Thời bao cấp đi qua đã khá lâu nhưng những hình ảnh về con người, góc phố vẫn in dấu ấn khó phai trong tâm trí những người dân Hà Nội.
Trong một chương trình talk show, nhạc sỹ Phú Quang đã chia sẻ: “Mùa đông làm cho con người ta co lại nhưng đủ sức để mình chiêm nghiệm về nhiều điều trong cuộc đời”. Phải chăng, đó chính là lý do mà vị nhạc sỹ của Hà Nội viết nhiều ca khúc về mùa đông trên mảnh đất nghìn năm tuổi này đến thế.
Một buổi sáng mùa đông thời bao cấp.
Hà Nội ngày nay thật tươi đẹp, lộng lẫy, rực rỡ sắc màu… Thế nhưng, mỗi khi đông về lại dễ dàng khiến những người đã đi qua cái dốc của tuổi nông nổi hồi tưởng về những ngày xưa cũ với nét cổ kính rêu phong, sự trầm lắng, thanh bình của kinh thành nghìn năm tuổi.
Buổi sáng mùa đông giá rét, đường phố Hà Nội dường như thưa thớt, nhỏ bé hơn.
Mùa đông Hà Nội có những nét đặc thù riêng. Nó không trắng xóa với băng tuyết như các nước khác, cũng không u ám và xám xịt bầu trời như ở một số nước Đông Nam Á lân cận.
Hà Nội mùa đông đầu những năm 1980.
Thời bao cấp, có áo khoác Liên Xô, quần bò Thái Lan mặc mùa đông đã là đồ xa xỉ. Chúng được mang về Việt Nam theo đường “xách tay” từ những du học sinh. Thời đó, các tông màu cỏ úa, tím than được đa số mọi người lựa chọn.
“Dân chơi” Hà Nội phong trần, lãng tử, với cách ăn mặc rất “bụi”.
Còn giới học sinh, sinh viên Hà Thành, họ chủ yếu vẫn ăn mặc theo phong cách Liên Xô cũ.
Thời trang mùa đông của học sinh, sinh viên thời bao cấp.
Một nét đặc trưng của Hà Nội thời bao cấp nữa là những tiếng leng keng của tàu điện luồn lách qua từng con phố nhỏ ở Hà Nội. Rất nhiều thế hệ người dân Thủ đô trưởng thành nên từ những tiếng tàu điện xưa cũ ấy.
Từ rất lâu, hàng quán vỉa hè trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể lẫn vào đâu được của Hà Nội. Những con ngõ nhỏ, những thức quà đặc trưng còn bốc khói nóng hổi… như một ký ức không dễ phai nhạt về thời bao cấp trong lòng nhiều người. Không nhộn nhạo, tạp nham, những hàng quán, gánh hàng rong thời bao cấp dường như mang vẻ thong dong, chậm rãi hơn.
Nói đến Hà Nội thời bao cấp, người ta không thể không nhớ đến hình ảnh những phiên chợ Tết năm xưa. Đối với trẻ em thời bấy giờ, chợ Tết giống như “thiên đường” với nhiều thứ “lạ lẫm” được bày bán. Nhưng với người lớn, đây là thời điểm họ phải kiên nhẫn xếp hàng để mua được thực phẩm, vật dụng, hàng hóa cho thời gian quan trọng nhất của năm.
Chợ hoa trên phố Hàng Lược.
Thời bao cấp đi qua đã khá lâu nhưng những hình ảnh về con người, góc phố vẫn in dấu ấn khó phai trong tâm trí những người dân nơi đây. Đối với thế hệ sinh sau năm 1986, thật khó có thể hình dung một thời mà cha anh đã trải qua. Những ấn tượng về cuộc sống ngày ấy khiến nhiều người vẫn ước gì có thể quay ngược thời gian để chứng kiến câu chuyện đã qua không bao giờ trở lại.