Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
640 lượt xem

Thái Bình: Đại gia bất động sản “đùng đùng” bỏ phố về quê nuôi bò to tướng, bất ngờ bỏ túi 400 triệu đồng/năm

Không ít lời ra tiếng vào kiểu: Người ta muốn thoát ly nông nghiệp còn không được, anh thì lại cứ lao đầu vào

Từng là một đại gia bất động sản có tiếng ở miền Nam, nhưng anh Đoàn Văn Cường (45 tuổi) thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội , huyện Vũ Thư (Thái Bình) vẫn quyết định về quê trồng cỏ nuôi bò, biến ruộng hoang thành vườn mít. Mô hình chăn nuôi bò, trồng mít mang về cho anh Cường khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đại gia bất động sản về quê…chăn nuôi bò

Sở hữu nhiều cửa hàng thời trang và bất động sản ở nhiều tỉnh, thành phố ở miền Nam, anh Đoàn Văn Cường được coi là một trong những “đại gia”.

Khi đạt được giới hạn đỉnh cao, anh Cường không chọn một cuộc sống hưởng thụ mà quyết định về quê làm nông dân, đầu tư cải tạo ruộng hoang, xây chuồng nuôi bò; biến đồng hoang thành vườn trồng mít…

Bạn bè ngỡ ngàng choáng váng, còn người thân, họ hàng… ai cũng trách anh giở hơi, “nhà lầu xe hơi” không thích, cứ thích về quê quay lại cái cảnh chăn bò ngày xưa.

Không ít lời ra tiếng vào kiểu: Người ta muốn thoát ly nông nghiệp còn không được, anh thì lại cứ lao đầu vào, mọi người còn bảo anh giống như bị bỏ “bùa mê thuốc lú” mà không có thuốc giải.

“Nhiều người bảo tôi tiền tiêu không hết đi nuôi bò làm gì cho vất vả, chọn cuộc sống hưởng thụ có phải tốt hơn không. Nhưng mình còn sức khỏe thì mình phải lao động, chăn nuôi vừa khỏe người lại có tiền thì tội gì không làm”, anh Cường tâm sự.

Cuối năm 2015, anh Cường quyết định đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua gần 6ha đất ruộng chiêm trũng, trồng lúa kém hiệu quả. Sau gần 2 năm cải tạo, anh phải bỏ thêm gần 2 tỷ đồng quy hoạch, xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, dự trữ nguồn nước và cải tạo ruộng trũng sang thành vườn trồng cỏ nuôi bò, trồng mít…

Năm 2017, anh Cường bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua 16 con bò mẹ lai sind về nuôi thử nghiệm. Đàn bò mẹ được anh tuyển chọn kỹ lưỡng với mục đích sẽ cho ra những cá thể bê con có chất lượng cao. Ngoài ra anh còn trồng 2ha cỏ voi VA06 để làm thức ăn cho bò.

“Sau hơn một năm miệt mài chăm sóc, thành quả đầu tiên là 11 chú bê con đã ra đời ngay tại trang trại, tôi vui mừng như kiểu trúng số. Bao nhiêu công sức, tâm huyết cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng”, anh Cường tâm sự.

Thành công với mô hình chăn nuôi bò trên đệm lót sinh học.

Đến thăm trang trại nuôi bò của anh Cường phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN ấn tượng nhất khu nuôi bò sạch sẽ, quy mô và đặc biệt không có mùi hôi như các trang trại khác. Hơn 60 con bò to tướng sinh sống trong khu chuồng chỉ vỏn vẹn vài trăm m2, nhưng không thấy một mùi hôi khó chịu nào.

Khi thắc mắc, anh Cường tiết lộ, nhờ nuôi bò trên nền đệm lót sinh học mà chuồng trại mới sạch sẽ và không có mùi hôi.

Nuôi bò trên đệm lót sinh học có các ưu điểm như không có mùi hôi thối; tiết kiệm được công chăm sóc, công dọn chuồng; tận dụng phân bò làm phân bón cho cây trồng; bò tăng trưởng nhanh và sạch sẽ hơn bò nuôi thông thường.

“Nhờ nuôi bò trên đệm lót sinh học mà tôi tiết kiệm được đáng kể công chăm sóc. Với hơn 60 con bò chỉ cần duy nhất một nhân công chăm nom. Hàng ngày chỉ ra đồng cắt cỏ về dùng máy cắt, thái rồi cho bò ăn. Chăn nuôi bò trên đệm lót sinh học theo cách này vừa nhàn bò lại nhanh lớn”, anh Cường chia sẻ.

Chia sẻ về cách làm đệm lót sinh học, anh Cường cho hay, đệm lót được làm bằng các nguyên liệu: trấu, mùn cưa, vỏ lạc, xơ dừa… sử dụng chế phẩm EM thứ cấp phun đều lên nguyên liệu, sau đó dàn đều nguyên liệu ra nền chuồng với độ dày khoảng 40cm, đậy kín bằng bạt hoặc nilon.

Sau 1 tuần, đệm lót lên men vi sinh, tiến hành thả bò vào chuồng để chăn nuôi như bình thường, khoảng 5 tháng sau mới phải thay lớp đệm mới.

“Năm nay tôi tính xuất bán được khoảng trên 20 con bê giống, loại bê nuôi được khoảng 20 tháng, mỗi con có giá 20 triệu đồng, thu về hơn 400 triệu đồng.”, anh Cường tiết lộ.

Sau khi tỉ mỉ nói về đệm lót sinh học, anh Cường dẫn phóng viên đi thăm vườn mít.

Anh bảo, cái lợi ích nhất của sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò là vườn mít này. Nhờ nguồn phân lấy từ đệm lót sinh học ở chuồng bò mà vườn mít của anh mới nhanh tốt như vậy.

Vườn mít năm nay mới chỉ bói quả và anh Cường cũng chỉ mới thu đợt đầu nhưng được hơn 1 tấn quả. Chắc chắn từ giờ đến cuối vụ anh sẽ thu về gần 2 tấn quả, sản lượng mít trái sẽ tăng đều qua các năm tới.

Từ cánh đồng hoang hóa ngày nào, sau nhiều năm gây dựng, giờ đây anh Cường đã có một trang trại VAC quy mô gần 6ha. Bước đầu mô hình đang bắt đầu cho thu nhập cao và hứa hẹn lợi nhuận sẽ tăng đều trong những năm sắp tới. Mô hình trồng cò, chăn nuôi bò, trồng mít của anh Cường sẽ gợi mở ra hướng làm kinh tế nông nghiệp mới cho nhiều hộ dân ở địa phương.

Bài viết cùng chủ đề: