Mô hình được triển khai nhằm duy trì và phát triển chăn nuôi gà bản địa – gà H’Mông đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Là giống gà bản địa đã được nuôi từ rất lâu, gà H’Mông có nguồn gen quý, có sức đề kháng tốt, dễ thích ứng, có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, chất lượng, được người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng, đánh giá cao nhưng chưa được nuôi phổ biến, số lượng còn ít.
Nhằm duy trì và phát triển chăn nuôi gà bản địa đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình đã được triển khai ở một số địa phương, trong đó hiệu quả nhất là tại thành phố Hà Giang.
Việc triển khai thành công mô hình chăn nuôi gà bản địa đã từng bước làm thay đổi tư duy nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là các loại cây, con đặc sản vừa mang tính lâu dài và bền vững, tăng thêm thu nhập cho người dân, mở ra một nghề mới trong chăn nuôi trên địa bàn, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang Phạm Thị Thoa, chương trình hỗ trợ 50% con giống, thức ăn, vaccine, đồng thời hỗ trợ công lao động, chuyển giao kĩ thuật cho bà con khi tham gia mô hình.
Dự án cung ứng giống gà cho bà con bắt tay vào chăn nuôi từ tháng 6/2022, đến nay, sau hơn 3 tháng, qua đánh giá mô hình thì các hộ tham gia đều thực hiện tốt, chuồng trại đảm bảo vệ sinh, có chuồng nuôi, có sân chơi cho gà, thực hiện sử dụng chế phẩm để xử lý mùi hôi chuồng nuôi, gà sinh trưởng và phát triển tốt.
Sau hơn 3 tháng nuôi từ gà 1 ngày tuổi, đến nay, gà đã có trọng lượng trung bình khoảng 2,5 kg, với giá bán hiện tại trên thị trường từ 180.000 – 200.000 đồng/kg thì bà con cũng thu về nguồn thu nhập tốt.
Gia đình chị Vi Thị Ngoan, Bản Cưởm 2, xã Ngọc Đường là một trong 3 hộ gia đình tại thành phố Hà Giang tham gia mô hình, theo chị đánh giá, gà H’Mông có sức đề kháng rất tốt, ít bệnh, nuôi nhanh lớn, thịt ngon.
Với 800 con gà nuôi ban đầu, dự kiến khoảng 1-2 tháng nữa sẽ xuất bán, với giá thị trường hiện tại thì gia đình cũng thu về được lợi nhuận khoảng gần 100 triệu đồng.
Cùng chung quan điểm với chị Vi Thị Ngoan, đàn gà H’Mông nhà ông Triệu Quốc Lâm ở Bản Tùy, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang cũng phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, do mới chăn nuôi giống gia cầm này lần đầu, nên ông Lâm cũng gặp một số khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của ngành chức năng trong việc hướng dẫn chăm sóc, chuyển giao kỹ thuật… thì đến nay, đàn gà nhà ông Lâm phát triển khỏe mạnh, dự kiến trong tháng tới sẽ xuất bán 400 con. Với giá hiện tại khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg, lứa gà này sẽ giúp gia đình ông đem về lợi nhuận lớn.
Ông Triệu Quốc Lâm cũng cho biết, so sánh giá trị kinh tế, thì gà H’Mông có giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại gia súc, gia cầm khác. Mô hình chăn nuôi gà bản địa – H’Mông thương phẩm có sử dụng đệm lót theo hướng an toàn sinh học đã góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và người dân trong việc chăn nuôi gà theo hướng an toàn thực phẩm, đặc biệt là có sử dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi. Mô hình đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra, tạo ra sản phẩm gà có chất lượng, giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho bà con.
Đồng thời, mô hình cũng có khả năng cung cấp gà giống và gà thương phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc cho người chăn nuôi và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung.