Bài viết của độc giả Thanh Dũng thể hiện quan điểm về tình nghĩa xóm giềng khi ở chung cư và ở nhà đất như sau:

“Tháng trước ở khu phố tôi ở có một bà cụ qua đời, nhà neo người nên cả xóm phụ giúp, an ủi.

Suy nghĩ bỏ nhà phố lên ở căn hộ chung cư vì cảm thấy hàng xóm phiền phức không hiếm, nó cũng là ý định của nhiều cặp vợ chồng trẻ là dân làm việc văn phòng.

Lối suy nghĩ này nói lên một điều rằng con người ngày càng thu mình lại trong những vỏ ốc của riêng mình. Họ tốn nhiều giờ ngồi ở quán cà phê bấm điện thoại, lướt mạng, chat với nhau… nhưng ngại mở miệng nói với nhau một lời nào. Họ tốn tám tiếng làm việc ở cơ quan rồi trở về nhà vào buổi chiều, ăn tối rồi đóng cửa xem tivi, lướt mạng và rất ngại giao tiếp với hàng xóm.

Con người là loài sống quần cư, vì thế tính quan tâm, tò mò, để ý những việc xảy ra bên nhà hàng xóm đã ăn sâu vào tiềm thức, không có gì lạ. Nếu cảm thấy khó chịu vào điều đó, hãy nhẹ nhàng góp ý với họ xem sao. Tôi dám cá những trường hợp bị hàng xóm để ý là do những người này sống có phần tách biệt với cộng đồng ở đó. Hãy thử tiếp xúc trò chuyện và giao tiếp, bạn sẽ thấy họ cũng giống mình mà thôi.

Người Việt có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” và cũng có câu “Nước xa không cứu được lửa gần”, tức là đề cao vai trò của tình nghĩa xóm giềng vậy. Tháng trước, ở khu phố của tôi có bà cụ qua đời, nhà lại neo người nên chủ nhà lúng túng trong việc chuẩn bị tang ma, khi hay tin thì hàng xóm mỗi người không ai bảo ai tự giác đến giúp mỗi người một tay, rất ấm cúng.

Nhà nào đóng cửa đi du lịch xa hay đi về quê mấy ngày, hàng xóm trông nom nhà giúp, nếu lỡ đặt hàng online thì chỉ cần một cuộc điện thoại sẽ có người nhận giúp. Nhà này có quà quê thì nhà bên cạnh không mất phần. Họp tổ dân phố cũng là một dịp để tìm hiểu và góp ý cách sống của nhau. Thử hỏi nếu ở chung cư, làm sao san sẻ và cảm nhận được tình nghĩa xóm giềng như thế?”