Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
117 lượt xem

Sóc Trăng: Nuôi ốc bươu đen và gà H’Mông tạo sinh kế bền vững

Thực hiện hiệu quả các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, nhiều hộ dân tại các xã: An Mỹ, Kế Thành, Thới An Hội thuộc huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã cải thiện thu nhập, vượt khó thoát nghèo, hướng đến một cuộc sống ổn định.

Mô hình nuôi ốc bươu đen và gà H’Mông mang tín hiệu tích cực

Cuối năm 2021, sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, anh Lê Trường Giang, ở ấp Thạnh Lộc, xã An Mỹ, huyện Kế Sách quyết định thả nuôi 20.000 con ốc giống. Hơn 5 tháng chăm sóc, ốc lớn nhanh, đến lúc xuất bán, sản lượng ốc đạt yêu cầu kích thước 20 – 30 con/kg, thịt dai ngon, dễ bán, giúp cho anh Giang có động lực tiếp tục nghề nuôi ốc. Hiện tại, với 2 ao nuôi lớn, có diện tích 500m2/ao và 6 ao nhỏ, có diện tích hơn 200m2/ao, hàng tháng anh Giang thu lợi từ việc bán ốc thương phẩm hơn 3 triệu đồng.

“Trước đây, vợ chồng tôi làm thuê, làm mướn, thu nhập bấp bênh, nhưng từ khi nuôi ốc đạt hiệu quả, có thu nhập thường xuyên thì cuộc sống gia đình tôi thoải mái hơn xưa. Nuôi ốc bươu đen không mất thời gian chăm sóc, không tốn chi phí thức ăn do mình tận dụng bèo, rau xanh, trái cây bỏ đi trong vườn nhà để cho ốc ăn; đặc biệt, ốc có thể thu hoạch nhiều đợt và lâu dài. Hiện tại, mỗi tháng tôi ấp được trên 10.000 ốc giống. Cuối năm nay, tôi sẽ mở rộng thêm 2 ao, vừa nuôi ốc thương phẩm vừa ấp ốc giống để cung cấp cho bà con trong vùng” – anh Giang phấn khởi kể về dự định sắp tới.

Sau 1 năm thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen, lợi nhuận từ việc bán ốc thương phẩm đã góp phần giúp cho kinh tế gia đình anh Trần Thanh Phong, ở ấp Thạnh Lộc ổn định hơn. Trao đổi về kinh nghiệm nuôi ốc, anh Phong cởi mở chia sẻ: “Nuôi ốc bươu đen không tốn công lại cho thu nhập tốt, chỉ cần tranh thủ thời gian cho ốc ăn, theo dõi, kiểm tra ốc sinh trưởng để thu hoạch, thời gian còn lại có thể làm công việc khác nên nhiều bà con trong vùng rất tâm đắc với mô hình này”. Hiện anh Phong có 3 ao nuôi, diện tích khoảng 300m2, trong đợt xuất bán ốc thương phẩm mới đây, anh Phong thu về hơn 8 triệu đồng cho hơn 200kg ốc.

Chia tay các hộ gia đình nuôi ốc bươu đen, chúng tôi đến tham quan các mô hình nuôi gà H’Mông hiện đang triển khai rộng rãi trên địa bàn 3 xã: An Mỹ, Kế Thành và Thới An Hội. Hơn 2 tháng kể từ khi nhận 100 con giống, đàn gà của ông Trần Văn Liel, ở ấp Trường Thọ, xã An Mỹ hiện đã đạt trọng lượng hơn 1kg/con.

Ông Liel vui mừng cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, tuổi tác của tôi cũng đã cao nên không lao động nặng nhọc được. Khi bắt đầu nuôi giống gà này tôi cũng lo lắng, sợ hao hụt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đàn gà vẫn khỏe mạnh, lớn nhanh, ít hao hụt, khoảng 1 tháng nữa có thể xuất chuồng. Đây sẽ là nguồn thu nhập mới của gia đình chúng tôi”.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chuồng nuôi gà của ông Leil ở sau nhà, tận dụng chuồng nuôi heo trước đó. Theo ông Liel, gà H’Mông dễ nuôi, sức đề kháng tốt, tuy nhiên phải tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh, chuồng nuôi bao lưới, nền trải một lớp trấu, vệ sinh sạch sẽ. Ngoài thức ăn, đàn gà còn ăn được rau cải, củ quả, cỏ tự nhiên.

Cũng khởi đầu mô hình nuôi gà H’Mông với 100 con gà giống, chị Lê Thị Mười Em, ở ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành được khen “mát tay” vì đến hiện tại đàn gà không hao hụt, lớn nhanh, chắc thịt. Theo thị trường, giá gà H’Mông bán thịt dao động từ 120.000 – 140.000 đồng/kg, đến giáp tết Nguyên đán đàn gà sẽ xuất bán, lợi nhuận từ đàn gà hứa hẹn sẽ mang lại một cái Tết đủ đầy cho gia đình chị Mười.

 

Bài viết cùng chủ đề: