Biết rằng những thay đổi lớn khi có con thứ hai sẽ khiến con đầu lòng trở nên nhạy cảm hơn nhưng nghĩ đi nghĩ lại, “thương đều” cả hai thật sự rất khó.

Dù rất cố gắng để con đầu lòng không cảm nhận bất kỳ khoảng cách tình cảm nào giữa bố mẹ với con nhưng sự nhạy cảm quá mức của các bé trong giai đoạn đầu khiến những nỗ lực của bố mẹ dường như vẫn không đủ.

Bé Sunny mới được 8 tháng thì mẹ lại cấn bầu. Ngày cầm trên tay que thử thai, hai vạch đỏ căng đét, mẹ phải bấu tay vào lavabo để không vì loạng choạng mà trượt ngã. Một lúc sau định thần lại, hai hàng nước mắt mẹ cứ thế tuôn trào. Mẹ bật khóc vì thương Sunny còn quá nhỏ.

Trong thời gian mẹ mang thai em nhỏ, cả bố và mẹ đều dành mọi thứ tốt nhất cho Sunny, mong con vẫn có được một tuổi thơ hạnh phúc với dư đầy tình thương của bố mẹ. Những lần trò chuyện với em trong bụng, mẹ đều gọi Sunny lại nhỏ to cùng để con cũng đón chào sự có mặt của em như những gì bố mẹ đã nỗ lực chuẩn bị.

Ngày mẹ vào viện sinh, ông bà hai bên đều được chuẩn bị tư tưởng từ trước. Sẽ không một ai vì muốn trêu đùa con trẻ mà buột miệng: “Bố mẹ có em, Sunny hết được thương rồi.” Mọi sự, bố mẹ đều cố gắng chu đáo từng chút một chỉ để Sunny vui.

Khi em được 7 tháng tuổi, nội đổ bệnh phải nằm viện cả tuần, mẹ phải theo ba về quê thăm, bế theo cả em, chỉ có Sunny là gởi lại cho ngoại. Hôm về, mẹ dang tay ôm, Sunny ngoảnh đi mà nói “Ghét mẹ!”. Con giận cả tuần hơn thì cũng ngần ấy thời gian mẹ khóc. Làm mẹ của hai con nhỏ, san sẻ tình thương cho đều có đâu dễ!!!

Đối với những gia đình có con thứ hai, nhiều bậc cha mẹ luôn để mắt đến tâm trạng của con đầu lòng. Nhưng dù chu toàn đến mấy cũng khó có thể trong mọi lúc luôn khiến con cảm thấy yêu thương đủ. Yêu con nhiều, nỗ lực bù đắp cũng không ít nhưng cuối cùng con cũng bị tổn thương và bố mẹ cũng phải bật khóc vì bất lực.

Đây là một ông bố luôn cố gắng dành tình cảm của mình cho các con. Khi bố bế chị gái vào lòng thì đứa em nhỏ mới vài tháng tuổi đã phản ứng. Hết lần này đến lần khác, bé trai đá vào người chị. Bố đành phải buông tay chị ra.

Nhưng sau đó, anh không bỏ rơi cảm xúc của con gái mà vẫn hỏi han, quan tâm xem con gái có vì hành động xô đẩy của em mà tổn thương hay không. Nhưng có vẻ sự quan tâm của bố không thể làm con gái nguôi giận. Bé gái vẫn buồn vì sự có mặt của em đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Cô bé vẫn không cảm thấy thương mến em trai mình chút nào.

Dù đã nỗ lực nhưng ông bố vẫn bất lực trong việc giải thích cho gái hiểu rằng em còn nhỏ, chưa biết suy nghĩ và có những chuyện người lớn như bố vẫn cảm thấy rất khó khăn.

Không ít gia đình gặp sóng gió kể từ khi đứa con thứ hai ra đời. Bố mẹ ngoài những lo toan cuộc sống, còn phải rất bận tâm đến chuyện xoa dịu tâm lý đứa con đầu lòng. Vậy, phải làm thế nào để mọi chuyện có thể được giải quyết và tình cảm giữa các con sẽ ngày càng tốt đẹp hơn?

Dù mệt mỏi do thai kỳ đến đâu thì mẹ cũng phải thường xuyên truyền cho con đầu lòng tình cảm yêu thương trong gia đình ngay từ khi đứa trẻ con trong bụng mẹ, đồng thời chuẩn bị thời gian cho con ổn định tâm lý để bé đón nhận em bé bằng cách để con trò chuyện cùng em và cho con thấy mình có vai trò quan trọng trong sự chào đời của em.


Thứ hai, sau khi con thứ hai ra đời, mẹ nên trao cho con đầu lòng trách nhiệm được chăm sóc

Con nhỏ hơn cần được chăm sóc đặc biệt nhưng đừng vì thế mà để trống vai trò của con lớn. Con còn nhỏ hãy cho con làm việc nhỏ. Bất kể là gì dù chỉ là lấy giúp mẹ chiếc tã, nắm tay em, thoa kem cho em… thì đó đều là cơ hội để bé cảm nhận được tình yêu thương của mình dành cho em. Chính những khi thực thi trách nhiệm chăm sóc em, bé sẽ không còn cảm thấy mình bị thừa hay bị cho ra rìa nữa mà tập làm quen dần với vai trò của mình.

Thứ ba, khi có điều gì đó cần thay đổi trong nhà hãy hỏi ý kiến bé

Khi con thứ hai ra đời, có nhiều thứ trong gia đình cần được sắp xếp lại, chẳng hạn đổi phòng ngủ, thay đổi cách cho con ngủ. Dù chỉ là việc nhỏ, nhưng phải nhớ còn đó sự tồn tại của đứa con đầu lòng. Nếu không muốn tổn thương đến con, bố mẹ hãy mở lời hỏi ý con, con đồng ý hãy làm, còn nếu không hãy cố tìm cách thuyết phục con sau.

Cuối cùng, đừng bao giờ đổ lỗi cho đầu lòng khi cả hai con có xích mích

Em khóc, bỗng dưng chị hai, anh hai lãnh hết tội. Vô lý như vậy nhưng thực tế, trong nhiều gia đình vẫn tồn tại những bất công như vậy. Sự cẩu thả của bố mẹ khi đứng ra giải quyết vấn đề giữa hai con có thể dẫn đến những mâu thuẫn lớn hơn khi con lớn cho rằng bố mẹ vì bênh em mà không chịu nghe mình giải thích. Nếu đó là lỗi không thuộc về bé, nỗi ấm ức lại càng lớn hơn. Một nguyên tắc phải nhớ trong những gia đình có hơn một con là đừng bao giờ đổ lỗi mà phải giúp con nhận ra lỗi.