Ở một xã thuần nông của quê lúa Thái Bình nhưng có tới 3 nông dân được trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc các năm 2014, 2016 và 2022.
Ông Phạm Văn Tràng ở xóm 1, xã Vũ Đoài, nuôi gà đẻ trứng, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014, ông Phạm Đình Chiểu ở xóm 2, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016 và anh Phạm Xuân Thủy, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Một điều thú vị nữa là, cả 3 nông dân Việt Nam xuất sắc này đều khởi nghiệp ở vùng đồng chiêm trũng, trước đây ngập úng quanh năm chẳng có loài cây nào sống nổi, sau khi cây đay hết thời, cây cam không phù hợp, nơi này gần như bị bỏ hoang, cỏ lau, cỏ tranh đua nhau mọc lút đầu người, tốt như rừng.
Ông Phạm Văn Tràng là người đầu tiên ở Vũ Đoài nhận danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014. Để đạt được danh hiệu đó, từ năm ấy ông đã có thu 500 triệu đồng nhờ nuôi gà đẻ trứng.
Với diện tích hơn 2 ha, ông Phạm Văn Tràng đã dồn lực vào xây dựng trang trại nuôi gà đẻ trứng. Mô hình được xây dựng theo chuẩn của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam gồm 5 chuồng nuôi được thiết kế kiên cố, hiện đại. Mỗi chuồng đều có máy làm mát khi trời nóng, giữ ấm khi trời lạnh.
Ngoài ra, chuồng nuôi còn được thiết kế hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động. Với hệ thống chuồng trại như thế này không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh mà còn hạn chế được dịch bệnh cho vật nuôi.
Trang trại nuôi gà đẻ trứng được ông Phạm Văn Tràng gây dựng từ năm 2007. Khi đó với số vốn ít ỏi, kinh nghiệm chăn nuôi chưa có nhiều, ông nuôi thử nghiệm gần 2. 500 con gà mái đẻ giống Ia Brao Thái Lan và Ai Cập lai. Trong quá trình nuôi nhận thấy giống gà này ít bệnh mà lại dễ nuôi, trứng dễ bán và năng suất trứng cao nên những năm sau đó ông mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi.
Chăn nuôi gà với quy mô lớn, ông Tràng đặc biệt chú trọng đến công tác vệ sinh thú y, phòng bệnh cho vật nuôi. Việc tiêm phòng cho đàn gà ở mọi tuần tuổi được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng lịch. Hàng ngày, ông thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khoẻ của đàn gà 1-2 lần/ngày.
Mới đây cơ sở chăn nuôi của ông Tràng đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm. Ông Tràng cũng đăng ký xây dựng sản phẩm thịt gà của trang trại thành sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Vũ Đoài.
Anh Phạm Xuân Thủy ở xóm 2 vinh dự trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, cũng là nông dân Việt Nam xuất sắc thứ 3 của xã Vũ Đoài. Cơ duyên đưa anh Thủy đến với nghề chăn nuôi là sau một thời gian dài chuyên buôn chuyến gà, lợn thương phẩm và thức ăn chăn nuôi, nhận thấy việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi không mang lại nhiều lợi nhuận do chăn nuôi nông hộ ngày càng thu hẹp, lại thêm có chính sách dồn điền đổi thửa của xã, anh Thủy quyết tâm ra khu đồng trũng của xóm 2 để lập nghiệp.
Anh bắt tay vào tạo dựng trang trại từ những viên gạch đầu tiên, chở từng xe gạch vỡ làm con đường từ ngoài đường chính vào trang trại, lên nền, đổ cát để xây dựng một trại nuôi gà đầu tiên với quy mô khoảng 3 vạn con.
Bây giờ, anh Thủy đã có 13 trại nuôi gà, lợn khép kín, trại sau áp dụng công nghệ hiện đại hơn trại trước, tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ ổn định. Tổng diện tích trang trại đạt 7ha, và anh còn có dự định mở rộng thêm.
Bên trong mỗi chuồng nuôi, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoải mái. “Nếu lấp đầy công suất của 11 trại gà, quy mô đàn gà lên đến 160.000 con, còn hiện tại tôi đang nuôi khoảng 100.000 con gà thịt và 2 trại lợn khoảng 1.000 con”, anh Thủy chia sẻ.
“Từ đầu năm đến nay, tôi đã thu lãi khoảng 1,7 tỷ đồng từ nuôi gà”, anh Thủy khoe.
Hiện, ngoài việc nâng cấp, tự động hóa các trại nuôi gà để giải phóng sức lao động cho công nhân trong việc chăm sóc, cho đàn gà ăn, anh Thủy còn đang có dự định xây dựng cơ sở chế biến, phối trộn thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí giá thành, đồng thời trong tương lai xây dựng cơ sở chế biến thịt gà.
Ông Phạm Đình Chiểu cũng ở xóm 2 lại trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016 nhờ mô hình nuôi cá lồng.
Trong những năm đầu, khi đưa mô hình nuôi cá lồng trên sông, cái khó khăn nhất của ông Chiểu là kinh nghiệm ít và không biết chia sẻ cùng ai. Bởi ở Thái Bình, tuy có 4 con sông lớn (sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, sông Hóa) chạy qua nhưng chưa đâu áp dụng mô hình này.
Ông phải lặn lội vào tận miền Nam để học hỏi bà con trong đó, rồi mày mò đọc sách báo, tìm hiểu nhiều nơi từ cách chọn đoạn sông này đủ độ sâu, dòng chảy ổn định, rồi đến cách đóng khung, làm lồng, xử lý đáy, đến chế độ chăm sóc, phòng dịch bệnh. Bằng trải nghiệm thực tế, ông Chiểu đã dần chinh phục được dòng sông này.
Có thời điểm, ông Chiểu nuôi tới 52 lồng cá với diện tích mặt nước nuôi trên 6.000 m2, mỗi năm xuất bán hàng trăm tấn cá ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, dù ông Chiểu chuyển hướng sang lĩnh vực khác, nhượng lại lồng cá bè cho anh Phạm Xuân Thủy nhưng mô hình chăn nuôi và trang trại của ông cũng là một trong những điểm sáng ở Vũ Đoài.
- Những lỗi mà phụ nữ lái xe thường mắc phải
- Cậu bé đốt gần 700 triệu đồng tiền mặt của bố mẹ, nhân viên ngân hàng nhìn đống tiền cháy đen: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức”
- Cafe này lạ lắm, tự đến tự pha đồ tự chơi
- Hà Nội những năm 1980 qua ống kính người Pháp
- Bạch Mai: Người bán hàng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, người dân vô tư ngồi ăn sát đường tàu