Đang là kỹ sư xây dựng, em trai tôi định nghỉ việc, bỏ phố về quê làm ruộng, nuôi bồ câu thịt.

Gia đình lớn của tôi gồm bốn người, bố mẹ và hai chị em tôi. Tôi 36 tuổi, đã có chồng, con. Tôi lấy chồng ở quê nên nhà ở gần bố mẹ. Em trai tôi 31 tuổi, làm kỹ sư xây dựng và chưa có gia đình.

Khi xưa, học hết lớp 12 thì tôi nghỉ học, phụ bố mẹ đồng áng rồi lấy chồng ở quê. Bởi tôi tự lượng sức mình, dù có lấy tiền lên phố ôn luyện thì cũng rớt đại học mà thôi. Nếu may mắn đậu thì cũng không theo học nổi bốn năm. Vậy là đường công danh học hành của gia đình hy vọng vào em trai lúc đó mới 12,13 tuổi.

Nhưng cũng may, của chị bù em, em trai học khá hơn tôi và thi đậu đại học ngành xây dựng. Rồi em lên phố học hành, đi làm từng đó đến nay. Nhiều lúc hai chị em nhắn tin tâm sự, em trai tôi bảo làm nghề này đi theo công trình và sắp xếp của công ty, đi công tác liên tục, hiếm có thời gian rảnh ở nhà, không có thời gian hẹn hò và không biết bao giờ mới lấy được vợ.

Năm rồi em thổ lộ với tôi là ráng làm thêm vài năm nữa, kiếm chút vốn rồi về quê sống, chăm sóc bố mẹ già. Tôi giật mình và động viên, nói em ráng đi làm trên thành phố, có nghề nghiệp ổn định thật sự, lương tháng lãnh đều đều, về quê thì biết làm gì sống? Cứ an tâm mà làm việc, bố mẹ có anh chị ở gần lo.

Rồi Tết năm ngoái, mọi năm chưa qua mùng 5 thì em đã xếp đồ vào balô vào phố chuẩn bị động thổ khai trương công trình, sao bây giờ qua mùng 7 rồi mà vẫn còn nằm ở nhà. Tôi “điều tra” thì em ấy bảo sẽ ở nhà luôn, sau Tết sẽ cải tạo lại mảnh vườn, nuôi bồ câu thịt và làm thêm vài sào ruộng. Mấy năm đi làm em có dư được ngoài 400 triệu đồng, nói là để làm vốn.

Tôi nghe mà giật mình, nhân lúc bố mẹ chưa biết chuyện, tôi ra sức giảng giải cho em thấy cuộc sống làm nông, chăn nuôi nó vất vả, bấp bênh thế nào. Tôi nói: “Em có thấy ở quê mình, bà con nông dân nào giàu, xây được nhà khang trang đều là do con cái đi làm xa, đi xuất khẩu lao động gửi tiền về cả. Quanh năm bán sức cho vài sào đất thì chỉ đủ tiền ăn và nuôi con học hành. Còn người giàu là người ngoài chợ, họ là bà bán phân bón, ông bán thuốc trừ sâu, bà bán vàng… chứ chẳng có ai làm nông mà đột biến giàu lên cả, trừ khi bán đất làm khu công nghiệp”.

Lấy ví dụ ngay tôi, lúc mới lấy chồng thì có ươm đàn gà 200 con để nuôi, ngày nào cho ăn, thay nước cũng gửi gắm hy vọng vào chúng. Nhưng không hiểu lý do gì mà chúng chết, rơi rụng dần đến khi lớn, cả đàn chỉ còn ngoài trăm con. Tính lại tiền thức ăn, tiền thuốc, tiền con giống… thì lỗ đậm chứ chẳng lời đồng nào.

Tôi khuyên rằng số vốn 400 triệu đồng đó đem đi gửi tiết kiệm hoặc mua vàng gửi bố mẹ thì vẫn còn, bây giờ đem đi đầu tư nuôi bồ câu thì trong vòng một năm sẽ mất hết. Rồi chưa kể ở phố mà còn chưa hẹn hò được ai, bây giờ về quê thì có mà ế tiếp. Ở quê làm gì còn cô gái nào ngoài 30 mà vẫn chưa chồng? Tôi nói hết lời và giảng giải cả buổi chiều thì em ấy mới thông, sau đó ở nhà chơi thêm một tuần rồi lên phố xin việc.

Qua đây, tôi muốn nhắn nhủ rằng về quê làm nông, nuôi trồng các thứ không phải là chuyện dễ dàng để làm giàu. Nếu dễ như vậy thì người ở quê đã làm rồi, đâu đến lượt các bạn bỏ phố về quê nữa.

Chưa kể rủi ro của làm nông lớn hơn làm công ăn lương nhiều. Nếu chán việc có thể xin nghỉ vài tháng rồi xin việc làm tiếp, làm nông thì không có ngày nghỉ. Làm công thì lương tháng nào cũng có, còn làm nông chỉ trong chờ vào từng vụ, mà như tình hình bây giờ, phải trúng mùa, trúng giá thì mới vui, chứ ra sức chăm bón cho trúng mùa mà lúc bán rớt giá thì cũng không vui nổi.

Vậy nên các bạn trẻ có ý định nghỉ việc về vườn cần phải thật cân nhắc kỹ, đâu phải cứ bỏ tiền ra mua giống gà, giống bồ câu về nuôi là tự nhiên nó lớn, rồi xuất bán như mấy video quảng cáo toàn màu hồng của các trại giống trên mạng.

Thực sự để thành công với nghề nông là đòi hỏi cả quá trình tìm tòi, kiên nhẫn, thất bại. Liệu các bạn chán phố có đối mặt nổi với những điều đó ở quê không?