Nhìn cảnh chăm cha mẹ bây giờ, tôi lại sợ con mình sau này cũng vừa phải lo cho gia đình nhỏ của nó, vừa gánh chữ ‘hiếu’ trên lưng.
Tôi đã đọc rất nhiều bài viết về việc đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão. Nhiều quan điểm trái chiều đã được đưa ra, có người ủng hộ, có người lại phản đối. Cá nhân tôi xin không bàn đến chuyện đúng hay sai ở đây vì quan điểm sống của mỗi người đều khác nhau, hoàn cảnh mỗi gia đình cũng không ai giống ai cả. Tuy nhiên, với riêng bài viết “Tôi dành tiền vào viện dưỡng lão vì thấm cảnh chăm cha mẹ già”, tôi đặc biệt đồng cảm với suy nghĩ của tác giả Du Hue Phuong.
Tôi là con gái trong gia đình, hiện cũng sống cùng bố mẹ ruột và chồng con. Tôi luôn mong mình có đủ sức khỏe và tài chính để khi về già không phụ thuộc vào các con sau này. Điều này bắt nguồn từ chính hoàn cảnh hiện tại khi một mình tôi phải chăm sóc cả hai cha mẹ già yếu, bệnh tật suốt nhiều năm qua.
Bố tôi bị bệnh quanh năm, một năm vào viện năm, sáu lần. Suốt ba năm nay, cứ hai, ba tuần là bố lại phải vào viện điều trị. Trước đây, mẹ tôi còn khỏe nên vẫn có thể thay các con để chăm sóc cho bố. Nhưng hai năm nay, mẹ cũng bị tai biến, nằm một chỗ, nên mọi sinh hoạt đều nhờ vào con cái và người chăm bệnh. Từ khi mẹ đổ bệnh, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều về cuộc đời mình khi về già. Tôi bị ám ảnh rằng mình cũng sẽ bị di truyền căn bệnh của bố, còn nguy cơ tai biến như mẹ tôi cũng không hề thấp.
Trước khi mẹ bị bệnh, tôi cũng từng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm nhẹ (tôi bị đau đầu triền miên, đi khám, chụp chiếu các kiểu không ra bệnh). Ban đầu, tôi không nghĩ mình bị trầm cảm vì vẫn đi làm, chăm sóc con cái bình thường. Chỉ là bản thân tôi hay lo nghĩ về con (do con tôi bệnh, cần người chăm sóc suốt đời). Chi phí chăm sóc bệnh cho bố mẹ tôi hiện tại không vượt quá khả năng vì bố có lương hưu, cộng thêm khoản dành dụm chút ít.
Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc người già, đặc biệt là người nằm liệt giường mới là vấn đề khiến tôi khổ tâm. Điều mệt nhất là người bệnh đôi lúc bị lẫn, nên thuê người chăm bệnh cũng khó. Đôi khi, tôi chứng kiến mẹ và người chăm sóc nói qua nói lại những vấn đề không đâu. Nhiều khi đi làm về mệt mỏi, tôi chỉ kịp nấu đồ ăn tối và ăn cùng bố mẹ, sau đó lại phải lên phòng lo cho các con. Chính vì thế, tôi thường xuyên cảm thấy tội lỗi vì những lúc không kiên nhẫn nghe bố mẹ nói, không tự tay bôi thuốc cho mẹ khi bà gọi (dù người chăm đã làm thay nhưng mẹ muốn tôi làm hơn).
Tôi rất hiểu và đồng cảm với những người con phải chăm sóc cha mẹ già yếu, bệnh tật. Nhìn cảnh bố mẹ bây giờ, tôi lại lo cho con mình sau này cũng vừa phải lo cho gia đình nhỏ của nó, lại phải chăm cả bố mẹ già. Nếu nó có kinh tế khá giả thì còn đỡ lo, chứ nếu không may con cũng khó khăn cơm áo gạo tiền thì đúng là “lực bất tòng tâm”. Nó có hiếu mà không lo được cho cha mẹ thì cũng càng đau lòng hơn.
Bước vào tuổi 40, tôi xác định mình cần phải sớm chuẩn bị tài chính và sức khỏe cho tuổi già. Bởi từ 35 tuổi trở đi, tôi đã thấy sức khỏe, thể chất đi xuống hẳn. Bệnh của tôi không phải nan y nhưng cứ tái đi tái lại, làm giảm chất lượng cuộc sống. Tôi sợ mình sau này cũng nằm một chỗ giống bố mẹ, rồi lại phiền đến con cháu. Đã không giúp được gì cho con, nay lại bắt chúng “hầu”, người làm mẹ như tôi thực sự không cam tâm.