Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, đến bây giờ, những người sinh trước năm 1975 vẫn không thể quên không khí vui tươi, hào hùng của người dân Thủ đô đón mừng ngày hai miền Bắc – Nam sum họp.

Trước ngày giải phóng Sài Gòn, người Hà Nội ngày đêm theo dõi tin chiến thắng từ Huế, Đà Nẵng… qua loa truyền thanh và radio. Ở các quầy báo, người xếp hàng dài mua báo Nhân dân, Quân đội nhân dân để nắm bắt tình hình chiến sự từng ngày, từng giờ…

Và giờ phút thiêng liêng ấy đã đến, 11h30 ngày 30-4-1975 những tiếng reo hò vang lên khắp phố phường, thanh niên đạp xe chơi suốt đêm. Quanh hồ Hoàn Kiếm đèn sáng như sao sa, cờ, băng rôn, biểu ngữ treo khắp nơi với tin chiến thắng, pháo nổ râm ran từ nhà nọ nối nhà kia…

Chỉ 1 năm sau khi hai miền Bắc – Nam thông thương, đã có 4 chuyến tàu Thống Nhất xuất phát từ hai đầu Tổ quốc. Ga Hàng Cỏ trong những năm đầu giải phóng không khí luôn như ngày hội. Người từ các tỉnh đổ về chờ mua vé đi thăm người thân sau bao năm xa cách, thăm con em là bộ đội đang ở lại các đơn vị đóng quân trong Sài Gòn.

Cũng nhờ những chuyến tàu này mà Hà Nội có nhiều đổi thay trong cuộc sống sinh hoạt. Từ một thành phố nhiều năm sống trong bao cấp, thứ gì cũng thiếu, mua nhu yếu phẩm phải dùng tem phiếu theo chế độ định lượng tiêu chuẩn, nhưng giờ thì hàng hóa từ miền trong chuyển ra không thiếu thứ gì. Do vậy mới có phong trào đổ xô đi buôn Bắc – Nam. Ngày đó cán bộ nào đi công tác cũng kết hợp mang vài thứ hàng gọn nhẹ vào bán lấy tiền chi tiêu, đổi lấy đồ dùng cho gia đình.

Năm ấy tôi cùng người bạn đi tàu Thống Nhất vào Nha Trang rồi đi tiếp Sài Gòn. Trước khi đi cũng nghe người mách mang mấy cân thuốc lá sợi vào sẽ bán được giá cao, mà phải là thuốc lá của làng Đình Bảng (Bắc Ninh) sản xuất mới có sợi nhỏ, vàng mượt. Lần đầu tiên đặt chân vào thành phố từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” thật không khỏi bỡ ngỡ.

Cái gì cũng mới lạ, từ nhà cửa, đường phố, con người, cho đến trang phục của lớp trẻ. Hàng hóa bày la liệt trên các vỉa hè, góc phố. Chợ Huỳnh Thúc Kháng là nơi thu hút đông người nhất vì có đủ các loại thiết bị, máy móc, đồ điện tử cũ, mới, đồ dùng sinh hoạt, sách, truyện…

Đến chợ Huỳnh Thúc Kháng hồi ấy thế nào cũng gặp được người quen từ Hà Nội vào. Họ thường tìm mua dàn máy nghe nhạc AKAI chạy băng cối, đài cassette. Có cửa hàng chuyên thu mua băng cối, băng cassette những bài hát tiền chiến của các ca sĩ Sài Gòn cũ như Thanh Tuyền, Khánh Ly, Lệ Thu, Hà Thanh, Hương Lan, Tuấn Vũ… để mang ra Hà Nội.

Trên chuyến tàu quay ra Hà Nôi, tôi chung khoang với 3 người khác. Tàu chạy 3 ngày, 2 đêm, thừa thãi thời gian nên tôi làm quen với một vị khách đi cùng. Anh này nhà ở phố Chùa Vua (Chợ Giời), chuyên đi buôn đường dài bằng tàu hỏa, mặt hàng chính là băng đĩa nhạc. Cứ cách 1 tuần anh lại đi Sài Gòn mua hàng nên mấy tiệm băng đĩa chợ Huỳnh Thúc Kháng đã nhẵn mặt.

Ngoài Hà Nội lúc ấy đang thích nhạc tiền chiến nên anh ta mang ra bao nhiêu băng đĩa cũng tiêu thụ hết veo. Sát vách nhà tôi, có vợ chồng mới mua được chiếc máy AKAI chạy băng cối, tối ngày cả xóm nghe “Thành phố nào nhớ không anh…”. Nhưng ngày Chủ nhật mới quả là ồn ào, họ kéo cả đống bạn bè đến, nhạc mở to hết cỡ như thể khoe với mọi người xung quanh là nhà có máy nghe nhạc.

Trào lưu ăn mặc từ miền Nam du nhập

Ngày ấy, gia đình nào có tivi đen trắng hay dàn máy nghe nhạc là sang lắm. Rõ khổ, vì nhạc vàng bao năm chiến tranh không được nghe, chỉ sau ngày đất nước thống nhất thì mới được “tháo khoán”.

Ngoài phong trào nghe nhạc vàng thì trào lưu ăn mặc từ miền Nam cũng nhanh chóng du nhập ra miền Bắc. Thiếu nữ Hà thành bỏ hẳn những đôi guốc nhựa con én một thời là mốt để thay bằng những đôi guốc gộc kiểu cách, cao ngất ngưởng đi với quần ống loe rộng 30 phân, áo bó sát, đeo kính râm và mang ví giả da.

Các chàng trai thì tóc dài đến gáy, quần ống loe, áo chim cò. Những đôi tông gan gà được thay thế bằng giày da, mũi giày gồ lên to như cái muôi múc canh. Nếu ai đi dự đám cưới thì sẽ không bao giờ quên được cái không khí đặc trưng hồi ấy.

Nam thanh nữ tú cuồng nhiệt lắc lư với những băng nhạc ABBA, Boney M, Modern Talking… Sân gạch rộng chừng 50m2 thôi nhưng 2 thùng loa kê góc sân to như cái máy giặt bây giờ. Thanh niên nam nữ đầu tóc rũ rượi, quần loe, áo sơ mi bó (bây giờ gọi là áo body) quay cuồng với nhạc disco.

Chỉ mới chục năm trước đó, thanh niên Hà Nội đi chơi tối thứ Bảy thường phải lấm lét khi đi qua các chốt “cờ đỏ” ở những ngã tư đông đúc như Hàng Bài, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Tràng Tiền, đường Thanh Niên… Lúc ấy ai mà để tóc dài chờm gáy, quần ống loe đều bị gọi vào nhắc nhở. Nhắc mãi không nghe thì đội thanh niên ở các chốt gác sẽ hành động quyết liệt hơn. Họ sẽ gọi những người ăn mặc thiếu chuẩn mực vào, cắt gọn mái tóc bờm xờm từ gáy đến đỉnh đầu.

Sau năm 1975, khi đời sống văn hóa được “cởi trói” thì người dân Hà thành dường như chơi bù, ăn bù, cả nghe nhạc bù nữa, nghe cho điếc tai, cho bõ cả mấy thập kỷ không được thỏa thuê nghe nhạc.