Bài viết dưới đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thảo ở Thái Bình về khúc mắc trong gia đình sau khi bà chia đất đai cho 3 người con.

Hai vợ chồng tôi lấy nhau hơn 30 năm trước và ổn định cuộc sống ở quê hương Thái Bình. Chúng tôi có ba con: hai trai, một gái. Lúc còn trẻ, tôi làm kế toán còn chồng làm trong nhà máy. Chồng tôi nghỉ mất sức sớm vì sức khỏe suy giảm. Sau khi tôi nghỉ hưu, tôi cùng chồng mở cửa hàng bán đồ điện ở quê.

Sau hơn chục năm kinh doanh, chúng tôi cũng gom góp được ít tiền, mua được căn nhà mặt đường cũng là chỗ bán hàng rộng 50 m2. Ngoài ra, chồng tôi còn được bố mẹ chia cho một mảnh đất rộng hơn 200 m2, xây nhà 2 tầng để cho gia đình 5 người ở.

Trong ba con của tôi, chỉ có cậu út là thoát ly lên thành phố làm việc và đang trả góp mua một căn chung cư nhỏ. Con trai cả làm lái xe, ở chung với vợ chồng tôi. Con gái không có công ăn việc làm, ở nhà chồng nuôi. Gia đình cháu được bố mẹ chồng chia cho một ngôi nhà cấp bốn rộng 45m2 gần nhà tôi.

Cách đây 3 năm, chồng tôi bị bệnh và qua đời. Sức khỏe yếu nên tôi quyết định nghỉ bán hàng. Khoản tiền hưu và lãi từ sổ tiết kiệm 200 triệu đồng đủ cho tôi chi tiêu hàng ngày, thỉnh thoảng trợ giúp các con, cho các cháu đồng quà.

Không bận rộn việc nhiều như trước nên tôi cũng hay nghĩ ngợi nhiều. Tôi thấy cả ba con đều khó khăn trong chuyện công việc và nhà ở. Có lúc, tôi muốn rút tiền tiết kiệm để hỗ trợ con, nhưng trước khi mất, chồng tôi dặn tuyệt đối không được rút sổ. Ông ấy bảo: “Dù có thế nào, bà nhất định cũng phải giữ một ít tiền để phòng lúc ốm đau, lo chuyện hậu sự sau này”.

Tôi thấy mình có nhà mặt đường đang cho thuê (50 m2), mảnh đất đang ở cũng khá rộng (200 m2). Tôi quyết định tính toán để chia cho các con có cơ hội sống tốt hơn.

Tôi chia đôi mảnh đất đang ở cho hai con trai. Với con gái, tôi đề nghị đổi nhà. Theo đó, tôi sẽ về ở nhà cấp bốn của con còn gia đình con gái sẽ chuyển ra nhà mặt phố có thể kinh doanh của tôi. Ngôi nhà của tôi rộng và vị trí thuận lợi hơn nên giá trị chênh 300 triệu so với nhà của con.

Khi đó, con gái tôi cũng có thể buôn bán kiếm thêm, không phụ thuộc hoàn toàn vào chồng như hiện tại.

Nghĩ ra giải pháp, tôi lập tức thông báo với các con trai gái, dâu rể. Khi đó, tôi không thấy các con có ý kiến gì khi được chia, đổi đất có lợi. Phải mất nhiều thời gian để tiến hành việc làm giấy tờ nhưng tôi vẫn thấy hài lòng vì đã có chút “của để dành” cho con.

Hoàn tất xong các thủ tục, tôi lấy 100 triệu tiết kiệm để sửa sang căn nhà cấp bốn – nơi ở mới của mình. Tôi không hợp với con dâu cả nên quyết định ở một mình. Nhà con gái cũng gần nên việc qua lại hỗ trợ cũng không quá khó khăn.

Tôi cứ ngỡ thu xếp mọi chuyện như vậy là tươm tất, trọn vẹn mọi bề cho tới khi con trai út tên Tuấn quyết định bán phần đất được chia. Khoản tiền này được con dùng để trả trước hạn tiền vay ngân hàng mua chung cư ở thành phố. Khi nghe chuyện, con gái tôi tị nạnh: “Cả anh và em Tuấn đều được mẹ chia đất còn con chẳng được mẹ cho gì. Trong khi hai người ấy cũng có ai ở gần, chăm lo cho mẹ như con đâu. Chắc tại bởi con là con gái nên phải chịu thiệt thòi thế”.

Nghe con nói, tôi sững sờ. Tôi luôn nghĩ rằng, đổi cho con gái mảnh đất ở mặt phố sẽ giúp con có thu nhập, có cuộc sống độc lập, tiếng nói trong gia đình chồng. Tôi không cần con biết ơn, chỉ mong con được hạnh phúc. Vậy mà con lại nói như vậy.

Chưa hết buồn vì con gái, tôi lại thấy tủi vì con dâu cả cũng thỉnh thoảng điều tiếng. Có lần vô tình, tôi nghe thấy con dâu nói với chồng: “Sau này mẹ mất đi, việc hương khói đều do gia đình mình lo. Đáng lẽ, mẹ phải chia cho anh nhiều hơn chứ không phải chia đều cho tất cả”.

Việc chia đất đã xong xuôi, tôi cũng không có cách nào để thay đổi nữa. Thỉnh thoảng, tôi cũng nghe các bà bạn hưu kể chuyện gia đình lục đục vì chuyện chia đất cát. Tôi đành tự an ủi, cũng may nhà tôi chưa tới nỗi đánh chửi nhau. Dù thế, tuổi già càng làm tôi hay suy nghĩ nhiều hơn, có những đêm tôi không ngủ được khi nhớ tới những lời nói của các con. Đôi khi tôi lại ước, giá mình không có gì cho con thì có lẽ gia đình đã êm ấm hơn.