Mỗi con cua đinh giống chỉ to hơn nắp chai đã có giá trên 300.000 đồng, nhờ nuôi loài vật có giá trị cao, lại ăn ít nên ông Bảy có thu nhập tốt, ngày càng khấm khá.

Ông Bảy Hởi (tên thật là Lý Hồng Hởi, 72 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Lợi, xã Thanh Mỹ, Tháp Mười, Đồng Tháp) từng được biết đến là một trong những người đầu tiên nuôi rắn ri voi sinh sản ở miền Tây, trở thành cơ sở cung cấp con giống nổi tiếng trong vùng.

12 năm trước, khi đang “ăn nên làm ra” thì đùng một cái, ông Bảy bỏ hẳn nuôi rắn, chuyển sang nuôi cua đinh sinh sản.

Ông Bảy chia sẻ: “Nuôi rắn cũng được, nhưng thấy nhiều người nuôi quá rồi, nên tôi chuyển hướng. Cua đinh nhiều người chịu ăn hơn nên nhiều người nuôi, mình bán con giống cũng dễ. Từ mấy bể nuôi rắn, mình chuyển sang nuôi cua đinh, chỉ tốn mỗi tiền con giống”.

12 năm qua, trại giống của ông Bảy luôn duy trì 100 con cua đinh bố mẹ, tỷ lệ 3 con cái, 1 con đực. Để cua đinh giống có chất lượng tốt nhất, ông Bảy thường xuyên thay mới cua sinh sản nhưng vẫn đảm bảo luôn có trên 40 con cua đinh cái đang đẻ trứng.

Dù đàn cua đinh khá lớn nhưng ông Bảy cho biết tiền thức ăn tốn rất ít. “Tôi nuôi kiểu bán tự nhiên, cho ăn cá con, ốc bươu vàng để cua bố mẹ có sức đề kháng tốt nhất, giữ được phẩm chất hoang dã. Nuôi vậy vừa không tốn kém, cua đinh vừa đẻ trứng chất lượng”, ông Bảy tiết lộ.

Ông Bảy cho biết, cua đinh sinh sản liên tục từ đầu năm đến tháng 7, mỗi mùa mỗi con cái sinh được 40 trứng, tỷ lệ nở ra con giống khỏe mạnh khoảng 3/4. Khi vào mùa, cua đinh cái sẽ lên bãi cát được chuẩn bị sẵn, đào hang sâu khoảng nửa mét, đẻ trứng rồi lấp lại.

“Mỗi tháng tôi bới cát một lần để tìm trứng. Trứng chỉ cần để trong cát ẩm khoảng 3 tháng sẽ tự nở. Cua đinh 10 ngày tuổi có giá 300 nghìn đồng. Nuôi càng lâu thì càng đắt, nhưng cứ có hàng là sẽ có người đến mua quanh năm”, lão nông nói.

Trại nuôi của ông Bảy chia thành 6 bể, mỗi bể rộng khoảng 30m2. Những con cua đinh giống được nuôi với điều kiện đặc biệt, trong bể lát gạch. Những con cua đinh tơ 2 năm tuổi, nặng khoảng 2kg chuẩn bị sinh sản cũng được cho ở bể riêng. Có những con cua đẻ lâu năm, nặng từ 5 đến 10kg, ông Bảy thương như “báu vật” vì mỗi năm cho lãi trên chục triệu đồng.

Ở vùng quê chưa có đường bê tông, xe ô tô phải dừng xa, cách hàng km, cuộc sống của hầu hết mọi người còn khó khăn. Thế nhưng nhờ nuôi cua đinh, ông Bảy có tiền cho con cái lên TPHCM lập nghiệp. Ông Bảy cũng có tiền để xây một ngôi nhà khang trang, trồng hoa lan và làm những bể lớn nuôi cá cảnh để thư giãn, tạo thêm niềm vui cuộc sống.

“Già rồi, nuôi con này vừa nhàn, vừa vui, tốn ít vốn mà lại có thu nhập tốt. Cua đinh hay còn gọi là ba ba gai, là loài vật bản địa miền Nam của mình, nuôi lành, ít bệnh, rất phù hợp để nông dân, đặc biệt là những người nhiều tuổi làm kinh tế”, ông Bảy nói.