Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
84 lượt xem

Quảng Bình: Cả xã đổi đời nhờ nuôi cá ‘đầu bẹp, lưng đen’, thu 250 tỷ đồng/năm

Người dân làng biển xã Ngư Thuỷ Bắc (huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) vươn lên thoát nghèo và trở nên giàu có nhờ tận dụng đất cát bỏ hoang để nuôi cá nước ngọt.

Người dân nơi đây bắt đầu tìm hướng đi mới bằng việc nuôi trồng thuỷ sản từ hơn chục năm trước, bởi trước đây việc đánh bắt thuỷ sản gần bờ cho thu nhập thấp và kinh tế bấp bênh. Trải qua thời gian thử nghiệm, học hỏi từ những địa phương khác, người dân nơi đây đã bắt đầu tìm hiểu và lựa chọn việc nuôi cá lóc trên cát làm kế sinh nhai.

Từ giữa những năm 2000 các mô hình nuôi cá lóc trên cát ở vùng biển Ngư Thủy Bắc đã xuất hiện, nhưng người dân chỉ nuôi nhỏ lẻ để phục vụ thực phẩm cho những buổi chợ quê trong vùng và các địa phương lân cận. Mãi đến sau này, khi đầu ra tương đối ổn định, kinh nghiệm nuôi cá được cải tiến giúp nhiều hộ dân ở xã đã mạnh dạn đào ao nuôi cá để có nguồn thu.

Đến năm 2010, sau thời gian tìm tòi học hỏi, vài hộ nuôi cá bắt đầu có hiệu quả, toàn xã Ngư Thủy Bắc cũng từ đó mà nhân rộng mô hình. Đến nay, toàn xã có gần 200 gia đình đào hồ nuôi cá lóc, trong đó có hàng chục hộ đầu tư phát triển nuôi 5 – 6 hồ với diện tích 100 – 300 m2 mỗi hồ.

Đào ao nuôi cá lóc là thành công lớn của xã Ngư Thủy Bắc khi chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân. Chi phí đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, đầu ra ổn định nên nuôi cá lóc cho thu nhập cao hơn hẳn so với đánh bắt thủy sản ven bờ. Nghề này cũng tận dụng được diện tích cát trắng vốn lâu nay bỏ hoang.

Việc nuôi cá lóc trên vùng đất cát tại xã Ngư Thủy Bắc có nhiều điểm thuận lợi khi chi phí đào ao, hồ rẻ, nguồn nước dồi dào. Cá lóc là loài ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn cá đánh bắt được sau mỗi chuyến đi biển, sau một thời gian nuôi cá lóc, nhận thấy việc nuôi cá lóc không quá khó, bên cạnh đó lợi nhuận lại cao hơn so với việc chăn nuôi các loại cá hay gia súc khác nên nhiều người quyết định đào ao lớn để nuôi, xem đây như nghề chính của gia đình.

Anh Trần Kim Phi (47 tuổi, thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc) – hộ dân điển hình trong mô hình nuôi cá lóc ở địa phương cho hay, trước đây, anh Phi đã tính đến việc nhân giống nuôi cá trê, tuy nhiên, thấy cá trê mất nhiều công chăm sóc nhưng lợi nhuận thấp, trong khi cá lóc phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường vùng biển Lệ Thủy nên anh chuyển sang nuôi cá lóc trên cát. Ban đầu, anh chỉ thả 3 ao cá lóc với tổng diện tích 240 m2.

Với vốn kiến thức và kinh nghiệm được tích luỹ qua thời gian, thấy đây là mô hình cho hiệu quả cao, anh Phi đã tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng khoai lang để mở rộng ao nuôi cá lóc. Khi đã nắm chắc kỹ thuật nuôi và thị trường tiêu thụ, anh chuyển từ nuôi cá lóc với nguồn thức ăn bằng cá biển sang nuôi bằng nguồn thức ăn công nghiệp.

Hiện nay, với 8 ao nuôi, sản lượng cá thịt đạt 100 tấn/năm đã mang về cho gia đình anh Phi khoản lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.

“Nuôi cá lóc trên cát có 2 kiểu, đào ao trên nền cát và lót bạt, mỗi vụ cá lóc sẽ kéo dài khoảng 4 – 5 tháng. Nuôi cá lóc trên cát quan trọng nhất là thời điểm mới thả giống, khoảng 3 tháng đầu phải thường xuyên kiểm tra bởi giai đoạn này cá dễ bị bệnɦ, sau đó thì có thể yên tâm hơn.

Chi phí ban đầu để nuôi mỗi hồ cá khoảng 20 – 30 triệu đồng, sau khi cá lớn, với giá khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg, sau khoảng 5 tháng, anh Phi thu hoạch được hơn 1 tấn cá lóc với lợi nhuận hơn 30 triệu đồng”, anh Phi giãi bày.

Được biết, sản lượng mỗi năm của toàn xã Ngư Thủy Bắc đạt khoảng 2.500 tấn cá, mang về cho xã nguồn thu khoảng 250 tỷ đồng.

Theo Đại đoàn kết

Bài viết cùng chủ đề: