“Hãy thay tiền bằng đồng xu hoặc sao thưởng. Về sau đứa trẻ được toàn quyền sử dụng những đồng xu đó để quy đổi lấy những phần thưởng mong muốn. Như thế, đồng xu vạn năng hơn hẳn đồng tiền.
Đừng để trẻ lấy tiền làm thước đo mọi giá trị, tiền đâu là đầu tiên!”- chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam kiến giải.
Thay tiền bằng đồng xu “vạn năng”
Mới đây, mạng xã hội lan truyền câu chuyện nuôi dạy con của ông bố Hà Nội. “Bảng báo giá việc nhà” đề ra làm việc giúp bố mẹ sẽ được nhận tiền lương tương ứng, ngược lại bắt con phải bỏ tiền thuê Ipad mới được xem.
Tất nhiên có những việc thuộc về nghĩa vụ của con thì bắt buộc phải làm, ví dụ như dọn đồ chơi, tắm rửa, học bài. Phương pháp dạy con theo hình thức này tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trần Thành Nam – giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng phương pháp xây dựng hệ thống thưởng quy đổi được các nước trên thế giới khuyến khích sử dụng.
Việc thưởng quy đổi không những tạo động lực cho đứa trẻ thực hiện những công việc mà bình thường rất khó thuyết phục sự tự giác như làm việc nhà. Chính việc thưởng hệ thống hình thành cho trẻ thói quen tích cực.
Về việc sử dụng tiền để quy đổi công việc, chuyên gia Thành Nam phân tích: Tư duy giáo dục đó nên được ủng hộ, tuy nhiên không khuyến khích sử dụng tiền.
Trước hết hãy ghi nhận bằng lời khen, sau đó thay bằng hình thức thưởng sao hoặc đồng xu. Về sau, đứa trẻ được toàn quyền sử dụng những đồng xu đó để quy đổi lấy những phần thưởng mong muốn. Như thế, đồng xu vạn năng hơn hẳn đồng tiền bởi trẻ có thể dùng đồng xu để quy đổi ra những phần thưởng khác bao gồm phần thưởng vật chất, phần thưởng xã hội, phần thưởng hoạt động.
Chuyên gia Nam mách nước biến những phần thưởng thành bền vững đơn giản như đi du lịch, về thăm quê, đi ăn nhà hàng… Như thế, bố mẹ vẫn dạy được con kỹ năng quản lý tài chính cá nhân vì cơ bản tiền cũng là một dạng số, quy đổi.
Tránh để trẻ “tiền đâu” là đầu tiên
TS Thành Nam cho biết, bằng chứng nghiên cứu khoa học đã chỉ ra được rằng những phần thưởng bằng tiền chỉ có tác dụng lúc đầu, làm cá nhân có động lực rất lớn để thực hiện hành động đó tức thời. Tuy nhiên, về lâu dài, phần thưởng bằng tiền chỉ gây ra điểm sáng ở một số vùng trên não. Các phần thưởng xã hội, tinh thần sẽ khiến nhiều vùng não của trẻ sáng lên hơn.
Chuyên gia Nam lo ngại tiền thưởng sẽ gây ra những hệ lụy. Về sau, bất cứ những hoạt động nào mà đứa trẻ làm cũng sẽ có xu hướng mong đợi, chờ đợi có tiền. Đừng để trẻ lấy tiền làm thước đo mọi giá trị, tiền đâu là đầu tiên.
Suy cho cùng, tiền cũng chỉ thúc đẩy những động cơ bên ngoài. Thưởng tiền khiến những giá trị kết nối trong gia đình bị mờ đi. Việc này càng hạn chế khi đứa trẻ ra ngoài xã hội. Bỗng dưng việc cống hiến cho những tổ chức nơi trẻ thuộc về nên là việc tình nguyện thì lại cần “có điều kiện”.
Phần thưởng mang tính chất xã hội, tình cảm mới khiến trẻ tự ý thức được rằng con là một thành viên trong gia đình, làm việc nhà là trách nhiệm của con và con làm vì con hạnh phúc.
- Điểm mặt chỉ tên 8 thói quen khiến cuộc đời bạn xuống giá
- Phim Việt 16+ bị đè bẹp trước cuộc đấu của bom tấn ngoại
- Nghe lời bạn thân về ly dị chồng, vợ trẻ bật khóc ngay sau phiên tòa, suy sụp nhìn chồng chở con rời đi
- Cần Thơ: Nuôi ốc bươu đen ‘thuận tự nhiên’ nhàn rỗi trong vườn cây ăn trái
- “Vi vu trời Âu” ở ngoại thành Hà Nội: Góc sống ảo mọi nơi nhưng cần lưu ý điều gì?