Khoảng cách chênh lệch giữa hai bên không chỉ là tiền mừng cưới, mà còn là tình thương ông bà, bảo sao con gái, cháu ngoại không tủi hờn.
Dù nói thương con cháu như nhau nhưng sự thiên vị giữa cháu nội và cháu ngoại thì khó tránh khỏi. Chuyện này cũng khó trách ông bà nhưng cũng có lúc khiến con gái, con rể và cháu ngoại chạnh lòng. Còn nói những lời dễ gây tủi thân như cháu nội mới là cháu mình, mang họ mình, cháu ngoại mang họ người ta. Nghe thấy thật sự rất buồn ạ.
Một số gia đình giữa cháu nội và cháu ngoại thì hay thương cháu ngoại, vì họ thương con gái. Nhưng trường hợp thấy nhiều hơn vẫn là cưng chiều cháu nội, lạnh nhạt cháu ngoại. Cũng dễ hiểu, theo ông bà xưa thì cháu nội sẽ lo hương khói tổ tiên sau này. Còn cháu ngoại là cháu nhà người ta, vì con gái gả đi, cháu cũng mang họ nhà người ta mất rồi.
Chung quy là cháu nội mình thì mình thương, cháu ngoại thì đã có bên nội nó lo rồi. Cho nên mới dẫn đến chuyện thiên vị từ bé đến lớn, khiến con gái, cháu ngoại đều hờn tủi. Một chị có đăng lên mạng câu chuyện của mình, em thấy chắc cũng một số nhà chung cảnh mà không dám nói.
Thôi coi như xem chuyện người, ngẫm chuyện mình vậy. Cũng mong mọi người xem xong thì thay đổi cách đối xử với cháu nội, cháu ngoại sao cho hợp lý hơn. Em sẽ tóm gọn câu chuyện ở đây cho các mẹ cùng san sẻ ạ.
Người mẹ kể mình có hai con, một trai, một gái. Hè đến, chị hay đưa các con về bên nhà ngoại chơi với ông bà. Các con chị lúc đầu thích lắm, dần dần lại có thái độ không thích mỗi khi nhắc đến chuyện về thăm ông bà ngoại. Nguyên nhân được con chị nói là do bà ngoại kỳ lắm.
Mỗi lần về, con hay bắt gặp bà ngoại cứ gọi riêng anh chị họ (con của bác trai) vào bếp. Sau đó, bà dúi vào tay các anh chị đó mấy món ngon như cái bánh, đùi gà và bảo mau ăn đi, không cần gọi hai đứa kia vào. Các con chị dần dần cũng đủ lớn và nhận ra là ông bà thích cháu nội hơn.
Sau đó, con gái chị và con gái của anh trai chị đều đậu cấp 3, ông bà thưởng con chị 200 nghìn, cháu gái nội 1.000.000 đồng. Nhưng điều khiến chị bức xúc thật sự là mới đây, con trai chị và con trai anh cả cùng cưới vợ. Ông bà gửi tiền mừng, cháu ngoại chỉ được 2 triệu còn cháu nội được tận 30 triệu đồng.
Các cháu ngoại đã quen với sự thiên vị này nhưng chị lại thấy bức xúc, ấm ức. Theo quan điểm của chị, từ trước đến giờ, là con gái nên chị chăm cha mẹ rất kỹ, chăm sóc lúc ốm đau, nằm viện. Chị dù gả đi rồi nhưng vẫn rất chăm lo nhà ngoại. Thường xuyên gửi tiền về, lo lắng cha mẹ chẳng kém gì anh trai.
Cứ tưởng nếu mình hết lòng hiếu thảo thì ông bà cũng sẽ không phân biệt con gái, con trai, cháu nội, cháu ngoại. Ai ngờ lại vẫn có sự khác biệt đến như vậy. Đến chồng chị, con rể của ông bà cũng thấy tức giận, lắc đầu bảo: “Lạnh lòng quá, còn chưa được phân nửa với cháu nội”.
Hai vợ chồng giận không phải vì ông bà cho con họ tiền mừng quá ít so với cháu nội. Mà họ giận vì thái độ, khoảng cách tình thương giữa hai bên là quá lớn.
Sau khi chị chia sẻ, cũng có người vào khuyên bảo chị nên nghĩ thoáng hơn. Suy cho cùng, tiền mừng của ông bà do quyền ông bà quyết định. Ông bà cho cháu thì cứ xem đó là lời chúc phúc của ông bà. Dù gì đó cũng là cha mẹ của chị, có tức giận đến mấy thì cũng không thể cắt đứt tình thân được.
Nhiều người cũng cho rằng ngay cả các con ruột còn có đứa thương ít, đứa thương nhiều. Vậy thì rất khó để ông bà thương các cháu như nhau. Cứ phải so đo thì chỉ làm bản thân tổn thương mà thôi.
Cũng có người đồng cảm với chị, thể hiện thái độ khó chịu. Người đó cho rằng ông bà không nên thiên vị cháu nội cháu ngoại. Không chỉ con gái, con rể thấy khó chịu mà cuộc sống vô thường, ông bà nên chừa đường lui. Biết đâu một ngày nào đó, khi về già, ông bà lại phải trông cậy vào con gái, cháu ngoại.
Thương cháu nội hay cháu ngoại là quyền chọn lựa của ông bà. Bổn phận con cháu là làm trọn hiếu phận. Nói không suy nghĩ, không buồn thì không đúng nhưng cũng không thể hờn giận, căm ghét ông bà được.