Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
97 lượt xem

Ninh Bình: Làm trang trại đụng vào đâu cũng ra tiền, mỗi năm thu tiền tỷ và tiết kiệm 40% chi phí

Một nông dân ở Ninh Bình đã xây dựng thành công mô hình trang trại độc đáo vận hành tuần hoàn khép kín. Mỗi loại cây trồng, vật nuôi trong trang trại đều cho lợi nhuận cao. Đặc biệt, còn tiết giảm 40% chi phí phân bón và giữ môi trường xanh, sạch.

Mỗi quy trình kết nối khoa học, tiết kiệm 40% chi phí

Tới thăm trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Quyên, xóm Quán, xã Yên Phong (Yên Mô, Ninh Bình), không ai là không khỏi bất ngờ về cách làm mới lạ, hiệu quả khi trang trại tạo ra nhiều loại nông sản khác nhau nhưng hoàn toàn không có chất thải ra ngoài môi trường.

Anh Quyên cho biết: Trang trại tổng hợp của gia đình anh có diện tích hơn 5ha. Trong đó, diện tích trồng ổi, táo hơn 4ha; nhà màng trồng dưa lưới 2.000m2; khu trồng nấm 5.000m2; chuồng nuôi chim bồ câu pháp 400m2…

Xuất phát điểm là thợ làm thủ công mỹ nghệ, không có chút kiến thức nào về trồng nấm, tuy nhiên, trong một lần tình cờ nghe được câu chuyện làm giàu từ cây nấm tai mèo (mộc nhĩ) của một bạn hàng, với bản tính hiếu kỳ, anh đã mày mò tìm hiểu và đam mê từ lúc nào không hay.

Năm 2009, với số vốn ít ỏi, anh vay mượn thêm người thân, bạn bè đầu tư 100 triệu đồng mua 1 vạn bịch nấm tai mèo giống từ Nam Định về nuôi thử. May mắn đã mỉm cười với anh khi chỉ với chút ít kiến thức trong tay nhưng lứa nấm đầu tiên anh vẫn thu được lợi nhuận, mặc dù chẳng đáng là bao. Trên cơ sở đó, đến năm 2010, anh mở rộng quy mô trồng nấm lên 4 vạn bịch.

Vừa làm vừa học, số lần anh lặn lội từ Ninh Bình sang Nam Định để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm trồng nấm không đếm xuể. Mến phục sự cần mẫn và đam mê của anh, chủ cơ sở sản xuất nấm giống đã quyết định truyền lại toàn bộ “bí kíp” về quy trình sản xuất nấm cho anh về áp dụng.

Khi cảm thấy kiến thức trồng nấm của mình đã chín muồi, anh mạnh dạn đầu tư chi phí thuê đất, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, nguyên liệu… tiến hành sản xuất nấm với số lượng lớn.

Anh Quyên cho hay: Trong quá trình trồng nấm, nhận thấy bã nấm (bịch trồng nấm còn lại sau khi thu hoạch) bị bỏ đi rất lãng phí vì trong đó đã được phối trộn kỹ lưỡng mùn cưa, cám gạo, vôi, phân bón…, hoàn toàn có thể tận dụng để sử dụng cho các loại cây khác.

Trong lúc đang loay hoay chưa tìm được cây trồng phù hợp thì Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đưa cây ổi về trồng thử nghiệm trong mô hình tại xã nhà. Kết quả thu được là cây ổi phù hợp với đồng đất, sinh trưởng và phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Như bắt được vàng, ngay lập tức anh tìm hiểu và đưa giống ổi này về trồng thử.

Vậy là, số bã nấm được anh gom đống, đánh tơi, bổ sung thêm phân bón ủ hoai mục rồi bón cho vườn ổi. Kết quả không ngờ khi đất vườn trồng được cải tạo trở nên tơi xốp, cây ổi phát triển khỏe mạnh, độ bền cây cao (hiện tại vườn ổi đã 7 năm nhưng cây vẫn xanh tốt), sản lượng và chất lượng đều tăng lên.

Đến năm 2019, anh đưa cây dưa lưới về trồng thử ngoài trời và bắt đầu phát triển trang trại theo hướng hữu cơ. Lúc này, bã nấm được anh tận dụng triệt để để làm phân bón theo cách thức: Sau khi thu hoạch mộc nhĩ, bã nấm được bổ sung thêm phân bón hữu cơ, men vi sinh (lần 2), ủ hoai mục dùng làm phân bón cho dưa lưới. Sau khi thu hoạch dưa lưới, bầu đất tiếp tục được bổ sung phân bón hữu cơ và men vi sinh lần 3, ngâm ủ để bón cho ổi, táo.

Kết hợp trồng trọt với chăn nuôi gia tăng lợi nhuận

Bên cạnh đó, để đảm bảo đủ lượng phân cung cấp cho cây trồng, anh xây dựng chuồng nuôi 1.000 đôi chim bồ câu pháp, vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa có được lượng phân để sử dụng cho cây trồng. Ngoài ra, toàn bộ các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất (mộc nhĩ hỏng, thân dưa lưới sau thu hoạch, cỏ, lá cây…) đều được anh tận dụng, ngâm ủ hoai mục với men vi sinh để làm phân bón cải tạo đất và bón cho cây.

Với cách làm này, trung bình mỗi năm trang trại của anh tự sản xuất được 60 – 70 tấn phân hữu cơ cho cây trồng. Riêng vườn ổi chỉ phải bổ sung thêm một lượng không đáng kể phân viên hữu cơ.

Về phòng trị bệnh cho cây, anh Quyên chia sẻ: Đối với diện tích trồng ổi, táo, anh không sử dụng thuốc BVTV hóa học mà chủ động phòng bệnh cho cây từ khi còn bé; dọn cỏ bằng máy hoặc làm bằng tay, sử dụng bạt phủ gốc cây để hạn chế cỏ; bao quả tránh côn trùng phá hoại; chỉ sử dụng thuốc BVTV, chế phẩm sinh học phun cho cây khi cần thiết.

Đối với dưa lưới, từ đầu năm 2022, gia đình anh được UBND huyện Yên Mô hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng hệ thống nhà màng, áp dụng công nghệ tưới Israel, điều khiển tự động bằng điện thoại thông minh; Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm – Khuyến ngư Ninh Bình hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nên hầu như anh không phải sử dụng đến thuốc BVTV.

“Nếu dùng phân bón, thuốc BVTV hóa học, thuốc diệt cỏ thì giá thành rẻ hơn, hiệu quả nhanh hơn nhưng rất hại cho đất, sức khỏe, môi trường. Ngày nào mình cũng ở trong vườn, nếu dùng quá nhiều thuốc hóa học thì chính mình là người bị ảnh hưởng trước; chân dẫm trong vườn suốt ngày, lâu dần thuốc sẽ ngấm vào cơ thể lúc nào không hay. Canh tác theo hướng hữu cơ, dọn cỏ thủ công mặc dù nhiều công hơn nhưng sức khỏe của mình, công nhân, đất, nước được bảo vệ”, anh Quyên đánh giá.

Về hiệu quả kinh tế, anh Quyên thông tin: Canh tác an toàn, tuần hoàn khép kín giúp tiết kiệm được khoảng 40% chi phí phân bón so với cách làm truyền thống trước đây.

Đối với dưa lưới, anh thu được 4 vụ/năm, sau khi trừ chi phí anh có lãi trung bình 50 triệu đồng/1.000m2/vụ. Như vậy với 1.000m2 trong vòng 1 năm, anh thu về khoảng 200 triệu đồng.

Đối với ổi, sản lượng trung bình thu được khoảng 50 tấn/ha/năm. Với giá bán lúc cao 13.000 – 15.000 đồng/kg, thấp nhất 6.000 – 8.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí, anh có lãi khoảng 250 – 300 triệu đồng/ha/năm. Đối với nấm, trung bình 1 năm anh thu được 8 – 9 tấn mộc nhĩ khô, doanh thu trung bình 1 tỷ đồng/ năm (chưa trừ chi phí).

Trang trại tuần hoàn khép kín sản xuất theo phương pháp hữu cơ của anh Quyên đã tận dụng được mọi phụ phẩm trong quá trình sản xuất. Điều này giúp cho anh tiết kiệm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm và tạo nên một trang trại xanh, sạch.

Bài viết cùng chủ đề: