Công chúa không có quyền lựa chọn phò mã và cũng không có chuyện mơ mộng đến một ngày chàng hoàng tử sẽ đến đâu.
Bởi vì công chúa thì chỉ có mỗi việc chờ được nuôi.
Dạo gần đây tôi thường xuyên bắt gặp những bà mẹ âu yếm gọi con gái mình là công chúa. “Công chúa của mẹ, con muốn gì nào?” hay “Công chúa ơi, con muốn mặc quần áo lót loại nào?”.
Các mẹ không chỉ gọi riêng với con gái như vậy mà thậm chí còn dùng rất nhiều cụm từ “công chúa” khi lên mạng, kiểu như ” Oh, công chúa nhà tôi không mặc quần jeans đâu”. Tôi chỉ biết thở dài và lắc đầu ngao ngán.
Các mẹ ơi, đừng gọi con gái chúng ta là công chúa nữa. Con gái mình có phải là công chúa đâu? Nếu bạn không phải là Công nương Cambridge thì con gái bạn đương nhiên không phải là con cháu của Hoàng gia sinh ra với những đặc quyền riêng biệt và khối tài sản kếch xù rồi.
Khi tôi còn nhỏ, tôi vẫn hay chơi trò đóng giả làm công chúa. Tôi mặc một chiếc váy màu xanh với viền váy được làm bằng lông vũ, đi giày cao gót và đội một chiếc vương miện giả. Mẹ nhìn tôi với ánh mắt đầy trìu mến. Nhưng bà chưa bao giờ gọi tôi là công chúa vì công chúa chỉ là trò chơi cho trẻ con và dù có mê mệt những nàng công chúa Disney như nào đi nữa thì sự thực công chúa cũng vẫn chỉ là trò chơi.
Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì những cô công chúa chỉ giống như những món đồ trang sức được khoác lên mình những bộ cánh lộng lẫy, lượn qua lượn lại. Váy vóc thì được người ta chọn sẵn, làm việc gì cũng có người lên kế hoạch hộ rồi. Đó có thực sự là những gì bạn muốn dành cho con gái mình?
Ngoài việc làm từ thiện ra thì công chúa chỉ có mỗi việc chờ được nuôi. Theo truyền thống thì những nàng công chúa giúp chồng việc nước. Nhưng một khi đã kết hôn rồi, thì công chúa chỉ có việc sinh cho hoàng tử con nối dõi, và càng nhiều con càng tốt.
Công chúa không có quyền lựa chọn phò mã và cũng không có chuyện mơ mộng đến một ngày chàng hoàng tử sẽ đến đâu. Công chúa thường ở trong trạng thái bị động, chờ đợi người khác đưa ra quyết định cho mình và dùng những thứ mà nàng không muốn chọn.
Công chúa thường sở hữu khối tài sản kếch xù, nhưng đó thực sự là mục tiêu cao nhất bạn muốn dành cho con gái mình?
Công chúa chỉ cần phẩy tay một cái là có được tất cả những gì mình muốn, miễn là cổ có tiền thôi. Một đứa nhỏ như vậy được coi là một đứa trẻ hư hỏng. Cổ có thể nổi cơn tam bành chỉ vì người ta sắm cho cổ 1 chiếc Caddy thay vì Bentley.
Điều này mới đáng sợ hơn này, nếu con gái mình là công chúa, thế thì chúng mình là ai? Thần dân trung thành à? Chúng ta đều biết rằng công chúa luôn luôn được che chở, được học những gì tốt nhất. Bạn đang dạy con gái mình rằng con đang đứng ở trên đỉnh của mọi thứ, rằng con là ngôi sao, là người nổi bật nhất còn những người còn lại chỉ xách dép cho con.
Rồi bây giờ đến phần người hầu. Công chúa nào cũng cần phải có người hầu đi theo để phục vụ. Nếu con gái bạn là công chúa thì ai sẽ là người hầu? Ngoài mẹ ra thì còn ai?
Khi gọi con là công chúa, tự bản thân người mẹ đã đặt mình vào vị trí của người thỏa mãn tất cả các nhu cầu của con. Từ một người mẹ thành người hầu, bạn có thực sự muốn như vậy không? Quyền lực của một người mẹ giờ cũng chẳng là gì trước những đòi hỏi của công chúa.
Và nếu không phải là người hầu thì mẹ sẽ là nữ hoàng. Nhưng mà là nữ hoàng của cái gì? Vương quốc trẻ nhỏ à? Vương quốc bé nhỏ của bạn sẽ không tồn tại trong thế giới thực và bạn thì sẽ sống trong thất vọng.
Gây phiền nhiễu cho giáo viên vì muốn con được thêm một điểm, đòi hỏi các huấn luyện viên cho con chơi ở vị trí tốt nhất hay cắt ngang hàng trong dòng xe khi người khác đang chờ. Bạn có đang làm thế không? Đó chính là uy nghi của bạn – một nữ hoàng. Nhưng điều này khiến bạn trở nên thật tồi tệ.
Bạn có thể nghĩ tôi nói quá lên. Sau tất cả thì công chúa cũng chỉ là 2 từ “công chúa” nhưng 2 từ đó ám chỉ một cô gái hư, người chỉ chờ bố mẹ giải quyết các vấn đề và đối xử với người khác như kẻ hầu người hạ. Vì thế giới này không tồn tại thứ gọi là công bằng, nên khi gọi con là công chúa, mẹ là người dưới quyền của con rồi.
Thế nên cứ gọi con gái mình là “tiểu bánh quy”, hay “cún con”, hay “cục cưng của mẹ” thôi. Chứ đừng gọi con là công chúa!