Lao mình vào cơn “sốt” đất, không tìm hiểu thị trường rất nhiều người đã phải trả giá đắt, điêu đứng đến phá sản, trở thành con nợ phải bán nhà trả lãi nhiều năm trời.
Lâu nay, bất động sản (BĐS) luôn được coi là kênh đầu tư hấp dẫn, con đường làm giàu của không ít đại gia nhờ giá trị siêu lợi nhuận mang lại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng.
Lao mình vào cơn “sốt” đất, không tìm hiểu thị trường rất nhiều người đã phải trả giá đắt, điêu đứng đến phá sản, trở thành con nợ phải bán nhà trả lãi nhiều năm trời.
Lao mình đầu tư trong cơn “sốt” đất 2011
Câu chuyện của anh Minh Hưng (43 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Cách đây 2 tháng, anh Hưng mới trả xong số tiền vay nợ lên tới cả tỷ đồng khi liều mình đầu tư trong cơn sốt đất năm 2011.
Nhắc lại câu chuyện kinh doanh của mình, anh Minh xót xa cho biết đây là bài học quá đắt giá không thể quên cho bản thân và gia đình.
Vợ chồng anh Minh đều là nhân viên kinh doanh cho một tập đoàn công nghệ của nước ngoài với thu nhập ổn định, đủ chi tiêu, du lịch và vẫn dư 1 khoản tiết kiệm hàng tháng.
Năm 2011, thị trường BĐS ở Hà Nội sôi động hơn bao giờ hết. Giá đất, nhà ở các khu vực vùng ven tăng chóng mặt từ 30-40%, thậm chí một số nơi như: Đông Anh, Gia Lâm… tăng đến 200% so với hồi đầu năm 2010. Nhà nhà, người người có tiền đều đổ dồn đầu tư vào BĐS.
Vào cuối tuần, các khu vực vùng ven Hà Nội luôn chứng kiến cảnh tượng sôi động, nhộn nhịp với hàng đoàn xe nối đuôi nhau đi xem đất, xem nhà.
“Thời điểm đó, tôi chứng kiến những người bạn của mình thu lãi vài trăm triệu chỉ trong 1 tháng ngắn ngủi mua đi, bán lại đầu tư đất. Thậm chí, người hàng xóm của tôi còn sắm được ô tô, có tiền tiết kiệm rủng rỉnh khi “trúng” lớn đầu tư đất ở Đông Anh – Hà Nội”, anh Hưng kể.
Anh Hưng cho biết, nhiều người bạn của mình giàu lên nhanh chóng chỉ sau vài tháng mua đi bán lại trong cơn “sốt” đất năm 2011.
Những trường hợp giàu lên nhanh chóng nhờ đầu tư đất khiến anh Hưng “đứng ngồi không yên”. Để dành được 600 triệu đồng tiền tiết kiệm, anh nôn nóng về bàn với vợ vay thêm tiền người quen, thử đầu tư bất động sản.
Chưa có kinh nghiệm, cũng như không am hiểu thị trường nhưng người đàn ông này lại quá chủ quan, chỉ tin vào lời môi giới của các “cò” đất.
Tháng 3 năm 2011, vay nóng thêm được 100 triệu đồng, anh Hưng “chốt” luôn mảnh đất ở khu vực Thạch Bích (Thanh Oai, Hà Nội) với giá 15 triệu đồng/m2. Với diện tích 47m2, hoàn thiện các thủ tục, số tiền anh Hưng phải bỏ ra là 700 triệu đồng.
“Mảnh đất đó nằm trong làng, chưa có sổ đỏ, mặt đường chỉ khoảng 3m, ô tô nhỏ mới đi vào được. Tuy vị thế không đẹp, nhưng với số tiền 700 triệu đồng khi đó, người môi giới đất khuyên tôi nên lấy mảnh này là lựa chọn hợp lý nhất, kiểu gì đến cuối năm cũng phải tăng được 3-4 giá, dễ dàng bỏ túi tiền lãi cả trăm triệu đồng”, anh Hưng kể.
Thời điểm đó, cơn sốt đất vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ 1 tháng sau mảnh đất ở Thanh Oai của anh Hưng đã có người trả giá 17 triệu đồng/m2. Tuy nhiên nghe theo lời “cò”, giá còn tiếp tục tăng nữa, chưa thể “lên đ***” nên anh Hưng tiếp tục chờ.
Thấy việc đầu tư đất có vẻ dễ dàng, người đàn ông này quyết định liều mình vay tiền hai bên nội ngoại 800 triệu đồng, đồng thời cắm sổ đỏ căn nhà đang ở vay lãi ngân hàng thêm 600 triệu đồng mua mảnh đất rộng gần 40m2 với giá 35 triệu đồng/m2 ở Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội).
“Tôi chỉ định đầu tư lướt sóng, được 2-3 giá chênh là bán kiếm lời chứ không định “ôm lâu” nên mới tính toán chấp nhận vay lãi như vậy”, anh Hưng phân tích.
Trả giá đắt sau khi “ôm mộng” làm giàu nhờ đất
Tuy nhiên, chỉ đến tháng 5-6 thị trường bất động sản ở Hà Nội đã đi theo chiều ngang, giá đất đứng yên.
Tiếp đó, đến tháng 9/2011 thì “lao dốc” tự do, giá giảm từ 20-60%, giao dịch trên thị trường không có. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu “tháo chạy” ào ào khỏi thị trường, cắt lỗ, bán dưới giá gốc để mong thu hồi vốn nhưng giao dịch vẫn vô cùng ảm đạm.
Bản thân anh Hưng lúc này như “ngồi trên đống lửa”, rao bán khắp nơi vẫn không có ai mua, tiền lãi ngân hàng thì vẫn phải trả đều đặn.
“Khoảng thời gian đó vô cùng khó khăn, vợ tôi chì chiết, anh em thì thúc giục tiền trả nợ, trong nhà lúc nào cũng lục đục, không yên. Giai đoạn căng thẳng nhất, vợ chồng tôi thậm chí đã ly thân.
May mắn là bố tôi có khoản tiết kiệm tiền dưỡng già nhờ bán trang trại trồng keo ở quê trước đó, nên dồn tiền cho tôi vay trả nợ ngân hàng để không phải bán căn nhà đang ở”, anh Hưng kể.
Năm 2012, anh Hưng chấp nhận bán “cắt lỗ” mảnh đất ở Đông Anh với giá còn 20 triệu đồng/m2 vì lo sợ giá có thể giảm sâu nữa. Như vậy, chỉ sau vài tháng anh Hưng lỗ mất 700 triệu đồng.
Riêng mảnh đất ở Thanh Oai (Hà Nội) thì đến tận đầu năm 2020, anh Hưng mới bán được với giá 7 triệu đồng/m2, chấp nhận lỗ 400 triệu đồng.
Ôm tham vọng làm giàu nhanh chóng nhờ BĐS nhưng sau 2 lần đầu tư thất bại, anh Hưng quả quyết sẽ không tham gia vào lĩnh vực này nữa.
“Nhìn thì dễ nhưng đầu tư lĩnh vực gì cũng phải có kiến thức, am hiểu thị trường. Tôi thừa nhận bản thân mình đã quá nôn nóng nên phải trả giá đắt. Không chỉ mất tiền mà còn khiến cuộc sống bị đảo lộn, gia đình lục đục, công việc cũng giậm chân tại chỗ. Suốt những năm qua vì khoản nợ mua đất mà cả nhà tôi ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, con cái cũng không được đầu tư học hành tử tế”, anh Hưng nói.
Trước đó, trả lời Dân trí chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, không ít nhà đầu tư “nhảy” vào bất động sản trong tâm thế, suy nghĩ “mua đất không bao giờ lỗ, rồi thì nó cũng lên giá”, dẫn đến trả giá đắt.
Bằng quan sát cùng những kinh nghiệm thực tế, ông Hiển phân tích, với nhà đầu tư an toàn, lâu dài thì không nên mua lúc giá đang sốt, mà chọn mua lúc tình hình đã yên ắng, giá đã rớt hoặc đi ngang trong 1, 2 năm.
Chuyên gia này cũng lưu ý, việc đầu tư đất không thể lao mình theo số đông, mù mờ mà cần phải tìm hiểu thông tin, am hiểu thị trường.
“Nếu mua đất đúng thời điểm, là lúc giá còn thấp nhưng chuẩn bị tăng thì người mua sẽ đạt lợi nhuận lớn.
Thứ hai, nếu mua chệch thời điểm mà nhà đầu tư có phải vay từ 50% – 70% thì nguy cơ mất trắng vì không thể trả ngân hàng là rất cao. Nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ, phá sản vì mua nhầm thời điểm và dùng đòn bẩy tài chính cao. Cuối cùng, nếu mua giá đáy, tức là giá đã rớt 1, 2 năm và không có dấu hiệu rớt tiếp cộng thêm việc dùng vốn của mình thì khá an toàn và khả năng lợi nhuận là cao”, ông Hiển nhìn nhận.