Tuổi đã ngoài 60 nhưng ông Đỗ Văn Cón, hội viên Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Ngã Ba, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) vẫn miệt mài lao động sản xuất, đầu tư mô hình nuôi dơi lấy phân, nuôi lươn không bùn, thu nhập hàng năm trên 140 triệu đồng.
Sau ngày đất nước giải phóng, cũng với chiếc ba lô và hai bàn tay trắng, gia cảnh nghèo nên khi lập gia đình ông cũng không được giúp đỡ gì nhiều ngoài miếng đất vài công trồng mía kém hiệu quả.
Ông suy nghĩ, ruộng có, vườn có nhưng nếu không chí thú làm ăn thì cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng. Nghĩ vậy nên ông tự nhủ rằng, mình phải gắng sức lao động, vươn lên trong cuộc sống bằng chính sức lực và suy nghĩ của mình, biết tận dụng và phát huy tư liệu sản xuất sẵn có để làm thay đổi cuộc sống gia đình.
Ban đầu, ngoài trồng mía, ông còn trồng nhãn, trồng rau, cải, đi làm mướn theo thời vụ… cuộc sống tuy có phần thay đổi hơn trước nhưng với ông như vậy vẫn chưa gọi là thành công. Với ý chí và nghị lực của một CCB, ông luôn phấn đấu.
Trong một lần qua huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng mua phân dơi về bón cho cây nhãn, thấy người ta làm chuồng nuôi dơi lấy phân nên hỏi thăm, rồi về ông bắt đầu làm theo.
Chuồng dơi được ông làm theo hình lục giác. Chuồng nuôi dơi có 6 trụ cao 9m, nền chuồng dài 0,8m, ngang 0,4m, nóc chuồng lợp bằng lá dừa nước, trên trần treo tàu lá thốt nốt để làm ổ cho dơi.
Mỗi ngày, vào buổi trưa, gia đình ông thu gom phân có sẵn trong lưới và đem phơi khô. Trong quá trình nuôi dơi, ông Cón chăm sóc thường xuyên, mùa mưa phải lấy tấm lá chầm che kín đừng cho ướt tổ dơi, mùa nắng nóng phải bỏ bớt lá thốt nốt trong ổ ra và khoảng 3-4 tháng, phải thay lá thốt nốt 1 lần.
Ông Cón cho biết: Mấy năm trước ít người nuôi dơi, nên thu phân dơi được nhiều. Hai năm nay, người nuôi dơi nhiều, chuồng được xây dựng nhiều nên số lượng phân thu được ít lại. Trung bình khoảng 2 ngày được 1 giạ phân dơi, khoảng 6kg.
Một tháng gia đình ông Cón thu gom được khoảng từ 18-20 giạ phân dơi, thương lái ở Vĩnh Long xuống tận nhà mua hàng tháng, mỗi giạ có giá 280.000 đồng. Mỗi lần ông bán được khoảng 5 triệu đồng tiền phân dơi.
Từ mô hình nuôi dơi, trung bình 1 năm sau, khi trừ chi phí mua lá, thu nhập khoảng 45 triệu đồng từ bán lấy phân. Từ sự tảo tần, CCB Đỗ Văn Cón đã nuôi các con trưởng thành, hiện đã có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang. Hai trong ba người con của ông cũng được ông “truyền nghề” xây dựng chuồng nuôi dơi lấy phân và đang thu hoạch.
Không chỉ dừng lại ở nghề nuôi dơi, 2 năm nay, ông “bén duyên” với nghề nuôi lươn không bùn. Sau khi xem phóng sự nghề nuôi lươn không bùn trên đài truyền hình, ông bắt đầu tìm hiểu kỹ và mua lươn giống về nuôi.
Ông Cón cho biết: để nuôi lươn, tôi tận dụng bể xi măng, bể nhựa để nuôi lươn. Mới bắt đầu, tôi thả nuôi 5 bể, mỗi bể 3.000 con lươn giống. Sau 6 tháng nuôi, lươn phát triển tốt, tôi không bán lươn thịt mà quyết định nuôi thành lươn sinh sản để ương giống nuôi tiếp.
Theo ông Cón, nuôi lươn quan trọng là sử dụng nguồn nước lắng, lọc kỹ và có lưới để lươn trú ẩn.
Lươn con khi bắt về, sau 6 tháng nuôi, đạt trọng lượng từ 200 gram/con trở lên sẽ bắt đầu sinɦ sản. Khi quan sát trên mặt bể có mảng bọt nước, càng lúc càng to ra thì lươn sẽ sinh sản, ông vớt trứng vào các khay nhựa để ấp trứng và ươn, dưỡng lươn con.
Ông Cón cho biết, việc chăm sóc lươn con cũng đơn giản, lúc mới nở cho ăn trùng chỉ, rồi trùng quế xay nhuyễn. Khi lươn được từ 1,5-02 tháng tuổi, cho ăn thức ăn công nghiệp và bắt đầu xuất bán con giống.
Ngày chúng tôi đến, ông đã ương được gần 12.000 con lươn giống, mỗi tháng xuất bán khoảng 3.000 con, sau khi trừ chi phí, còn lại 8,5 triệu đồng. Giờ đây, ông đã khá thànɦ công với 2 mô hình nuôi dơi và nuôi lươn để phát triển kinh tế mà ông đã tự tìm hiểu, học hỏi và quyết tâm làm theo.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Đỗ Văn Cón còn nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương. Được biết, trước đây khi chưa được đầu tư xây dựng, đường xá rất khó đi, lau sậy um tùm, mưa xuống lầy lội, ngày ngày ông rong ruổi trên các con đường, bờ ruộng, đi đến những hoàn cảnh khó khăn, nhất là hội viên nghèo để thăm hỏi, giúp đỡ.
Theo Dân Việt