Con bú mẹ nhiều mà không tăng cân, chị Thục Anh, Hà Cúc bị mọi người chê sữa sữa không tốt và phải mua sữa bột cho con ăn thêm.

Nếu như nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là điều hiển nhiên từ bao lâu nay nhưng với chị Thục Anh (Hà Đông, Hà Nội), nó thực sự giống như một cuộc chiến không cân sức. Phía bên này chỉ một mình chị, còn bên kia là áp lực từ mẹ chồng, các bà cô họ hàng và thậm chí cả hàng xóm. Chị kể: “Mình sinh mổ, phải uống thuốc giảm đau và kháng sinh nên cả ngày đầu tiên sau sinh, mẹ chồng bảo không được cho con bú, sợ ảnh hưởng đến con. Sang ngày thứ hai, sữa bắt đầu về, ng*c mình căng tức, không chịu được nữa nên mình cứ bế con bú, mặc lời ì xèo của mẹ chồng. Cơ địa mình trộm vía sữa rất dồi dào, con ăn không hết, có khi phải hút ra để trữ đông để dành.

Thời gian cho con bú, mình ăn uống theo nhu cầu của bản thân thôi, không nhồi nhét quá nhiều. Mình cũng ít ăn các món béo, ngấy như cháo móng giò, gà hầm, chim quay… vì bác sĩ cũng khuyên mình nên ăn uống đa dạng chứ không tập trung vào một số món nào cả. Sữa mẹ nhiều hay ít không phụ thuộc hoàn toàn vào ăn uống. Sau ngày ở viện về, mình cho con bú hoàn toàn nên xuống cân rất nhanh, không bị sồ sề như nhiều phụ nữ sau sinh khác. Mẹ chồng và các cô bên chồng gặp mình toàn trách mình sợ béo, ăn kiêng như thế không có chất nuôi con.

Đến tháng thứ 5-6, con bắt đầu dài người hơn và cân tăng chậm lại, có khi cả tháng chỉ tăng 3-5 lạng, trong khi các tháng trước đó phải tăng tới 1 kg. Mẹ chồng mình xót cháu nên ngày nào cũng nhắc mình mua thêm sữa bột về cho bé ăn, mặc dù sữa mẹ vẫn tràn trề. Mình không nghe thì bà ‘nói bóng nói gió’ rồi xui các cô hùa vào nói mình. Nào là ‘bé lớn rồi, ăn sữa mẹ xong tè vèo cái là hết, sao còn đủ chất để lớn’, rồi lại ‘sữa bột mới có đủ chất để bé thông minh, nhanh nhẹn’ hay ‘sữa mẹ nóng nên con nó còi’… Mình cảm giác như mọi người đang cố tước đi cái quyền giản đơn của một người mẹ là cho con bú. Mình tủi thân nhưng cũng chỉ biết khóc”.

Nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức là vấn đề không của riêng chị Thục Anh mà nhiều bà mẹ khác cũng gặp trường hợp tương tự. Hà Cúc (Đồng Nhân, Hà Nội) lại tự nhận mình “yếu đuối” và “thiếu kinh nghiệm” trong lần làm mẹ đầu tiên nên đã bị stress sau sinh, dẫn tới mất sữa. “Mình bị nghén trong thời gian mang thai, ăn uống không nhiều nhưng con vẫn phát triển bình thường. Bé sinh ra được 2,9 kg. Mình thì thấy hoàn toàn bình thường nhưng bà nội và mọi người trong nhà đều nói ‘Thời buổi này, trẻ sinh ra mà không được hơn 3 kg là còi cọc rồi’. Mình là mẹ, nghe thấy như thế không khỏi xót xa, lo lắng.

Tháng đầu tiên cho con bú mẹ hoàn toàn, bé chỉ lên được 8 lạng và tháng thứ hai cũng nhỉnh hơn chút, tăng được 1 kg nhưng trông không bụ bẫm, chỉ dài người thôi. Tháng đầu bé vẫn bình thường nhưng từ tháng thứ hai, bé bị nổi rôm ở người, tay, chân. Mẹ chồng mình bảo tại mình máu nóng nên con cũng nóng theo, rồi mua sữa bột về bắt mình cho bé ăn thêm. Mình không làm theo thì mỗi khi bà bế bé, bà đều lặp đi lặp lại điệp khúc ‘Khổ thân cháu bà còi cọc’. Hễ bé khóc là bà lại một mực khẳng định bé bị đói và đi pha sữa cho bé ăn, không để mình cho bú nữa.

Thấy bà như thế, lúc đầu mình cũng buồn buồn nhưng bà cũng chỉ muốn tốt cho cháu mà thôi. Với lại, bà đã có kinh nghiệm nuôi hai con nên chắc bà nói đúng thật. Tại sữa mình nóng, sữa mình không tốt nên bé ăn nhiều mà chẳng tăng cân. Mình tự trách bản thân và có lúc sợ cho con bú, sợ truyền cái ‘máu nóng’ không tốt cho con. Thế là từ việc cho con bú cả ngày, mình giảm dần cữ bú, cho con ăn sữa ngoài nhiều. Đến tháng thứ 4, mình gần như mất hẳn sữa”.

Mặc dù các bà mẹ luôn được khuyên cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài tới khi hai tuổi nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về tầm quan trọng, công dụng của sữa mẹ. Theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam “Quan niệm sữa mẹ nóng, sữa mẹ không tốt là không chính xác. Cân nặng và sự phát triển của con phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khả năng hấp thụ của con, cách mẹ cho con bú… Sữa mẹ chứa đầy đủ các thành phần cần thiết cho một đứa trẻ và một số thành phần chỉ sữa mẹ mới có như DHA. Sữa mẹ cũng dễ hấp thụ nhất với trẻ”.

Sữa mẹ tiết ra nhiều phụ thuộc vào nhu cầu của trẻ nên chỉ một số rất ít trường hợp mẹ không đủ sữa cho con. Tuy vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Công Khanh khuyên các mẹ nên ăn uống đa dạng, đầy đủ các nhóm thực phẩm trong thời gian cho con bú. “Mẹ không nên chỉ chú trọng đạm mà cần kết hợp cả rau xanh, trái cây trong thực đơn hàng ngày. Chất đạm cũng nên đầy đủ cả đạm thực vật và đạm động vật. Ngoài ra, tâm lý của người mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng sữa của mẹ”.