Anh Nguyễn Văn Thuần (sinh năm 1990) đang nuôi con cà cuống giúp cho gia đình thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Mô hình nuôi cà cuống của anh Thuần cũng là địa điểm thân thuộc để người dân trong vùng đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Kỹ thuật xây bể nuôi con cà cuống

Tìm về thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, phóng viên hỏi mô hình nuôi con cà cuống hộ anh Nguyễn Văn Thuần hầu như ai cũng biết, bởi đây là mô hình tương đối mới mẻ ở địa phương và đã có nhiều người tò mò đến tham quan.

Anh Nguyễn Văn Thuần chia sẻ với phóng viên: “Đầu năm 2022, tôi bắt đầu xây dựng mô hình nuôi con cà cuống trên diện tích gần 100 m2. Con cà cuống nuôi không tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn”.

“Khi mới bắt đầu, tôi chỉ dám nuôi 10 cặp con cà cuống giống, vì chưa hiểu rõ tập tính, cách chăm sóc nên thời gian đầu tôi nuôi và nhân giống con cà cuống bị thất bại. Sau thất bại đó, tôi đã tìm hiểu cà cuống cɦết  là do thiếu thức ăn, nguồn nước cấp vào bể không đảm bảo”, anh Thuần cho biết.

Theo anh Thuần, để thiết kế khu vực nuôi con cà cuống rất đơn giản, có thể ở trong nhà, ngoài vườn, ban công…Hiện, anhThuần đang nuôi cà cuống ngoài vườn, phía trên lợp tôn, phía dưới đổ bê tông và các bể nuôi được xây bằng gạch, diện tích mỗi bể rộng khoảng 2 m2, xây cao 40-60cm.

Đặc biệt, mực nước trong bể nuôi con cà cuống cao khoảng 10-15 cm, bình quân nuôi từ 25-30 con cà cuống/m2, phía trên có thể thả cây bèo tây (lục bình) hoặc để các giá thể khác giúp con cà cuống bám vào.

Quan trọng nhất đối với việc nuôi con cà cuống là kiểm soát nguồn nước luôn sạch, tránh xa hoàn toàn thuốc trừ sâu để đảm bảo độ thoáng mát. Con cà cuống chủ yếu ăn vào ban đêm, thức ăn là các loại động vật nhỏ như: Tôm, cá mòi nhỏ, cào cào, châu chấu, dế, nòng nọc con,…còn tươi sống.

Lưu ý, phía trên mỗi bể nuôi con cà cuống nên tạo khung cước để đậy lại vào ban đêm, còn ban ngày có thể bỏ thoáng. Xung quanh khu vực nuôi con cà cuống về mùa đông lên sử dụng túi nilon, lưới đen bao quanh tránh gió ùa vào khu vực nuôi.

Cách nhân giống cà cuống thành công

Anh Nguyễn Văn Thuần (sinh năm 1990, thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư) thổ lộ: “Nuôi con cà cuống khó nhất là quá trình ấp nở trứng và nuôi ấu trùng. Trứng cà cuống trông giống như trứng ốc bươu vàng nhưng có màu trắng ngà. Mỗi ổ có từ vài chục đến hơn 100 trứng và được cà cuống đực ấp, khoảng 5-7 ngày sau nở ra ấu trùng, sau đó ấu trùng sẽ qua 5 lần lột xác trong 45 ngày để trở thành cà cuống trưởng thành”.”Số lượng trứng cà cuống tuy nhiều nhưng ấp không đúng kỹ thuật trứng sẽ hỏng. Đối với ấu trùng cũng cần chú trọng hơn về nguồn nước, chế độ tức ăn phù hợp. Để đảm bảo nguồn nước sạch, tôi phải đầu tư hệ thống lọc tuần hoàn, thay nước 2- 3 ngày/lần”, anh Thuần bật mí.

Anh Thuần nói: “Con cà cuống là loài sinh sản nhanh, số lượng lớn và đẻ quanh năm, mạnh nhất là từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch. Mỗi ổ trứng có giá 200.000 đồng, với 200 cặp cà cuống đẻ trứng, anh có thể thu về khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, anh Thuần còn cung cấp cà cuống giống, giá bán từ 200.000-250.000 đồng/cặp tùy thời điểm. Cà cuống thương phẩm nuôi khoảng 60 ngày giá từ 50.000-70.000 đồng/con. Cà cuống cái lớn gấp đôi cà cuống đực.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi cà cuống, cũng như đầu ra con cà cuống ổn định, anh Thuần thu nhập từ việc bán trứng, con giống,…gần 20 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, con cà cuống được rất nhiều người ưa chuộng bởi thịt và trứng chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Nhiều nơi cà cuống trở thành con đặc sản có giá cả đắt đỏ.Đặc biệt, giá trị nhất của con cà cuống là phần túi tinh dầu ngay bụng của cà cuống đực. Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, thoang thoảng mùi đặc biệt giống như mùi quế. Đó là lý do cà cuống đực tuy nhỏ hơn nhưng giá bán thường cao gấp đôi con cái.

Bà con nông dân ai có nhu cầu tìm hiểu mô hình nuôi cà cuống liên hệ với anh Nguyễn Văn Thuần, địa chỉ thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Số điện thoại: 0967.856.112.

Theo Dân Việt