là Thị Nở?

– À… Trong trường hợp này, họ không dùng với hàm ý đó mà muốn nói rằng nhà mình chỉ đẻ toàn con gái, không có con trai.

– Ôi Là con gái thì đã sao, mẹ nhỉ? Chẳng phải cô Hoa cũng là con gái đó sao? Có ai bảo cô ấy là Thị Nở đâu chứ.

Lời bình: “Nhà toàn Thị Nở” hay “Nhà toàn vịt giời” thường được dùng để chỉ gia đình có nhiều con gái. Dù là câu nói đùa vui hay chê bai, thì đây chính là tư tưởng phân biệt giới tính, “trọng nam khinh nữ”. Nếu gia đình có thêm bé trai thì lời nói đó rất dễ làm ảnh hưởng đến tình cảm chị em trong nhà.

Người lớn nói ra có thể quên ngay nhưng trẻ lại ghi nhớ rất lâu, thậm chí khiến trẻ có suy nghĩ “lệch lạc”. Đã đến lúc người lớn nên loại bỏ những câu đùa ‘ác ý’ trong khi giao tiếp với trẻ. Trẻ cần được nghe những lời nói vui vẻ, tích cực để phát triển lành mạnh.

“Mẹ cháu mà có em bé là cháu ra rìa!”

– Mẹ ơi, hôm nọ con thấy em Minh nhà hàng xóm khóc đấy mẹ ạ.

– Ủa, sao em lại khóc hả con?

– Tại vì cô nào đấy bảo em ấy là “Mẹ cháu mà có em bé là cháu ra rìa!”

– Là cô ấy nói đùa thôi con.

– Lại đùa, sao người lớn thích đùa thế hả mẹ? Em ấy khóc suốt, sau bố em ấy về dỗ mãi mới nín đấy. Em ấy bảo với con, em không thích ra rìa đâu, sợ bố mẹ yêu em bé không yêu mình nữa.

Lời bình: Đây là câu nói khá phổ biến mà “bác hàng xóm”, thậm chí người thân trong gia đình nói với những đứa nhỏ chuẩn bị có thêm em. Sự vô tư đến vô tâm trong câu nói ấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ.

Trong câu nói ấy, đứa trẻ chỉ hiểu rằng, ba mẹ sẽ không còn thương yêu, chăm sóc nó nữa mà dành hết tình cảm cho một đứa “em bé” nào đó. Lâu dần, đứa trẻ sinh ra tâm lý đố kị, ghét bỏ em mình, thậm chí là ghét cả bố mẹ.

Các chuyên gia tâm lý cũng phân tích rằng, trong trường hợp xấu nhất, trẻ sẽ dễ có suy nghĩ và hành động tiêu cực. Trên thực tế đã có những câu chuyện thương tâm đã xảy ra.

“Bố cháu có dì hai rồi kìa”
– Mẹ ơi, dì hai là gì? Sao hôm nọ chú Hải bảo với con là bố mày suốt ngày đi làm về muộn, chắc là có dì hai rồi.

-À, chú ấy nói đùa đấy con. Con đừng tin. Đấy là chú ấy nghĩ thế chứ sự thật không phải như thế.

Mặc dù đã được trấn an nhưng đứa trẻ vẫn cứ băn khoăn, suy nghĩ, nó muốn tìm hiểu dì hai là ai? Tại sao có dì hai thì lại nghiêm trọng đến thế? Và cho đến khi nó hiểu được ý nghĩa của câu nói này thì cảm thấy vô cùng tức giận.

Lời bình: Đa phần trong mắt trẻ con, bố là thần tượng của chúng. Thần tượng ấy luôn mạnh mẽ, chiều chuộng và yêu thương chúng hết mực. Nói về khoản cho trẻ đi chơi thì quả đúng là các ông bố đôi khi còn siêng hơn các bà mẹ.

Thế nên, họ rất được lòng bọn trẻ. Với trẻ, bố luôn luôn yêu thương chúng và mẹ chúng nhất trên trần đời, tuyệt đối không có chỗ cho dì hai, dì ba nào có thể chen chân.

Người lớn đôi khi vô tình làm tổn thương niềm tin của trẻ bởi những câu đùa hết sức ‘vô duyên’. Mà cứ cho là sự thật đúng là như thế, thì đó cũng không phải là cách hay để báo tin cho trẻ; việc trong gia đình của trẻ, hãy để cha mẹ trẻ tự đứng ra giải quyết, bạn đừng can dự.

“Sao họ không tự sinh em bé mà cứ đến nhà mình giục bố mẹ sinh em bé?”
“Mẹ bảo với chúng con rằng mẹ sẽ không sinh em bé nữa vì sức khỏe mẹ không cho phép, với mẹ, hai chị em con là đủ. Vậy mà, suốt ngày người ta giục mẹ có em bé.

Bố không giục, ông bà không giục, toàn những người ở đâu giục. Lạ kỳ mẹ nhỉ? Nếu họ thích em bé đến thế sao họ không tự sinh lấy mà cứ đến nhà mình giục bố mẹ?”

Lời bình: Giục ba mẹ của trẻ sinh thêm em bé? Đó thực sự cũng là câu nói khiến trẻ tổn thương tâm lý và buồn rất nhiều.

Trẻ sẽ bắt đầu gieo vào lòng mình những câu hỏi như: “Mình không phải con của ba mẹ sao? Mình không tốt, vô tích sự, không làm được gì cho ba mẹ nên phải có em nữa sao?…”. Chẳng ai có thể vui vẻ, tích cực khi sự tồn tại của mình dường như bị ‘phủ nhận’.

Hơn nữa, sinh thêm con là kế hoạch của mỗi gia đình, người ngoài không nên can thiệp hay tò mò, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình nhỏ.

“Cháu cao mét mấy, nặng bao nhiêu cân?”

“Mỗi ngày, hai đứa nhỏ nhà tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về chiều cao, cân nặng, nhất là khi hai chị em nó – một đứa quá lớn và một đứa quá còi. Cô chị không thích những câu hỏi về cân nặng, nó thường lảng tránh, hoặc trả lời chung chung, hoặc cười trừ.

Con bé bảo với tôi: Rõ ràng, ai cũng biết con béo rồi, vậy còn hỏi về cân nặng để làm gì? Để cảm thấy hả hê vì họ không béo như con ạ? Có ai thích béo đâu mẹ, con cũng muốn giảm cân lắm, nhưng con giảm chưa được.

Nhiều lúc con buồn lắm vì mọi người cứ bảo con ăn hết phần của em Bông nên béo ú còn em Bông thì gầy nhẳng. Rõ ràng là em Bông sinh non, em ấy ăn bao nhiêu cũng không béo, họ đâu có nuôi con và em Bông mà suy đoán là con ăn hết phần của em.”

Lời bình: Người lớn hãy thử đặt mình vào vị trí là người bị hỏi như vậy, người lớn có cảm xúc như thế nào? Người lớn ơi, trẻ con cũng có lòng tự ái.

Đứa trẻ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Lâu dần, con sẽ tự ti, mặc cảm về chính mình, ngại giao tiếp, xấu hổ trước những câu hỏi tương tự của người khác. Vậy nên, người lớn hãy tinh tế hơn khi đặt câu hỏi cho trẻ.

“Học kỳ vừa rồi, có được giấy khen không?”
“Trong lớp của con có 36 bạn, có 16 bạn học sinh giỏi toàn diện, 20 bạn còn lại không được, như vậy là hơn một nửa lớp không phải học sinh giỏi toàn diện, chắc chắn 20 bạn ấy sẽ không thích câu hỏi này đâu”.

Lời bình: Không chỉ bị áp lực điểm số từ thầy cô, ba mẹ, nhiều khi trẻ bị áp lực từ chính những người chẳng hề thân quen. Những đứa trẻ học giỏi thường vui vẻ trả lời ngay, nhưng những đứa trẻ học chưa giỏi sẽ cúi gầm mặt lí nhí trả lời hoặc không nói một lời nào.

Đâu chỉ trẻ xấu hổ, bố mẹ của trẻ cũng xấu hổ lây nếu như chẳng may con mình không có điểm số tốt để khoe.

Lời kết

Đôi khi sự quan tâm và những câu nói không đúng lúc của người lớn lại trở thành “vô duyên”, gây tổn thương tâm hồn trẻ. Người lớn có thể quan tâm trẻ bằng cách hỏi han về những bài học trẻ đã được học ở lớp, chuyện về bạn bè, thầy cô. Như vậy, người lớn sẽ hiểu hơn về việc học tập của trẻ, dễ dàng được chia sẻ cũng như phát hiện kịp thời nếu trẻ đang gặp vấn đề khó nói ở trường.

Thế giới của trẻ rất đơn giản, đâu biết đùa hay nói dối là gì. Có chăng là lời nói và hành vi của người lớn phản chiếu vào tâm hồn con trẻ. Nếu thực sự muốn trẻ phát triển lành mạnh, tránh xa điều xấu xa, tiêu cực thì người lớn hãy cẩn thận hơn trong khi giao tiếp với trẻ, để trẻ lớn lên và phát triển một cách lành mạnh nhất.

Bài viết cùng chủ đề: