Những đứa trẻ hướng nội, chậm phát triển ngôn ngữ, kỹ năng vận động thường dễ bị bắt nạt ở trường mẫu giáo.
Trường mẫu giáo là một môi trường quan trọng trong quá trình phát triển xã hội của trẻ. Tuy nhiên, trong một xã hội thu nhỏ như vậy, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xô xát giữa các trẻ. Một số trẻ có thể gặp khó khăn khi phải đối mặt với những đứa trẻ nghịch ngợm, tinh nghịch và thậm chí bị bắt nạt.
Một chuyên gia tâm lý nhắc nhở bố mẹ, 3 kiểu trẻ dưới đây dễ bị bắt nạt ở trường mẫu giáo, bố mẹ nên chú ý nếu con rơi vào trường hợp này.
Trẻ sống nội tâm, khó giao tiếp xã hội
Một phụ huynh đã chia sẻ câu chuyện về con gái 5 tuổi của mình, cô bé là đứa trẻ sống nội tâm, ít nói và không thích tương tác với những người không quen. Từ đó, cô bé dần nhút nhát hơn và tin rằng mình không thể kết bạn. Khi bước vào trường mẫu giáo, cô bé khó kết giao bạn mới, thậm chí trở thành mục tiêu của những đứa trẻ nghịch ngợm.
Trẻ em hướng nội thường không chủ động hòa nhập với nhóm, nhạy cảm và mong manh. Một số trẻ có thể tỏ ra nhút nhát, rụt rè, có ánh mắt sợ hãi khi làm việc gì đó. Khi bị bạn bắt nạt, trẻ không biết cách chống cự, hay nói chuyện với giáo viên, phụ huynh.
Đối với vấn đề này cần có sự hỗ trợ giữa gia đình và giáo viên, nên xây dựng một môi trường ủng hộ và chấp nhận sự đa dạng, khuyến khích trẻ hướng nội tham gia vào các hoạt động xã hội. Bô mẹ nên dạy trẻ những kỹ năng xã hội cần thiết, biết cách bộc lộ cảm xúc phù hợp để tự tin hơn khi đối diện với những tình huống khó khăn.
Trẻ chậm phát triển khả năng nói và vận động
Một nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có nguy cơ bị bắt nạt ở trường cao gấp 2-3 lần.
Mô hình Lewis cũng chỉ ra rằng, mục tiêu bắt nạt thường là những đứa trẻ khác biệt về mặt nào đó, hoặc có những khuyết điểm rõ ràng.
Nếu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, nói chưa rõ ràng, không thể diễn đạt nhu cầu của mình một cách bình thường, thì trẻ sẽ khó giao tiếp và vui chơi thoải mái với các trẻ khác, từ đó khó hòa nhập vào nhóm.
Thêm vào đó, trẻ chậm phát triển kỹ năng vận động, thể lực yếu, không thể tham gia bình thường vào nhiều hoạt động, trò chơi tập thể ở trường mẫu giáo cũng sẽ dẫn đến tình trạng bị cô lập.
Ngoài ra, trẻ chậm nói, sức khỏe yếu có thể kém tự tin, mặc cảm trầm trọng hơn do rối loạn giao tiếp và vận động, trong tiềm thức trẻ tin rằng mình đáng bị bắt nạt, nên khi gặp phải tình trạng này thường không phản kháng hay nhờ sự giúp đỡ từ giáo viên, chia sẻ với bố mẹ, từ đó tăng khả năng bị bắt nạt.
Khả năng tự chăm sóc bản thân kém
Một nghiên cứu về bắt nạt trẻ em kết luận rằng, những trẻ cần được giúp đỡ trong việc ăn uống, đi vệ sinh, mặc quần áo, hay nhu cầu cơ bản hàng ngày thường dễ trở thành mục tiêu bị chế giễu, bắt nạt.
Ngược lại, những trẻ có khả năng tự chăm sóc bản thân tốt thường xem những trẻ yếu đuối như mục tiêu tiềm năng để bắt nạt.
Khả năng tự chăm sóc bản thân kém sẽ hạn chế sự phát triển toàn diện của trẻ, những khía cạnh yếu này dễ bị các bạn cùng lứa phát hiện, bắt nạt, chế giễu và cô lập. Khi bị bắt nạt và cô lập trong thời gian dài, trẻ có thể mất dần sự tự tin, không biết cách tự bảo vệ.
Nhà giáo dục Molinsky đã từng nói: “Những trẻ bị bắt nạt thường phải chịu tổn thương tinh thần lớn, đôi khi còn nặng nề hơn tổn thương thể xác gây ra.”
Thông thường, giáo viên luôn cố gắng ngăn chặn và giải quyết kịp thời, tránh việc trẻ bị bắt nạt. Tuy nhiên, đôi khi giáo viên cũng không thể kiểm soát hết mọi mâu thuẫn. Vì vậy, bố mẹ dạy con mình tự bảo vệ bản thân là điều rất quan trọng..