Mỗi ngày, trang trại anh Nguyễn Hữu Thắng cung cấp cho thị trường gần 4.000 quả trứng gà. Cũng đều đặn, hàng ngày, ông chủ trẻ thu 10 triệu đồng từ tiền bán trứng.
Khởi nghiệp với món nợ tiền tỷ
“Anh Thắng là người đầu tiên đưa giống gà ác từ miền Nam về nuôi thành công ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Bước đầu mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế hơn hẳn các trại nuôi giống gà địa phương” – lời giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc khiến chúng tôi tò mò, tìm đến trang trại gà của ông chủ 9X.
Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thắng (30 tuổi, ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc) đang đóng, kiểm tra từng thùng trứng trước khi xuất đi. Trứng gà ác nhỏ, chỉ nhỉnh hơn nửa trứng gà thường, được đóng cẩn thận vào hộp giấy, 50 quả/hộp.
Ôm nợ hơn 1 tỷ đồng từ thất bại nuôi lợn, anh Nguyễn Hữu Thắng liều khởi nghiệp bằng giống gà ác phương Nam.
“Hiện số lượng trứng của trại nhà tôi chỉ đáp ứng được gần một nửa nhu cầu”, anh Thắng chia sẻ.
Để đi đến quyết định đưa giống gà ác từ miền Nam về nuôi là những ngày “cân não” của Thắng, bởi thời điểm đó anh vừa thất bại trong kế hoạch khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi lợn. Thiếu kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, lại vướng dịch bệnh, đàn lợn chết dần chết mòn, khiến anh Thắng ôm nợ hơn 1 tỷ đồng.
Sau thời gian nghiền ngẫm, nghiên cứu, anh Thắng quyết liều khởi nghiệp lần 2. “Phải nuôi con gì mà thị trường ở đây chưa có, như thế mới giảm được sức cạnh tranh trong tiêu thụ, đổi lại, độ rủi ro khá cao do phải tìm kiếm thị trường. Tôi chọn nuôi gà ác lấy trứng vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong mỗi quả trứng cao gấp đôi trứng thường, “cửa” tiêu thụ và giá trị kinh tế cũng rộng hơn. May mắn là bố mẹ hai bên và vợ ủng hộ nên tôi vững tâm dấn bước”, anh Thắng chi sẻ.
Loài gà ác phương Nam với đặc tính lông trắng, thịt đen, hiếu chiến, có hàm lượng chất dinh dưỡng trong từng quả trứng vượt trội.
Sau khi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, anh Thắng nhập đàn gà giống đầu tiên về. Đó là một ngày giáp Tết năm 2022, Nghệ An lạnh cắt da cắt thịt. Từ Long An, gà giống vừa nở tròn một ngày được đóng thùng, đưa lên máy bay vận chuyển về Nghệ An.
“3 đơn vị chuồng, 3 vạn con giống, hệ thống đèn sưởi, giàn mát… tổng đầu tư xấp xỉ 10 tỷ đồng, trong đó quá nửa là tiền vay ngân hàng. Bắt đầu từ con số 0, sau 7 tháng mất ăn mất ngủ thì lứa gà đầu tiên đẻ trứng. Cầm quả trứng bé xíu chỉ nhỉnh hơn nửa quả trứng gà thường mà tôi sướng rơn”, anh Thắng kể.
Hiện mỗi ngày trang trại xuất 3.500-4.000 quả trứng, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thị trường.
Gà ngủ máy lạnh, nghe nhạc thư giãn
“Gọi là gà ác vì loại gà này rất hung dữ và hiếu chiến. Chúng thường mổ đồng loại tứa máu, rồi mổ vỡ trứng vừa đẻ ra. Chưa kể, loại gà này nhỏ, con trưởng thành chỉ tầm hơn 1kg, ở Nghệ An chưa có loại chuồng riêng, phải sử dụng chuồng thường nên ban đầu, gà rơi, kẹt giữa các thanh sắt… làm tỉ lệ hao hụt đàn lên tới gần 20%”, anh Thắng cho biết.
Hệ thống giàn mát phun sương từ bên ngoài là bí quyết để giúp ổn định nền nhiệt trong chuồng từ 20-28 độ C, thấp hơn nền nhiệt bên ngoài khoảng 10 độ.
Do có nguồn gốc từ phương Nam nên khả năng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt nơi miền Trung của loài gà ác kém. Mùa rét, trang trại phải sử dùng hệ thống đèn sưởi, mùa nóng, hệ thống quạt làm mát chạy suốt ngày đêm, kết hợp phun tưới bên ngoài chuồng để giảm nhiệt. Với hệ thống làm mát này, nhiệt độ trong chuồng luôn được duy trì từ 22-28 độ C, thấp hơn từ 10-12 độ so với bên ngoài.
Anh Thắng còn cho lắp đặt hệ thống âm thanh, phát nhạc suốt ngày như một liệu pháp giúp gà ổn định tâm lý, trung hòa tính “máu chiến” của loài gà này.
Với hệ thống giàn mát và âm thanh, anh Thắng giải quyết được 2 vấn đề dẫn tới tỉ lệ hao hụt đàn lớn là nhiệt độ môi trường và tính hiếu chiến của loài gà ác.
Đây cũng là giống gà “khó tính”. Bởi vậy, việc chăn nuôi phải tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, từ kiểm soát chất lượng đầu vào, thức ăn, môi trường và vaccine phòng bệnh. Để đáp ứng quy trình này, anh Thắng phải thuê thêm 2 kỹ thuật và 2 nhân công để hỗ trợ chăm sóc đàn gà.
Sau 7 tháng chăm sóc, đàn gà đã cho thu hoạch trứng. Thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày trang trại thu 3.500-4.000 quả trứng. Với mức giá 3.000 đồng/quả, mỗi ngày, ông chủ trang trại gà ác trẻ tuổi thu trên dưới 10 triệu đồng, chưa kể tiền bán phân gà.
Hiện trang trại của anh Thắng giải quyết việc làm cho 4 lao động. Trong ảnh là chị Nguyễn Thị Thủy, người chịu trách nhiệm cho gà ăn, xử lý vết thương do gà mổ nhau và thu hoạch trứng.
Tuy nhiên, theo anh Thắng, đây là mức giá thăm dò, trợ giá để xâm nhập thị trường. Thực tế, chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh lớn nên giá bán này mới chỉ hòa vốn, chưa có lãi. Khi đã có chỗ đứng ổn định, cùng với việc được công nhận, cấp chứng chỉ OCOOP, giá bán trứng sẽ là 3.500 đồng đối với loại vừa, với trứng hai lòng đỏ thì giá sẽ khoảng 4.000-5.000 đồng/quả.
“Số trứng này chủ yếu được nhập ra Thanh Hóa, Ninh Bình và một số thị trường phía Bắc. Riêng thị trường Thanh Hóa, nhu cầu tiêu thụ là 30.000-40.000 quả trứng/tuần, trang trại chỉ mới đáp ứng được một phần. Trong thời gian tới, trang trại có thể cung ứng cho thị trường khoảng 9.000 quả trứng/ngày”, anh Thắng cho hay. Từ hiệu quả khả quan ban đầu, anh Thắng đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi.
Ông chủ trẻ này cho rằng nuôi gà ác vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chưa chủ động được con giống cũng như mở rộng thị trường đầu ra để hướng tới đưa loại trứng giàu hàm lượng chất dinh dưỡng này vào hệ thống siêu thị hay các chuỗi cung ứng lớn.