Nhờ đổi mới quy mô và phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ cao hiện đại ông Hoàng Mạnh Ngọc (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) đạt doanh thu khủng hơn 50 tỷ/năm, dự kiến năm 2022 lên đến 100 tỷ đồng.
Trước khi đến với nghiệp chăn nuôi, ông Ngọc từng là giáo viên một trường cao đẳng chuyên ngành cơ khí, rồi đi xuất khẩu lao động ở Libya. Những nghề chẳng liên quan gì đến nông nghiệp, ấy vậy mà ông Ngọc lại thành công ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gà giống.
“Năm 2004, tôi làm thêm mảng sản xuất con giống gia cầm. Lúc đầu kinh doanh con giống chỉ có 3 máy ấp trứng với quy mô vài nghìn gà sinh sản, mỗi mẻ sản xuất vài nghìn con giống, tiêu thụ cho nhân dân quanh địa phương. Lúc bấy giờ, ở huyện Đông Anh này chưa có ai làm con giống nên bán rất chạy.
Từ năm 2015, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa của Nhà nước, rồi Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư, chăn nuôi sinh học công nghệ cao… tôi có đất dụng võ. Sau khi làm việc và đàm phán với khoảng 40 hộ dân, tôi dồn điền được 17.000m2 về đây mở trang trại chăn nuôi, sản xuất giống gia cầm.
Tôi có lợi thế hơn nhiều nông dân khác khi thường xuyên được giới thiệu đi dự các buổi toạ đàm, tập huấn, hội thảo. Qua đó, mình nắm bắt được những tiến bộ mới trong chăn nuôi cũng như chính sách hỗ trợ nông dân phát triển. Đầu năm 2018, Nghị định 57 của Chính phủ được ban hành, với những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tôi thành lập ngay Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng” – ông Ngọc kể một hồi.
Hiện nay, trang trại gà của ông Ngọc có 20.000 gà bố mẹ và 100 máy ấp trứng hoạt động hết công suất để cung cấp ra thị trường 40.000 giống gà thịt và 40.000 giống gà trứng. Khi gà nở ra đều được tiêm vaccin Marerk để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi.
Bí quyết để chiếm lĩnh được thị trường tốt
Thị trường con giống gia cầm cạnh tranh rất khốc liệt, có rất nhiều người làm. Muốn có chỗ đứng, có thị trường chỉ có bằng chất lượng tốt thôi.
Năm 2012 xuất hiện phóng sự “Tẩy trứng trắng”, phản ánh về việc trứng gà công nghiệp bị tẩy trắng. Nhiều người tiêu dùng hoang mang, tẩy chay trứng trắng; cứ thấy quả trứng gà nào màu trắng thì đều cho là bị tẩy, khiến dân chăn nuôi như chúng tôi lao đao.
Thời điểm đó, chúng tôi đang rất mạnh về giống gà đẻ trứng màu trắng. Con giống sản xuất ra không bán được, trang trại bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng nhưng chúng tôi vẫn phải cố nén đau thương.
Sau khi thay đổi phương thức chăn nuôi và nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, trang trại tiến hành thử nghiệm lai tạo giống gà Ai Cập với gà Pháp và đã thành công ngay cho ra sản phẩm trứng hồng rất đẹp và có chất lượng vượt trội.
Gà giống của chúng tôi làm ra không bao giờ bị ế. Bình quân, mỗi ngày công ty xuất ra thị trường 20.000 gà giống nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Để đặt mua gà giống, khách hàng phải đặt mua trước 15 ngày đến 1 tháng.
Thu nhập hiện nay tại trang trại gà
Chia sẻ về thu nhập hiện tại, ông Ngọc cho biết, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động kinh doanh đã khôi phục trở lại bình thường. Thời điểm này, giá con giống gà đang được giá, giống gà đẻ đang bán 21.000 đồng/con, gà thịt 15.000 đồng/con. Với xưởng ấp rộng 2.000m2 cùng khu vực chăn nuôi gà sinh sản rộng 15.000m2 có 35.000 gà bố mẹ kết hợp cùng 7 trang trại nuôi gia công vệ tinh có 170.000 gà bố mẹ nên doanh thu trang trại đạt 9 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên lợi nhuận vẫn còn bấp bênh, do đặc thù nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Như 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát, người chăn nuôi nói chung hay sản xuất con giống gia cầm nói riêng đều lao đao. Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, vận chuyển khó, nhu cầu thấp… dẫn đến doanh thu giảm mạnh còn lại 20-30%. Chỗ trứng ấp rồi không để ấp con giống nữa mà phải tìm cách bán trứng lộn. Còn số trứng chưa vào ấp thì bán trứng tươi thành trứng ăn, lỗ đến hàng chục tỷ.
Cách bảo vệ đàn gà trước những dịch bệnh
“Nuôi gà với quy mô lớn mà bị dịch thì coi như là lại hai bàn tay trắng. Đều đặn mỗi tháng, chúng tôi đều xét nghiệm máu cho gà một lần. Người có khi mấy năm nay chưa xét nghiệm (cười lớn). Việc xét nghiệm máu cho gà mỗi tháng để giám sát kháng thể, nếu kháng thể thấp thì tiêm bù vaccine.
Với phương châm không được để gà mắc bệnh nên tôi cũng là một trong những người đầu tiên ở Đông Anh xây dựng trại lạnh, trại lồng nuôi gà sinh sản và dây chuyền sản xuất gà giống đều áp dụng công nghệ khép kín. Tôi đã áp dụng công nghệ thông tin 4.0 vào các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn nước uống trong chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp.
Hệ thống cho gà ăn, uống được tự động hoá. Cần nhập số lượng cám cho gà ăn bao nhiêu, chỉ cần nhập trên máy điều khiển rồi bấm nút cái là xong. Ứng dụng 4.0, vừa tiết kiệm chi phí mà người nuôi rất nhàn. Đi đâu tôi cũng vẫn quản lý và điều hành công việc được” – ông chia sẻ.
Vì sao nuôi gà đẻ trứng đem ấp nở mà ông lại nhốt gà trống ở một dãy riêng, còn gà mái lại ở dãy trại lồng khác?
“Từ năm 2015 khi bắt đầu mới mở trại, tôi đã sang Trung Quốc học kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà. So với các nước tiên tiến trên thế giới, công nghệ này không còn mới, song với người chăn nuôi như tôi lúc bấy giờ thì đây là cái mới và hiệu quả.
Bình thường trong nuôi gà sinh sản phải ghép 8 – 10 gà mái với 1 gà trống, tỷ lệ trứng có phôi chỉ đạt khoảng 75 – 85%. Việc nuôi gà theo kiểu này rất tốn diện tích, công việc vệ sinh chuồng trại khó khăn và việc phòng dịch cũng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với việc thụ tinh nhân tạo, 1 gà trống có thể “phục vụ”được từ 30-40 gà mái, tỷ lệ trứng có phôi đạt 90-95%, tỷ lệ gà nở 85-90%, cao hơn hẳn so với cách gà tự phối giống tự nhiên.
Hơn nữa, khi áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà mình được quyền chọn lựa con trống. Con trống nào khoẻ mạnh, đẹp mã thì mới lựa chọn lấy tinh nên sẽ cho ra gà con đảm bảo chất lượng tốt cho bà con chăn nuôi.
Ngoài ra, khi áp dụng thụ tinh nhân tạo sẽ tạo được sự đồng loạt cho đàn gà mái cũng phối tinh một lúc tạo phản xạ cho đàn gà mái đẻ trứng đồng loạt vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm vừa đỡ nhân công khi đi thu trứng trong chuồng nuôi. Hàng ngày, cứ từ 13-17 giờ chiều, khoảng 4-5 lao động đi thụ tinh cho gà” – ông Ngọc thông tin.
Bí quyết để trang trại không có mùi hôi từ chất thải của gà
“Tôi đã ngày đêm mày mò, ngày đêm dùng nhiều sản phẩm ứng dụng và không biết bao thời gian “ăn, ngủ” tại chuồng nuôi để tìm ra chế phẩm men sinh học đặc biệt để xử lý môi trường cũng như chất thải đàn gà. Lượng phân gà thải ra đến đâu, trang trại xử lý triệt để đến đó. Nguồn phân khô này cũng được các đầu mối trang trại trồng trọt ở các địa phương đến tận trại mua hết nên môi trường chăn nuôi của chúng tôi rất đảm bảo” – ông nói.
Hai công nghệ thụ tinh nhân tạo và xử lý môi trường tôi luôn sẵn sàng tư vấn và chia sẻ với người chăn nuôi. Trong chăn nuôi phải tạo sự liên kết và tương trợ với nhau; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mới; cùng nhau xây dựng những người nông dân chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ thì nông nghiệp mới phát triển bền vững.
Dân Việt