Người già cô đơn, hiu quạnh, muốn “đi bước nữa” là nhu cầu chính đáng và không vi phạm pháp luật. Thế nhưng xã hội còn nhiều định kiến, đặc biệt chuyện con cái không đồng tình khiến các cụ buồn lòng.
Tôi từng đọc trên báo Vietnamnet một câu chuyện khá hay. Đó là tâm sự của một độc giả kể về chuyện ông nội đi lấy vợ. Cụ thể như sau: “Ông nội tôi sắp lấy vợ. Tin ấy khiến đại gia đình tôi nháo nhác. Ông sắp sang tuổi 75 rồi. Các bác, các chú của tôi phản đối.
“Bố bây giờ là ổn rồi, vui vầy với con cháu thôi. Lấy vợ làm gì”, bác cả nói. “Có khi nào ai đã lừa gạt ông cụ, rắp tâm muốn chiếm gia sản”, bác dâu tôi nói thêm. – “Tóm lại là già rồi, yên phận thôi, giờ làm đám cưới, hàng xóm láng giềng, con cái nó cười cho”.
Trong nhà, ông rất kiệm lời, nhất là từ khi bà nội mất, ông càng ít nói hơn. Ông chỉ nói rằng: “Đến bây giờ bố mới có thể sống cuộc đời của bố. Bố đã sống hơn 70 năm cho những người khác rồi. Các con không thể cổ vũ bố được sao?”. Bố mẹ tôi và bác cả ngồi đó, lặng đi. Sắc mặt của bác cả trông thiểu não.
Sau đó, cuộc nói chuyện vẫn còn dài, bác tôi vẫn ngồi phân tích thêm rất nhiều điều đạo đức khác nữa, nhưng ông nội chỉ ngồi rung đùi, thỉnh thoảng đưa tay chống cằm, ông nhìn ra sân. Ông bảo cuối tuần này sẽ dẫn “vợ sắp cưới” về ra mắt con cháu.
Ông muốn hôm đó, ba người con của ông cùng năm đứa cháu, một đứa chắt của ông có mặt. Ông muốn gia đình chúng tôi gặp gỡ và chào đón bà. Rồi ông nội tôi đưa bà về. Khi hai ông bà vừa bước xuống khỏi xe taxi, cả nhà tôi có lẽ được phen sững sờ, vì bà đẹp quá. Bà mỉm cười chào cả nhà tôi, tiếng chào nhẹ bẫng, hơi khàn nhưng vẫn rất rõ ràng.
Bà kém ông tôi có hai, ba tuổi mà trông như chưa đến 70. Ông nắm tay dắt bà vào nhà, hai người đi bên cạnh nhau thực sự rất hài hòa. Bà đã kể cho gia đình tôi về mối tình đầu và cũng là mối tình duy nhất của cuộc đời bà. Ông chính là người ấy.
Ông bà quen nhau khi là sinh viên. Hai người đã ở bên nhau rất lâu nhưng sau đó ông phải đi bộ đội và bà ở lại trường đại học vẫn đợi chờ ông. Một năm sau ngày ông đi thì hai ông bà mất tin tức hoàn toàn. Bà theo gia đình vào Sài Gòn.
Cho tới một lần khi thấy ông trên tivi trong buổi lễ biểu dương, nhìn khuôn mặt ông sau 40 năm, bà lờ mờ đoán nhưng không dám tin. Chỉ đến khi nghe thấy tên ông, bà mới tin ông vẫn còn sống. Từ lúc ấy, bà đã tìm cách liên lạc với ông. Vừa gặp lại, ông đã nhận ra bà. Tình yêu và dấu chấm hỏi về sự mất kết nối giữa hai người, bỗng dưng vỡ òa. Ông đã xin được cưới bà.
Lúc còn một mình ông trong phòng làm việc, tôi mới hỏi ông: “Bà nội có biết ông luôn yêu một người khác không?”. Ông gật đầu, mỉm cười “Bà nội con là một người mà ông luôn biết ơn. Bà đã gánh vác mọi việc để ông lo cho sự nghiệp. Bà biết ông luôn canh cánh bên mình một tình yêu đã mất. Ông cũng đã sống với bà vẹn nghĩa vẹn tình. Có lẽ, đám cưới này, bà cũng sẽ hiểu cho ông”.
Thật là một câu chuyện có hậu và vô cùng đẹp đẽ, bởi sau tất cả, tình yêu lỡ dỡ thời thanh xuân nay đã được hồi đáp, hai ông bà đã về được với nhau. Con cái lúc đầu tuy có phản đối, nhưng dần dần họ cũng phải chấp nhận. Những định kiến cổ hủ, những lời móc mỉa của xóm làng, đâu quan trọng bằng hạnh phúc của mẹ cha.
Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng được như thế, với quan niệm “nước mắt chảy xuôi”, con cái thường chỉ quan tâm đến gia đình nhỏ của mình, ít để ý đến nỗi niềm của bậc sinh thành. Khi đó, người già sẽ nghĩ đến việc “đi bước nữa” để có người tâm sự, chăm sóc nhau lúc tuổi già, sức yếu.
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của con cái, chuyện mẹ cha đi thêm bước nữa khi tuổi đã cao là trái với thuần phong mỹ tục, là phản cảm và lố lăng. Một số khác thì lo sợ người mẹ kế hoặc dượng kế tương lai có mưu đồ không chính đáng, ví như rắp tâm muốn lấy tài sản của gia đình. Họ phản đối khi người lạ bước vào nhà, họ lo sợ gia đình một lần nữa sẽ tan vỡ.
Nhiều người cho rằng nếu người cao tuổi kết hôn nghĩa là người đó còn ham hố chuyện TD, chăn gối, nhưng không hẳn như vậy. Nhu cầu có bạn già rất quan trọng, bởi nỗi sợ lớn nhất của người cao tuổi là bị bỏ rơi, bị cô đơn.
Chính vì vậy, không có gì tuyệt vời hơn nếu người già có bạn tâm tình vào những năm tháng cuối đời, và con cháu cũng không được coi thường, không nói nặng lời, không phản đối kịch liệt hay hỗn hào khi nghe cha hay mẹ góa bụa của mình muốn đi bước nữa, bởi điều ấy không phạm luật, không vi phạm đạo đức hay văn hóa.
Nếu thấy hai cụ còn khỏe, “xứng lứa vừa đôi” thì hãy tác thành cho họ nên vợ nên chồng bởi không có liều thuốc trường xuân nào dành cho các cụ quý hơn tình yêu.