Nhìn từ trên cao, khu vườn trên mái căn biệt thự bốn tầng của vợ chồng ông Dũng như một thửa ruộng bậc thang xanh mướt.
17h chiều, khi trời dần tắt nắng, vợ chồng ông Dũng, bà Cúc bắt đầu lên “khu vườn trên mây”, cùng thu hoạch rau xanh, rau thơm, thăm vườn, nhổ cỏ, kiểm tra hệ thống điện, nước… Những luống cải mọc sum suê, xanh mướt, ai nhìn cũng thích mắt.
“Mấy ngày nay, rau cải mọc dày, tươi tốt, sáng nào vợ tôi cũng lên thu hoạch vài rổ lớn rồi cắt gốc gọn gàng, gói ghém vào túi mang cho con, tặng bạn bè. Món quà sạch này còn quý hơn nhiều thịt, cá, hải sản”, ông Dũng kể.
Khu vườn của ông Dũng nằm trên mái căn biệt thự 4 tầng. Nhìn từ trên cao, khu vườn như thửa ruộng bậc thang xanh mướt.
Vợ chồng ông Phạm Quang Dũng (70 tuổi) và bà Trần Thị Cúc (67 tuổi) chuyển về căn biệt thự tại Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2018. Ông Dũng cho biết, từ những năm 1992-1993, khi gia đình sinh sống ở huyện, ông Dũng đã vác đất lên sân thượng trồng rau sạch, cây cảnh. Sau này, khi về Hà Nội, ông cũng mượn mảnh đất cạnh nhà, nơi hàng xóm chưa xây dựng để trồng thêm rau xanh.
“Với tôi, làm vườn là khoảng thời gian thư giãn, thể dục, giải tỏa áp lực cuộc sống. Vườn cũng cung cấp nguồn rau xanh tươi, ngon, an toàn cho gia đình”, ông nói.
Cũng theo ông Dũng, gia đình có trang trại rau sạch nằm cách trung tâm thành phố 40km. Tuy nhiên, mỗi tuần, ông bà chỉ có thể lấy rau từ trang trại về 1-2 lần và vẫn phải bảo quản tủ lạnh. “Rau đó sạch đấy nhưng khi bảo quản tủ lạnh vài ngày, rau không còn giữ được độ ngon và chất dinh dưỡng”, ông Dũng cho hay.
Năm 2023, khi chính thức về hưu, ông Dũng có nhiều thời gian hơn để dành cho đam mê trồng cây, làm vườn. Ông cho biết, khu đất mượn hàng xóm sớm muộn họ cũng tiến hành xây dựng. Để không “hụt hẫng vì mất nơi trồng rau”, ông tính tới phương án làm vườn trên mái.
“Khác với căn nhà phố trước đây tôi sống, căn biệt thự này thiết kế mái chéo, không có sân thượng. Khi tôi đề nghị kiến trúc sư thiết kế nhà thêm khu vực trồng rau xanh, anh ấy từ chối, sợ mất mỹ quan. Nhưng tôi không nghĩ vậy, thêm mảng xanh cho không gian sống là điều tất yếu, không thể xấu được”, ông Dũng nói.
Không muốn đập bỏ phần mái vì lãng phí, bụi bẩn, ông Dũng tính toán xây dựng khung sắt, thép, tạo thành hệ thống vườn cao – thấp phù hợp với kết cấu mái. Ông cẩn trọng gửi bản thiết kế, tính toán nguyên vật liệu để các kĩ sư xây dựng kiểm tra tính chịu lực, an toàn.
“Tháng 5/2023, tôi bắt đầu thuê thợ lắp đặt hệ thống khung thép. Thực hiện vào đúng thời gian cao điểm nắng nóng, vợ con tôi phản đối kịch liệt, thương bố vất vả, suốt ngày đầy nắng, bụi bẩn”, ông Dũng kể lại.
Khu vườn thiết kế dựa theo kết cấu mái nên tạo thành các tầng cao, thấp khác nhau, kết nối bằng cầu thang thép. Theo ông Dũng tính toán, lượng thép và các nguyên vật liệu làm vườn nặng hơn 10 tấn. Khu vườn có tổng diện tích 300m2, trong đó diện tích trồng cây là 170m2.
Vì gia đình chỉ có hai vợ chồng sinh sống, ông Dũng tham khảo mô hình “vườn lười” từ kĩ sư Hà Giang (Hà Đông, Hà Nội). Anh Giang từng gây sốt trên mạng xã hội với khu vườn 50m2 trên tầng thượng sum suê rau xanh, đa dạng trái cây, bể cá trăm con đủ loại, hơn trăm con lươn và một đàn gà đẻ trứng. Điểm đặc biệt của mô hình này là hệ thống tự động tưới nước, tự động làm phân hữu cơ, do đó tốn rất ít thời gian chăm sóc.
Tại khu vườn nhà ông Dũng, mỗi bồn trồng cây được thiết kế như một bồn kín nước, có lớp chống nóng và lớp nhựa ốp vân đá bên ngoài để tăng tính thẩm mỹ. Cấu tạo của bồn bao gồm: Một khoang chứa nước ở dưới cùng giúp giữ ẩm cho đất, sau đó đến lớp kết nối giữa khoang chứa nước và đất trồng.
Phần nước này sẽ ngấm dần từ dưới đáy bồn vào đất. Cách “tưới tự động” này cho phép mặt trên của bồn đất không quá ẩm ướt, úng nước mà luôn khô ráo, nhờ đó hạn chế nấm mốc, sâu bệnh. Đất trồng cây có nhiều thành phần hữu cơ như: Đất sạch, phân bò, phân gà, bã đậu, phân chim…, trộn theo tỷ lệ 4:1:1:1 (4 đất, 1 phân, 1 trấu, 1 xơ dừa).
Mô hình này giúp tiết kiệm nước, đồng thời với thiết kế đáy bồn chứa nước ngầm, các chất hữu cơ được giữ lại và thấm ngược vào đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây. Một hệ thống tưới phun sương tự động được lắp đặt trên mặt bồn rau để sử dụng trong những ngày nắng nóng cao điểm.
Khu vườn cũng thực hiện “làm đất tự động”. Tại mỗi bồn được đặt một chiếc thùng nhựa đã đục lỗ nhỏ xung quanh thân và đáy thùng, đồng thời thả giun trùn quế. Hàng ngày, gia đình sử dụng rác thải nhà bếp như vỏ củ quả để thả vào thùng. Sau khi ủ, rác phân hủy, ngấm ra ngoài, tạo thành thức ăn cho trùn quế. Loại phân này “tự động” làm đất thêm dinh dưỡng, tơi xốp.
“Từ vài chục năm trước tôi đã áp dụng việc sử dụng rác thải nhà bếp làm phân hữu cơ. Thế nhưng dù tìm hiểu nhiều cách, cho thêm các loại men vi sinh, phân vẫn có mùi hôi khó chịu. Khi áp dụng phương pháp của anh Giang thì hoàn toàn không còn mùi hôi”, ông Dũng cho hay.
Kĩ sư Hà Giang cho biết: “Điều đặc biệt của mô hình tuần hoàn này là đất trong hệ thống giàu dinh dưỡng, vi nấm, vi sinh nên cây khỏe mạnh và có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Hiện nay, nhiều gia đình đang áp dụng để có khu vườn tại nhà sạch, không tốn quá nhiều công chăm sóc”.
Hiện tại, ông Dũng đang thử nghiệm tại vườn các loại rau xanh ăn lá, rau thơm, vài giống hoa, cây dây leo. Sắp tới, ông sẽ trồng đa dạng hơn các loại dưa, củ quả, rau xanh và trồng nối vụ.
“Hai vợ chồng ăn lượng rau không đáng là bao nhưng làm vườn là thời gian để rèn luyện sức khỏe, tính kiên nhẫn và thư giãn đầu óc, tận hưởng niềm vui tuổi già”, ông Dũng cho biết.
- Nhìn vào mắt là nhận biết đứa trẻ thiên tài, có 3 đặc điểm này con thông minh vô cùng
- Bán nhà ở quê “gom” được hơn 2 tỷ mua chung cư nội thành, tôi lỗ to sau 3 năm: Ngay cả chốn để về cũng không còn
- Điểm mặt thương hiệu ô tô “uy tín” nhất: xe Nhật áp đảo xe Hàn và Đức
- Không hề mê tín: Trẻ sinh vào 2 tháng này, thông minh tài giỏi hơn người
- 5 lý do khiến trẻ hay bị ốm vặt, cha mẹ tuyệt đối cần lưu ý