Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
96 lượt xem

Top 5 điểm chung của những người bỏ phố về quê

Dù tính cách mỗi người mỗi khác, nhưng khi đặt trong một nhóm cộng đồng đa số vẫn có những điểm chung giống nhau. Dưới đây là 5 tính cách chung thường thấy ở những người bỏ phố về quê, rời phố về rừng.

1. Yêu thiên nhiên, thích trồng cây

Nếu bạn đọc thường ghé đến các nhóm như Làng bỏ phố về quê, Bỏ phố về rừng, Hội thích trồng rau sạch… sẽ thấy điểm chung này. Dường như tất cả những ai rời phố về quê sống đều chung một đam mêm bất tận: yêu thiên nhiên, thích cây, mến rừng.

Khó nói rõ lý do vì sao họ có tình yêu này. Đơn giản chỉ là, khi bên cạnh rừng, bên cạnh một cây xanh họ cảm nhận được sự bình yên. Với nhiều người, trồng cây giống như thiền, lúc họ trồng cây họ thấy mình hạnh phúc mà không màng đến tương lai “hái quả” hay không.

Chính yêu thiên nhiên, mong muốn được trồng cây nên họ chọn lối sống về vườn. Khi ở quê họ có đất, có mảnh vườn nhỏ để trồng những cây xanh yêu thích của mình. Xa hơn, có những người có tình yêu mãnh liệt với đất mẹ, họ mong muốn và hướng tới một tương lai xanh không chỉ cho riêng mình. Đó là điều thường thấy ở những người tạo lập vườn rừng hoặc các hội trồng cây khi về quê sống.

2. Không mê công danh

Công là sự nghiệp, danh là tiếng tăm. Công danh tạm hiểu là địa vị xã hội và tiếng tăm của cá nhân! Và với những người trẻ rời phố về quê sống dường như họ không mê điều này. Bởi nếu mê công danh họ sẽ chọn ở lại thành phố – nơi có đủ gần như các điều kiện để họ đạt được hai chữ công danh.

Tất nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng, vẫn có nhiều người chọn về quê mà vẫn quyết chí gầy dựng sự nghiệp lẫn tiếng tăm. Điều này đúng – nhưng bạn đọc nên hiểu cho rằng với những người này công danh chỉ là điều tự nhiên đến, trước đó họ ưu tiên chọn một lối sống khác, một trải nghiệm khác.

3. Định nghĩa khác về hạnh phúc

Hạnh phúc là gì? Có rất nhiều định nghĩa khác nhau tùy thuộc vào cảm nhận từng người. Và khi theo dõi những người về quê sống, Farmer thấy rằng những người này họ có một định nghĩa rất khác về hạnh phúc.

Ví dụ, với họ hạnh phúc không nằm ở con số tiền lương, bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất hay tất cả những gì sở hữu. Với họ, hạnh phúc là một thứ cảm nhận giản dị như ở trong một ngôi nhà nhỏ do họ tự tay làm nên, hay được ăn một bữa cơm từ vườn rau mà họ tự trồng. Hoặc đơn giản hơn, hạnh phúc với họ đôi khi là được một mình để suy tư một điều gì đó mà chỉ riêng họ biết, họ cảm nhận được.

Trong câu chuyện của vợ chồng anh Tân là một ví dụ nổi bật. Anh Tân cho biết, thời điểm ở Sài Gòn, anh đi làm công trình và mỗi tối đều có những buổi nhậu rất rôm rả. Thời gian đầu anh thấy mọi người vui và anh vui, nhưng dần dà anh thấy những cuộc vui đó không còn nữa, anh thấy mình lạc lõng, anh nghĩ đến một khái niệm hạnh phúc đơn giản hơn. Đó là lý do anh về quê xây ngôi nhà bằng đất, và anh hạnh phúc!

4. Sống chậm

Cuộc sống ở thành phố luôn nhanh khiến tất cả những người ở đó phải lao vào vòng quay của nó. Bạn đi làm 8 tiếng, chạy xe hơn 2 tiếng và thời gian còn lại để ngủ hoặc lao vào những mối quan hệ khác. Hầu như khi ở phố bạn không có thời gian cho chính mình!

Đó là lý do nhiều người về quê sống chỉ để được sống chậm lại. Và họ yêu thích lối sống chậm này. Tất nhiên khi ở quê họ vẫn phải đi làm để kiếm sống, nhưng không còn phải tất bật hay vội vã nữa, họ có thể kiếm ít tiền hơn nhưng đổi lại có thời gian để uống một tách trà.

Sống chậm với họ còn là những khoảng thời gian bên thiên nhiên, vườn tược và bầu trời. Những điều mà nhiều người sống nhanh sẽ hỏi “sao lại phí thời gian đến thế?” – đơn giản họ không thể hiểu được khoảnh khắc ngắm nhìn một bông hoa hay khi hoàng hôn buông xuống.

5. Trân trọng gia đình

Tất nhiên, dù ở phố hay quê chúng ta vẫn có thể trân trọng gia đình. Nhưng có rất nhiều người về quê sống chỉ vì được gần gũi gia đình. Farmer từng trò chuyện với một người anh ở Quảng Nam, khi đang có sự nghiệp tại Sài Gòn khá tốt, anh quyết định về để chăm mẹ ốm.

Sau đó, anh quyết định bỏ thành phố để ở lại quê chăm sóc mẹ. Nhiều người hỏi anh, có tiếc sự nghiệp ở Sài Gòn không khi mà vài năm ở quê anh nhìn lại thấy bạn bè ít nhất cũng lên chức “trưởng phòng” rồi? Anh trả lời, lúc đầu thấy tiếc thật đấy, nhưng nhìn mẹ khỏe, mẹ vui anh thấy nó chẳng có nghĩa lý gì cả.

Bạn từ quê lên phố, mỗi năm bạn về quê thăm cha mẹ được bao nhiêu lần? 1 hay 2 lần? Chỉ vào dịp hè và Tết?

 

Bài viết cùng chủ đề: