Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
853 lượt xem

Tây Ninh: Trồng “rau dị” trong nhà, ông nông dân bỏ túi 160 triệu đồng/năm

Mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ đất trồng cây ăn trái của gia đình sang trồng rau dị, hội viên nông dân Trương Văn Đang (ấp Bến Mương, xã Thanh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) thu về số tiền khủng.

Trồng loài rau dị trong nhà lưới là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao của hội viên nông dân Trương Văn Đang, ngụ ấp Bến Mương, xã Thanh Đức (huyện Gò Dầu).

Trước đây, gia đình ông Đang trồng các loại cây ăn trái nhưng thường xuyên bị thất mùa, lỗ vốn. Năm 2016, tình cờ đọc được thông tin trên internet, ông tìm hiều thêm trên sách, báo chuyên ngành về kỹ thuật canh tác rau màu, ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 700m2 đất trồng cây nhãn sang trồng rau dị.

Nhờ tính cần cù và áp dụng kỹ thuật mới, đầu tư nhà lưới, diện tích rau dị vụ đầu phát triển tốt, thu nhập khá, nên ông quyết định chuyển đổi toàn bộ 2.500m2 đất trồng cây ăn trái của gia đình sang trồng rau dị. Hiện nay, ông thu nhập từ bán rau từ 150 đến 160 triệu đồng mỗi năm (đã trừ chi phí).

Ông Đang chia sẻ: “Rau dị là loài rau dễ trồng, giá bán ổn định, lợi nhuận khá. Hiện nay tôi sử dụng 2.500 mét vuông đất trồng rau dị, chi phí khoảng 100 triệu đồng bao gồm: làm nhà lưới che để hạn chế ánh nắng và tránh côn trùng gây hại; hệ thống tưới nước tự động và cây giống.

Rau dị mới trồng, khoảng 3 tháng sẽ cho thu hoạch lần đầu, những lần sau khoảng 2,5 tháng là có thể thu hoạch, năng suất bình quân từ 7.000kg – 8.000 kg/2.000m2 đất. Rau dị rất dễ bán, giá từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg, thu nhập khá hơn các loại cây trồng khác, nhờ đó mà cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định và khá hơn trước”.

Ông Trương Anh Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức cho biết, trong thời gian tới Hội Nông dân xã nhân rộng mô hình trồng rau dị trong hội viên nông dân trên địa bàn, giúp bà con tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

***

Cùng làm giàu, ông nông dân Tây Ninh thu được nhiều tiền hơn hẳn nhờ nuôi con đặc sản trong bể xi măng trên cạn

Được sự giới thiệu của bà Tô Cẩm Dung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông (huyện Gò Dầu tỉnh Tây Ninh), tôi đến ấp Suối Cao B thăm cơ sở nuôi lươn không bùn của gia đình ông Nguyễn Thanh Quan (sinh năm 1972), nằm ngay mặt tiền Tỉnh lộ 782.

Ông Quan cho biết, quê ông ở vùng sông nước thuộc địa bàn ấp An Thới, xã An Hoà (nay là khu phố An Thới, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng). Khi còn ở An Thới, gia đình ông làm ruộng, nuôi heo, đánh bắt cá và buôn bán lúa gạo…

Năm 2009, nhờ có người quen giới thiệu, gia đình ông đến ấp Suối Cao B mua đất cất nhà lập nghiệp. Lúc ấy giá đất còn rẻ, ông mua được miếng đất mặt tiền tỉnh lộ, lại gần ngã ba rất thuận tiện cho việc mua bán. Thế là gia đình ông mở tiệm tạp hoá phía trước.

Phía sau nhà còn đất rộng và dài, với kinh nghiệm nuôi heo sẵn có, gia đình ông xây chuồng trại nuôi heo nái sinh sản, bán heo con giống. Có lúc đàn heo nái của ông lên đến 30 con và đàn heo con thường xuyên có trên 100 con.

Nhưng đợt dịch tả heo châu Phi đã quét qua trại heo của ông. Gia đình ông phải tiêu huỷ mười mấy con heo nái, từ đó, ông “treo chuồng”.

Chuồng trại bỏ không lãng phí, ông Quan tìm hiểu và được biết một số nơi nuôi lươn không bùn (nuôi lươn sạch, nuôi trong hồ trên cạn) cũng dễ và có hiệu quả kinh tế. Sau hai năm bỏ không chuồng trại, đầu năm 2019, vợ chồng ông quyết định đầu tư vốn cải tạo các chuồng nuôi heo thành hồ nuôi lươn. Lúc đầu ông làm 8 hồ, với kích thước mỗi hồ ngang 2 mét, dài 2,5 mét, cao 6 tấc, đáy hồ dán gạch men.

Ông mua 600kg lươn giống ở Campuchia. Đây là loại lươn giống được sinh sản ngoài thiên nhiên. Mua lươn giống về, ông lựa ra 3 loại theo kích cỡ để nuôi riêng.

Sau 7-8 tháng nuôi bắt đầu thu hoạch. Sau đợt nuôi này, trừ chi phí đầu vào (tiền mua con giống và thức ăn), gia đình ông còn lời khoảng 70 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục cải tại thêm hồ và tăng số lượng lươn giống.

Hiện nay, trại nuôi lươn của ông Quan có 10 hồ bắt đầu cho thu hoạch và hơn 10 hồ khác mới thả nuôi khoảng một tháng với 36.000 con lươn giống. Ông Quan cho biết sau khi thu hoạch hết đợt giống lươn đồng, ông chuyển qua nuôi lươn giống nhân tạo.

Theo ông Quan, nuôi lươn giống nhân tạo khi bán giá có rẻ hơn lươn đồng chút đỉnh (khoảng 10.000 đồng/kg), nhưng nuôi lươn giống nhân tạo dễ nuôi, chi phí thấp hơn giống lươn đồng rất nhiều.

Nuôi lươn giống nhân tạo không cần phải cho ăn cá xay, nên chi phí thức ăn cũng thấp. Vì vậy nuôi lươn giống nhân tạo hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Quan cho biết nghề nuôi lươn không khó, nhưng phải chú ý, trước hết phải có nguồn nước sạch; có men tiêu hoá và nhớ sát trùng hồ…

Bà Tô Cẩm Dung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông cho biết, nuôi lươn sạch trong hồ trên cạn là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, đạt hiệu quả cao.

Cụ thể thời gian qua, Hội Nông dân tạo điều kiện cho gia đình ông Quan vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi lươn. Ngoài chăn nuôi, gia đình ông Quan còn buôn bán tạp hoá. Hộ ông Quang được công nhận “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp huyện. Vợ chồng ông Quan có hai người con gái. Cả hai đều học giỏi, hiện nay, người con lớn của ông đang du học ở Nhật Bản, người con nhỏ đang học đại học năm cuối.

 

 

 

Bài viết cùng chủ đề: