Có lẽ người ta đã quên mất, rằng muốn gặt về hạnh phúc, bạn phải gieo hạnh phúc chứ chẳng nên gieo sự hy sinh.
Sự hy sinh của người mẹ vô tình trở thành chiếc vòng kim cô trên đầu mỗi đứa con, mà câu niệm chú chính là lời than vãn: “Mẹ đã hy sinh cho con điều này, điều kia…”.
Sáng nay, trong lúc cao hứng, tôi đăng lên trang cá nhân bức ảnh con gái tôi đang chạy nhảy chơi đùa ở một góc xa tít trong bức ảnh, kèm vài dòng vui vẻ. Một người bạn của tôi vào bình luận đầy đồng cảm: “Làm mẹ, thì luôn có thể hy sinh mọi thứ vì con nhỉ?”. Tôi cười, không trả lời. Có lẽ bạn không biết, suốt những ngày dài trong hành trình làm mẹ của mình, tôi có thể cho con nhiều điều, rất nhiều điều, nhưng không bao giờ có cụm từ “hy sinh”.
Trong thơ ca, sách truyện, phim ảnh, dường như luôn luôn vẽ nên hình ảnh người mẹ vĩ đại phải là người hy sinh cho con cái. Người ta ca ngợi điều đó như thể nó là một biểu hiện tuyệt đẹp của người mẹ mẫu mực, biết đặt con cái lên trên bản thân mình. Mức độ phủ sóng của hình tượng ấy thật lớn, đến nỗi ai ai cũng ngỡ rằng, và chắc chắn rằng một khi có con, mọi nhu cầu của bản thân bạn sẽ tan biến, chỉ còn lại nhu cầu của đứa con. Khi ấy, bạn không còn là một người phụ nữ đơn thuần, một người phụ nữ với đam mê và những niềm vui của riêng mình, mà chỉ là một người mẹ, một người mẹ luôn phải hy sinh.
Nhưng liệu đã có ai tự hỏi, liệu những đứa con của những người mẹ luôn hy sinh ấy, chúng có thực sự hạnh phúc? Chúng ta ngỡ rằng mình hy sinh cho con, sống một cuộc sống mà bản thân mình chỉ là cái bóng mờ nhạt, và con cái mới là trung tâm của vũ trụ, để chúng có thể hạnh phúc. Nhưng sự thực có phải như vậy?
Từ trước khi được làm mẹ, tôi đã gặp chẳng ít những người mẹ đau khổ, luôn tự hỏi một câu: Tại sao mình đã hy sinh cho con tất cả, mà vẫn chẳng thể có được đứa con như mình mong muốn? Đứa con ấy có thể đã hỗn hào với mẹ, có thể đã cưới người vợ không hợp ý mẹ, đã lựa chọn một nghề nghiệp mà người mẹ kịch liệt phản đối, đã lựa chọn một cách sống mà người mẹ luôn luôn ngăn cản. Dù người mẹ từng hy sinh bao nhiêu, đến cuối cùng, cô vẫn chẳng thể “nặn” cho con một cuộc sống do cô từng vẽ ra, “nặn” ra những đứa con như cô từng tưởng tượng.
Một khi đã hy sinh, tức là đã bắt đầu áp đặt và kỳ vọng. Dù ta nói rằng ta hy sinh cho con cái vô điều kiện, nhưng trong thâm tâm, ta luôn mong sự hy sinh đó được đền đáp. Những người mẹ làm việc cật lực để có tiền cho con học trường tốt nhất, mời thầy giỏi nhất, cô kỳ vọng đứa con sẽ học hành giỏi giang. Người mẹ hy sinh công việc, từ bỏ việc gặp gỡ bạn bè, chăm sóc bản thân để chăm sóc con cái, cô kỳ vọng đứa con sẽ luôn nghe theo lời mình. Người mẹ nhẫn nhịn ở lại trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cô kỳ vọng đứa con sẽ lớn lên hạnh phúc và biết ơn mẹ vì đã giữ cho chúng một gia đình trọn vẹn…
Khi đứa trẻ chẳng đạt được thành tích như mong muốn, khi chúng muốn lựa chọn một cách sống khác với những gì mẹ vạch ra, khi chúng muốn một gia đình thành thực với nhau hơn là thứ êm ấm giả tạo, sự kỳ vọng của những người mẹ sụp đổ. Cô thất vọng vì sự hy sinh mình bỏ ra bấy lâu nay cuối cùng thành vô nghĩa. Người mẹ không hạnh phúc, những đứa trẻ không hạnh phúc. Tại sao?
Cách tốt nhất để nuôi dưỡng một đứa trẻ hạnh phúc chính là cho chúng một người mẹ hạnh phúc. Mà để hạnh phúc, người mẹ phải biết sống cho bản thân mình, ngay cả khi đã là một người mẹ.
Có bầu, sinh con, rồi cho con bú, những người phụ nữ hy sinh vóc dáng thon thả, cố sức ăn với ý nghĩ “vì con”. Con dần lớn lên, họ hy sinh thời gian thoa chút kem dưỡng, tập vài động tác yoga, bớt bộ váy đẹp, gặp gỡ bạn bè để cả cuộc sống xoay quanh vũ trụ mới là con. Nhưng thực ra, bạn đâu cần phải ăn hết mọi thứ thì con mới khỏe, bạn đâu cần phải ôm con cả ngày thì con mới vui, trẻ con cũng chẳng cần quá nhiều quần áo đẹp, cần đồ chơi đắt tiền… Cái bạn nên làm, chính là cân bằng vừa đủ, để cán cân giữa làm mẹ và làm chính bạn không ngả hết về một phía.
Trẻ con không phân biệt được chiếc áo đắt tiền chúng mặc trên người có gì khác với chiếc áo ít tiền hơn, cũng chẳng thể giỏi giang hơn chỉ vì được học trường có học phí cao ngất ngưởng, nhưng chúng lại phân biệt rất rõ một người mẹ vui vẻ và một người mẹ cáu kỉnh, u sầu. Khi một người mẹ không nặng nề hy sinh, cô ấy vẫn có thể sắp xếp để sống cuộc sống của mình, vẫn có thể tự gây dựng những niềm vui nho nhỏ để tái tạo năng lượng cho một ngày mệt nhoài cùng con.
Người mẹ vẫn được sống cuộc sống của mình, nên cô chẳng có lý do gì để bắt đứa con không được sống cuộc sống của nó. Nguồn năng lượng tích cực từ người mẹ sẽ dễ dàng truyền sang cho con, để chúng mỗi ngày được thức dậy trong sự vui vẻ của người mẹ, lớn lên bằng sự thanh thản không bị đè nặng bởi hai chữ “hy sinh”.Chẳng phải cứ hy sinh, bạn mới có thể làm mẹ. Không hy sinh, không có nghĩa là bạn bỏ bê con cái, không phải ích kỷ hay vô trách nhiệm. Chỉ cần dừng lại hít thở sâu một chút, suy nghĩ một chút, bạn sẽ nhận ra có những giây phút trong những giờ làm mẹ bận rộn, bạn có thể được sống cho riêng mình.
Những đứa con hoàn toàn có thể tự chơi một mình trong khi mẹ chúng thảnh thơi ngồi uống cà phê hay tập vài động tác yoga để giữ vòng eo thon. Chúng có thể chơi cùng bố, vui vẻ vẫy tay tạm biệt khi mẹ có hẹn với bạn bè. Chúng có thể tự thu dọn bát đĩa để mẹ có thể yên tâm làm nốt việc, hay thi thoảng vui vẻ bằng lòng với chiếc pizza khi mẹ lên cơn “lười” chẳng thiết vào bếp. Chúng cũng chẳng cần được sửa soạn quá nhiều khi ra ngoài, để dành thời gian cho mẹ diện một chiếc váy đẹp, tô thêm một chút son. Hãy cứ bớt chút thời gian cho con để dành cho bản thân mình, tin tôi đi, sự vui vẻ hạnh phúc của bạn sẽ chỉ khiến những đứa trẻ thêm hào hứng.
Hy sinh, điều đó thực sự không nên dùng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Trẻ con cần được nuôi dưỡng trong sự nhẹ nhõm. Bằng việc chính bạn hạnh phúc, bạn sẽ truyền cho con mình nguồn năng lượng tích cực, để chúng biết cách tự tạo một cuộc sống vui vẻ và học được cách yêu bản thân mình. Đừng chỉ cho con tiền bạc dư giả, cho con bữa ăn ngon, cho con quần áo đắt tiền, đồ chơi xa xỉ… hãy cho con sự vui vẻ và hạnh phúc của bạn khi làm mẹ. Đó mới là điều đáng giá nhất mà bạn nên dành cho chúng mỗi ngày.
- Con trai khóc mếu xin bố "đổi mẹ khác đi": Dạy học gắt quá con không chịu nổi
- Bán nhà thành phố về quê sống an yên: "Mua hẳn 12.000m2 đất làm trang trại, xây biệt thự trên cánh đồng"
- 4 sự thật về tâm lý trẻ nhỏ giúp việc nuôi con nhàn hơn
- Cần Thơ: Chủ cơ sở khô cá xinh đẹp tiết lộ bán 700 – 800kg khô cá lóc, cá chạch dịp Tết
- 8 năm đầu đời “quyết định” con là ai: Nhà chưa xây được để sau, quan trọng là “xây người”