Theo quy định tại Luật đường sắt, các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt bị nghiêm cấm.
Đỗ ô tô vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt
Khoảng 17h30 ngày 5/6, phía trước số nhà 5 ngõ 104 đường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn do tài xế ô tô đỗ xe lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt.
Thời điểm xảy ra tai nạn, anh Đ.T.N. (39 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đỗ ô tô mang BKS 30K- 200.XX sát mép đường ray. Lúc này, tàu hàng có số hiệu 3604 chạy đến, hất văng ô tô ra xa khoảng 10m.
Theo đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, khi phát hiện ô tô đỗ quá sát đường ray, lái tàu đã cố gắng hãm phanh nhưng không kịp. Vụ việc không có thiệt hại về người, ô tô bị hư hỏng nặng phần đầu.
Ngày 30/6/2023 cũng tại đoạn đường sắt đi qua Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) đã xảy ra sự việc tương tự, khi ô tô mang BKS 30E- 282.XX đỗ quá sát đường ray và bị tàu hỏa đâm hư hỏng.
Hay như vụ việc tại đường Trần Khánh Dư (TP Hải Phòng), vào cuối tháng 10/2022, một nữ tài xế điều khiển ô tô mang BKS 30E- 172.XX đỗ sát mép ray đường sắt, lái tàu đã phải phanh khẩn cấp để tránh va chạm.
Đỗ xe vào hành lang an toàn đường sắt sẽ bị xử phạt
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt thì hành lang an toàn đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ đường sắt, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.
Theo đó, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định như sau:
Đường sắt tốc độ cao: Trong khu vực đô thị là 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m. Đối với đường sắt tốc độ cao, phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép;
Đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3m.
Tại khoản 2 Điều 9 Luật đường sắt có hiệu lực ngày 16/6/2017 quy định, nghiêm cấm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
Khi vi phạm các điều này sẽ bị xử lý theo Nghị định 100/2019/NĐ- CP. Điểm h khoản 2 và điều 6 Nghị định quy định, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm các lỗi: dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.
Còn tại điểm d Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm: dừng xe , đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.
- Nếu bạn sở hữu 7 tư duy kiếm tiền này, xem như đã nắm trong tay 90% cơ hội giàu có
- Người dùng Việt nói gì về thông số VinFast VF6, VF7 mới công bố?
- "Đua nhau" cho con học chữ trước khi vào lớp 1: Ai làm khổ ai?
- Đào tạo lái xe trên cabin, học viên lo lắng, Trung tâm “ngồi trên đống lửa”
- Lâm Đồng: Khởi nghiệp chỉ với 10 triệu đồng, chàng trai trẻ giờ thu về nửa tỷ đồng