Đối với những trẻ nhỏ chưa đến tuổi đi học, thay vì “bắt ép” con đến trường sớm, cha mẹ có thể áp dụng một số cách sau đây.
Có nên cho trẻ đi học sớm?
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng giáo dục sớm góp phần phát triển trí tuệ và giúp trẻ thông minh hơn, nhưng thực tế, đối với trẻ trong giai đoạn sơ sinh, việc phát triển nhanh trí tuệ là hiện tượng hết sức bình thường, không cần ép buộc trẻ phải đi học từ sớm mới có thể đạt được điều đó. Nói cách khác, chỉ cần môi trường mà trẻ tiếp xúc đủ phong phú thì trình độ trí tuệ của trẻ sẽ được cải thiện, điều này không liên quan nhiều đến việc trẻ có đi học sớm hay không.
Điều đáng nói là trẻ càng nhỏ, vai trò của cha mẹ lại càng quan trọng, bởi giáo viên không thể bù đắp những thứ mà phụ huynh còn thiếu. Nếu môi trường giáo dục mầm non không đủ chất lượng sẽ làm gián đoạn nhịp sinh trưởng bình thường của trẻ.
Thêm vào đó, nếu trẻ tiếp nhận phương pháp giáo dục sai lệch không chỉ làm tăng áp lực tâm lý cho trẻ mà còn có thể cản trở sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Đó là lý do nhiều giáo viên khẳng định những trẻ hiếu động, nghịch ngợm, ít tập trung trong lớp đều là những đứa trẻ được gửi đi học từ rất sớm.
Một số phụ huynh lại tin rằng những bài học đầu đời có thể rèn luyện các kỹ năng xã hội của trẻ và góp phần giúp trẻ phát triển các biểu cảm, cảm xúc. Đây là điều cần thiết nhưng chưa hoàn toàn đúng, bởi đối với trẻ dưới 3 tuổi, lúc này trẻ thường có xu hướng thích chơi một mình hơn ngay cả khi được đặt trong các tình huống xã hội.
Sau khi trẻ được 3 tuổi, trẻ sẽ hình thành nhận thức về xã hội và bắt đầu chủ động thiết lập các mối QH xã hội với người khác. Vì vậy việc mong đợi những buổi học sớm để nâng cao kỹ năng xã hội là chưa cần thiết.
Trẻ dưới 3 tuổi chỉ nên tiếp nhận sự giáo dục từ cha mẹ
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, trẻ có thể tiếp thu và học hỏi tốt hơn từ những kích thích của môi trường xung quanh, gia đình, sự an toàn và tình yêu thương của cha mẹ. Việc giáo dục con cái từ bé chỉ nên được trực tiếp thực hiện bởi cha mẹ, không ai khác có thể dạy trẻ tốt hơn các bậc phụ huynh.
Giáo dục sớm không phải là nhồi nhét những kiến thức lý thuyết cho trẻ từ nhỏ như bảng chữ cái, các con số, phép tính… như chương trình giáo dục ở trường mầm non. Sự tương tác giữa cha mẹ và con cái là cách tốt nhất để cha mẹ dạy con từ sớm.
Quá trình tương tác giữa cha mẹ và con cái không chỉ có thể làm tăng sự thân thiết giữa cha mẹ và con cái mà còn góp phần phát triển các khả năng của trẻ, chẳng hạn như kỹ năng thực hành, kỹ năng ngôn ngữ…
Có rất nhiều hình thức tương tác giữa cha mẹ và con cái, giúp trẻ nâng cao chỉ số IQ. Quan trọng nhất, cha mẹ không nên đặt nặng thành tích, muốn con cái thông minh vượt bậc mà nên dành thời gian và công sức cho việc khám phá các năng khiếu, thiên hướng pháp triển của trẻ, từ đó có những cách thức giáo dục một cách có mục tiêu.
Việc đặt niềm tin hoàn toàn vào các cơ sở giáo dục sớm và giao phó trách nhiệm giáo dục con cái là điều cha mẹ không nên làm. Chỉ có cha mẹ mới là người hiểu rõ con mình nhất, để có thể tìm ra cách thức và phương tiện tốt nhất để hướng dẫn con cái đúng đắn nhất.
Do đó, nếu buộc phải gửi con đến trường mẫu giáo trước năm con 3 tuổi, cần xây dựng cho con các kỹ năng cơ bản sau: Biết chủ động đi vệ sinh, có khả năng ăn uống độc lập, biết chủ động mang giày dép, biết nghe lời người lớn, khả năng giao tiếp cơ bản…