Sau những lần bán lai rai, giờ trong trại ương giống rắn của anh Hoài vẫn còn hơn 1.000 con rắn giống ri voi.

Mỗi năm một lần, anh Nguyễn Văn Hoài (xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) ương giống rắn ri voi, rắn ri cá thu về trăm triệu, sống khỏe.

Anh Hoài kể, trước khi theo nghề ương giống rắn ri voi, anh kinh qua nhiều vật nuôi nhưng đều “lên bờ, xuống ruộng”.

Dễ như… ương giống rắn ri voi

Tận dụng hai hiên nhà còn đất trống, anh Hoài cho xây gần chục hồ xi măng ương giống rắn ri voi, ri cá.

Phía trên hồ anh làm mái che nắng, che mưa cho rắn con. Dưới hồ anh thả những bó ni-lông làm giá thể cho rắn con chui rúc.

Hôm chúng tôi đến thăm, trại ương giống rắn của anh Hoài có hơn 1.000 con rắn giống 1-2 tháng tuổi cuộn nhau lúc nhúc trong hồ.

Hiện, anh Hoài có hàng trăm con rắn bố mẹ dùng để sinh sản. Tại đây, có những con rắn bố mẹ nặng gần chục kg. Đây là những con rắn giống qua nhiều lần sinh sản.

Anh Hoài chia sẻ, ương giống rắn không khó. Thậm chí, ương còn dễ hơn nuôi rắn. Bảy tháng rưỡi rắn ri voi cái đẻ một lần. Để bán rắn đúng thời điểm nên phối giống từ tháng 5 âm lịch.

Theo đó, rắn ri voi cái có trọng lượng khoảng 1kg có thể sinh sản. Lúc này, rắn đẻ 15-17 con. Những con ri voi cái từ 2kg trở lên mang bầu đến 25 con.

Mỗi hồ ương, anh Hoài thả khoảng 30 rắn bố mẹ, tỷ lệ cứ 10 rắn cái, 4 rắn đực. Sau sinh, rắn con sẽ leo lên giá thể nilông, anh Hoài chỉ việc bắt đưa ra hồ nuôi riêng.

“Rắn bố mẹ được phối giống và sinh sản ngay trong hồ nên không mất công sức nhiều”, anh Hoài thổ lộ.

Rắn ri voi con sinh ra 3-4 giờ đã tự biết tìm thức ăn. Lúc nhỏ, rắn ăn cá trê, nhái, cá chốt đỏ, lúc lớn lên ăn tốt hơn.

Loài rắn này cũng thuộc loại ăn tạp. Rắn con ăn 4-5 ngày/lần. Chỉ khi thấy nước hồ dơ, anh Hoài mới thay nước.

“Ương giống rắn ri voi không khó. Điều quan trọng là đảm bảo nguồn nước, giá thể phải sạch để ngăn ngừa mầm bệnh cho rắn, tránh thua thiệt cho người nuôi rắn sau này”, anh Hoài lưu ý.

Thu trăm triệu nhờ ương giống rắn ri voi

Anh Hoài cho biết, anh chọn phân khúc ương giống rắn ri voi, ri cá chứ không nuôi làm rắn thịt vì quen tay. Anh chỉ ương giống rắn khi có đơn đặt hàng.

Thường, tại nhiều trại ương rắn giống, rắn ri voi con sau sinh khoảng nửa tháng là xuất bán. Nhưng tại trại ương giống rắn của anh Hoài, rắn con được ương khá “cứng”, 1-2 tháng ương, mới giao khách đặt hàng. Hầu hết, khách đặt hàng phải đến tận trại xem rắn giống trước khi giao.

“Tôi chủ trương chậm nhưng chắc. Đưa rắn con sớm sợ ảnh hưởng đến năng suất nuôi của bà con nông dân”, anh Hoài bộc bạch.

Hiện, mỗi năm anh Hoài ương được khoảng 1.500-2.000 con rắn ri voi giống. Với giá bán 90.000-100.000 đồng/con rắn giống, anh Hoài có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Sau những lần bán lai rai, giờ trong trại ương giống rắn của anh Hoài vẫn còn hơn 1.000 con rắn giống ri voi. Theo anh Hoài, khoảng 1 tháng nửa là hết mùa rắn giống. Nông dân muốn mua rắn ri voi giống phải chờ đến năm sau.

Anh Hoài chia sẻ thêm, rắn ri voi là rắn giá trị cao nên khi nuôi thịt tốt nhất là xây hồ xi-măng để kiểm soát tốt. Nếu nuôi trong kênh, mương thì nên nuôi ở chỗ có nước sạch ra vào. Mực nước hồ nuôi 6-7cm là được để cho rắn con dễ ăn mồi.

Ri voi là một trong những loại rắn miền Nam đang được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường. Loại rắn trung bình dài 20cm này có thịt thơm, nhiều dinh dưỡng. Khảo sát một vài cơ sở bán rắn ri voi thịt ở TP.HCM cho thấy, hiện giá rắn ri voi trên dưới 500.000 đồng/kg.

Ri voi là loại rắn nước rất hiền, không gây hại cho người.