Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
94 lượt xem

Phú Thọ: Thay đổi tư duy, hơn 500 hộ nông dân trở thành tỷ phú, có người thu 30 tỷ/năm

Nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, chuyển tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhờ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Phú Thọ.

Nhân tố thúc đẩy phát triển nông nghiệp chính là nông dân giỏi

Tại Phú Thọ, từ phong trào, đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc. Đây là những nhân tố tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương, hình thành một lớp nông dân đã có bước chuyển lớn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

“Tôi đang sở hữu hơn 200ha rừng trồng kết hợp với đàn bò hơn 200 con. Bình quân, mỗi năm mô hình kinh tế trang trại của tôi trừ chi phí cho thu nhập hơn 2 tỉ đồng. Riêng năm 2021 đạt hơn 4 tỉ đồng từ khai thác gỗ rừng và bò thịt, bò giống” – ông Đỗ Quốc Thuận (SN 1972, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn) là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, phấn khởi nói.

Theo ông Thuận, chính việc thay đổi tư duy từ làm nông nghiệp thuần túy sang mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, kết hợp trồng rừng, chăn nuôi là “chìa khóa” giúp ông trở thành nông dân tỉ phú. Bình thường, người dân trồng rừng keo từ 5 – 6 năm đã thu hoạch nhưng bản thân ông xác định, trồng từ 10-12 năm mới thu hoạch.

“Tôi xác định, trồng rừng gỗ nhỏ thì chỉ dùng làm gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy. Giá bán khoảng 1 triệu đồng/m3 gỗ, mà cứ hết 5 – 6 năm là phải dốc vốn liếng để đầu tư cho chu kỳ mới. Trong khi đó, trồng cây gỗ lớn để lấy gỗ xẻ phục vụ chế biến thì mình nuôi càng lâu, đường kính thân cây càng lớn càng được giá, bởi từ năm thứ 5 và năm thứ 8, cây rừng có sự sinh trưởng, phát triển mạnh.

Hiện tại, cây có đường kính từ 25 – 30cm bán được từ 2,3 – 2,5 triệu đồng/m3 gỗ, chưa kể chỉ đầu tư vốn, giống để trồng một lần nên giá trị kinh tế vừa cao hơn vừa góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường”, ông Thuận nói.

Trong quá trình phát triển sản xuất, mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của ông Thuận đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ, 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 7-7,5 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, ông Thuận đi đầu, tích cực ủng hộ hỗ trợ các hộ nghèo ở địa phương như xóa nhà tạm, đóng góp kinh phí hỗ trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, các hoạt động xã hội khác.

“Có thể khẳng định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân phát động, làm động lực cho tôi ngày càng có nhiều suy nghĩ, sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và xã hội; góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương” – ông Thuận cho biết thêm.

Xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân

Giai đoạn 2017-2022, ở Phú Thọ tổng số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 78.062 hộ. Trong đó, thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng có 70.096 hộ, từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có 6.424 hộ, từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng có 1.025 hộ, trên một tỷ đồng có 517 hộ, đặc biệt có hộ thu nhập đến 30 tỷ đồng/hộ/năm.

Anh Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1990, khu 3, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) là điển hình người nông dân dám nghĩ, dám làm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm sản mang lại giá trị kinh tế rất cao, với mô hình chế biến xuất khẩu đũa gỗ. Khi bắt tay vào sản xuất đũa, bản thân đã có suy nghĩ, hướng đi khác trong thị trường tiêu thụ sản phẩm.

“Tôi không tiêu thụ, phát triển thị trường trong nước mà xác định đầu ra cho sản phẩm đũa sản xuất của mình là xuất ngoại sang thị trường Nhật Bản.

Lúc bắt đầu, tôi gặp khó khăn về vốn, sự khuyên ngăn của gia đình. Nhưng trong bản thân luôn thôi thúc mình phải làm được nên đã vay mượn hơn 2 tỉ đầu tư dây chuyền sản xuất” – anh Ánh nói.

Hiện anh Ánh đã có cho mình 2 nhà xưởng hiện đại sản xuất đũa gỗ ở Phú Thọ và Tuyên Quang với 3 dây chuyền, hơn 100 công nhân. Mỗi tháng, anh Ánh xuất sang Nhật Bản khoảng 10 công đũa gỗ, mỗi một công là 5 triệu đôi đũa. Thu nhập sau khi trừ chi phí từ việc sản xuất gỗ đũa của anh Ánh đạt khoảng 2 tỉ đồng/năm.

Anh Lê Mạnh Cường (SN 1983, khu 6, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình đi đầu trong đầu tư máy móc, công nghệ mới vào phát triển kinh tế nông nghiệp đạt giá trị cao. Với mô hình trang trại tổng hợp (nuôi lợn, ba ba, trồng bưởi), gia đình anh thu lãi hơn 6 tỷ/năm sau khi trừ chi phí.

Từ những thành công trong việc phát triển kinh tế của gia đình, anh Cường thường xuyên chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con và giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Hiện anh đang nghiên cứu mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm.

“Để triển khai mô hình này, tôi sẽ đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ vi sinh, tạo ra nông sản an toàn, không gây ô nhiễm ra môi trường; từng bước đưa hình ảnh đặc trưng của mảnh đất Phú Thọ đến với du khách trong và ngoài nước” – anh Cường chia sẻ.

Bài viết cùng chủ đề: