Ông Trần Thanh Long (xã Mỹ Thạnh Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) từng nuôi thử 2 con rắn ri voi bắt được ngoài đồng, thấy “ngon ăn” nên quyết định làm ăn lớn. Ông cải tạo chuồng heo cũ nuôi rắn ri voi sinh sản và tì tì thu lời.

Trước khi nuôi rắn ri voi sinh sản, ông Long nuôi heo nhưng chỉ đến khi nuôi rắn ri voi sinh sản ông mới biết đến đồng lời, còn khi nuôi heo ông “lên bờ, xuống ruộng”. Cơ duyê đến với việc nuôi rắn ri voi  sinh sản của ông cũng rất tình cờ.

Bắt được 2 con rắn ri voi con ngoài đồng, thấy “dễ thương” ông mang về bỏ vào cái khạp nuôi chơi. Sau thời gian, thấy mình ít chăm, ít cho ăn mà 2 con rắn ri voi vẫn lớn mập ú, ông nghĩ rằng con vật dễ nuôi, ít ăn, chóng lớn này có thể chọn nuôi, giúp gia tăng thu nhập.

Ông Long tự trang bị cho mình kiến thức bằng cách siêng năng đọc báo, xem đài về kỹ thuật nuôi rắn ri voi sinh sản, chuẩn bị cho việc khởi nghiệp này. Thấy “chưa chắc ăn”, ông Long bỏ tiền túi đi kiếm các mô hình nuôi rắn ri roi xa gần để “tầm sư học nghề”.Sau đó, ông sửa sang lại chuồng heo cũ, rồi đi mua 100 con rắn ri voi giống về thả nuôi.

Với kinh nghiệm của mình, ông khẳng định nuôi rắn ri voi sinh sản rất nhàn. Về việc phối giống để rắn sinh sản, ông Long cho rắn giao phối từ đầu mùa mưa. Theo đó, khoảng tháng 4 – 5 (Âm lịch), ông nhốt chung con giống bố mẹ để phối giống với tỷ lệ 3 cái, 1 đực.

Ông Long lưu ý, khi chọn rắn bố mẹ phải không bị dị tật, nhanh nhẹn, trọng lượng 800g – 1kg. Mỗi năm rắn chỉ đẻ một lần. Mỗi lần đẻ từ 13 – 15 rắn con. Ðối với rắn mẹ có trọng lượng trên 2 kg có thể đẻ 30 – 40 con/lứa. Rắn ri voi bố mẹ có thể sống được 10 năm.

Rắn con mới sinh được ông Long đưa sang hồ khác nuôi riêng. Lứa rắn ri voi giống này được nuôi tiếp thêm khoảng 3 tháng nữa mới được ông Long bán ra thị trường để con giống chất lượng hơn và có giá trị cao hơn.

Ông Long cho biết, thức ăn của rắn ri voi là động vật tươi sống, không ươn thối. Thức ăn khoái khẩu của rắn ri voi là cá da trơn như cá trốt, cá tra, cá trê, hay ếch, nhái, lòng tong. Các loại thức ăn này ông Long tự đặt dớn bắt trên đồng, rồi đưa vô vèo nuôi cho rắn ăn dần. Chính vì vậy, ông Long hạn chế tối đa chi phí thức ăn để nuôi rắn ri voi sinh sản.

Ông Long thổ lộ: “Khoảng 1 tuần tôi cho rắn ăn/lần. Và mỗi tháng tôi thay nước trong hồ nuôi đôi ba lần. Vì vậy, nuôi rắn ri voi rất nhàn”. Theo ông Long, từ ngày ông chuyển sang nuôi rắn ri voi sinh sản kinh tế gia đình đã dễ thở hơn, bởi đã có đồng tiền ra vô. Thời gian gần đây, kinh tế gia đình ông đã tăng theo số lượng đàn rắn ri voi bố mẹ.

Để tăng đàn rắn bố mẹ sinh sản, ông Long chỉ bán rắn thương phẩm và rắn giống. Ông Long giữ lại những con rắn tốt để cho sinh sản sau này. Vì thế, từ chỗ chỉ có 100 con rắn bố mẹ ban đầu, giờ ông Long có 200 con giống bố mẹ. Trọng lượng mỗi con rắn 2 – 4kg.

Theo ông Long, vào cao điểm ông có đến hơn 300 con rắn ri voi sinh sản. Tuy nhiên, trong một lần sơ ý, ông Long đã thay nước mặn vào hồ khiến đàn rắn bố mẹ cɦết gần hết đàn.

Hiện, mỗi năm đàn rắn ri voi bố mẹ sinh sản khoảng 1.000 con rắn giống. Giá rắn ri voi giống trong năm 100.000 – 200.000 đồng/con, tùy theo kích cỡ. “Nhờ lợi nhuận từ nghề nuôi rắn ri voi sinh sản gia đình tôi đã có cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Long bộc bạch.

Hiện, rắn ri voi là đặc sản. Trên thị trường, giá rắn ri voi thương phẩm khoảng 300.000 đồng/kg. Thịt rắn ri voi thơm, ngọt, dai, được chế biến với nhiều món ăn khoái khẩu.

Dân Việt