Không ít người chấp nhận thế chấp tài sản, vay lãi để có tiền xây nhà cao, cửa rộng. Số khác cho rằng không nên dùng tất cả số tiền đang có để đầu tư cho nhà cửa.
Xây nhà để thể hiện bản thân
Nga Nguyễn (29 tuổi, Vĩnh Phúc), dành 80% số tiền tiết kiệm được kể từ khi tốt nghiệp đại học (khoảng 400 triệu đồng) để cùng cha mẹ xây căn nhà dưới quê. Nga từng có ý định gửi toàn bộ số tiền ấy cho bố mẹ.
Tuy nhiên, cô được lời khuyên từ bạn bè rằng con gái tuổi này nên có chút tiền phòng thân. Sau này Nga cũng không có ý định về quê ở với bố mẹ. Xây nhà to với mục đích khi nào kết hôn, lễ cưới của cô được tổ chức trong căn nhà khang trang, rộng rãi.
Cuối cùng cũng đến ngày khánh thành nhà mới. Nga Nguyễn cho biết có lẽ người vui nhất trong nhà là bố cô. Nga và mẹ cảm thấy khá nặng nề bởi từ nay về sau, bố mẹ cô sẽ phải sống trong cảnh “làm được bao nhiêu chỉ đủ trả lãi ngân hàng”.
Nga cho rằng tình trạng nhà cô không hiếm gặp. Ngày nay, xã hội phát triển, không ít người không còn tư tưởng nhìn vào vật chất của ai đó để kết luận bất cứ điều gì. Tuy nhiên, vẫn có không ít người theo quan niệm nặng nề của cải, vật chất, vẫn muốn nhà cao, cửa rộng và chấp nhận thế chấp tài sản để có cái nhà bằng bạn, bằng bè.
Nga tâm sự vì là phận làm con, cô không phản đối gay gắt quyết định xây lại nhà mới khi đã ngoài 50 tuổi của bố mẹ. Dù sao, mục đích của việc xây nhà cũng để phục vụ cho việc kết hôn của cô trong năm tới. Tuy nhiên, bản thân Nga không mấy vui vẻ khi thấy bố mẹ xây nhà vượt quá khả năng tài chính.
“Sau này, tôi tự hứa với mình sẽ chỉ mua nhà trong đúng khả năng. Cố quá những gì mình có khiến cuộc sống rất mệt mỏi”, Nga tâm sự.
Chỉ nên xây nhà phù hợp với điều kiện tài chính
Bà Nguyễn Huyền (51 tuổi, Thanh Hóa) là chủ một tiệm may có tiếng ở địa phương. Nhiều năm qua, khách hàng của bà vẫn thắc mắc tại sao có thu nhập tốt, lượng khách hàng đông nhưng bà vẫn ở trong căn nhà 2 tầng được xây cách đây gần 20 năm.
Nói về quan điểm xây nhà to, đẹp, bà Huyền cho rằng nhà đẹp thì ai cũng muốn. Tuy nhiên, hãy xây nhà to, rộng khi cần thiết và trong khả năng tài chính. Hiện tại, hai con của bà Huyền đã lớn, đều học tập và sinh sống ở Hà Nội. Ngôi nhà hai tầng này đã đủ rộng để chị và chồng sinh hoạt. Do vậy, bà không có nhu cầu xây nhà mới để thể hiện điều gì.
Bà Huyền và chồng không ít lần cãi vã vì quan điểm này do chồng bà cho rằng nhà to, rộng không phải chỉ để ở mà đó còn là bộ mặt, khiến khách hàng chú ý và nâng tầm cửa hàng may. Sau nhiều lần tranh luận, bà giữ nguyên quan điểm bởi đã ngoài 50 tuổi, việc xây, sửa nhà sẽ tốn nhiều thời gian, công sức.
Trong khi đó, chị Thân Hà Anh (42 tuổi, Bắc Giang) cho rằng nhà cửa là thứ gắn liền với chất lượng cuộc sống. Nếu có điều kiện, hãy xây nhà cao cửa rộng. “Nhà to thì sướng mình chứ sướng ai. Ở cái nhà mới, nội thất mới là thấy sướng hẳn”, Hà Anh nói.
Nói về việc xây nhà vượt quá khả năng tài chính, chị Hà Anh cho rằng việc này còn phụ thuộc vào thu nhập hàng tháng của người đó. Nếu thu nhập đủ để chi trả cho tiền lãi, gốc mỗi tháng, việc vay không có gì là xấu. Trong trường hợp thu nhập thấp mà vẫn muốn nhà cao, cửa rộng, vay mượn để cố xây nhà to thì nên cân nhắc.
Đại diện cho thế hệ gen Z, Đức Duy (24 tuổi, Hà Nội) nói ngày nay, ít người trẻ dành tất cả những gì mình có để đầu tư cho nhà cửa. “Bây giờ mấy ai đánh giá người khác qua vật chất nên mình chỉ mua nhà vừa phải, phù hợp với túi tiền. Số tiền còn lại để đầu tư”, Đức Duy nói.
Duy quan niệm để duy trì cuộc sống tốt cần nhiều yếu tố và nhà chỉ là một trong những yếu tố đó. Do vậy, người trẻ nên biết cách lập kế hoạch tài chính, phân bổ tiền phù hợp vào các hạng mục gồm nhà, xe, khoản tiền để đầu tư, khoản tiền tiết kiệm, khoản tiền dành cho sức khỏe và khoản tiền để phục vụ những mục đích cơ bản của cuộc sống thường ngày.
Khi cân bằng được tất cả những khoản cần thiết, cuộc sống mới thực sự đi lên.
Ở nhà 1 tỷ đồng nhưng túi có 4 tỷ đồng còn hơn ở nhà 5 tỷ nhưng túi 0 đồng
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền cho rằng ở phương Đông, người dân thường có xu hướng xây nhà cao, cửa rộng để thể hiện bản thân. Ông nhấn mạnh đây là bài toán tài chính sai lầm kinh điển.
“Xây nhà 2 tỷ đồng, trong túi có nhiều tỷ hơn thế thì phù hợp nhưng nhiều người xây nhà 5 tỷ đồng, chỉ có 2-3 tỷ và dành cả phần đời còn lại để trả nợ”, chuyên gia nói.
Nhà rộng chưa chắc đã được sử dụng hết. Hãy ở một ngôi nhà 1 tỷ đồng, trong túi vẫn còn 4 tỷ sẽ tốt hơn với việc ở một căn nhà 5 tỷ nhưng trong túi không còn tiền để sử dụng việc khác.
Bên cạnh đó, quan điểm theo kinh nghiệm, một gia đình hạnh phúc là một gia đình không có quá nhiều thế hệ chung sống. Do vậy, việc xây nhà to là thừa thãi. Hãy chia nhỏ căn nhà để chủ nhân không tốn quá nhiều tiền xây, sang sửa và dần thay đổi suy nghĩ cần nhà to để ở chung với con cháu.
Tiếp theo, ông Chuyền cho rằng việc đánh giá một người qua căn nhà lớn hay nhỏ là tư duy cũ kỹ. Hãy phân bổ tiền để làm nhiều việc khác. “Hãy ở trên một tài sản mà tài sản đó chỉ chiếm một phần tài sản. Nếu có 20 tỷ đồng, chỉ nên ở trong nhà 5 tỷ, 15 tỷ đồng còn lại để đầu tư”, ông khẳng định.